Thứ Sáu | 13/07/2012 14:01

Châu Á trước vòng xoáy suy giảm tăng trưởng

Không chỉ xuất khẩu bị ảnh hưởng, các nền kinh tế châu Á đang phải đối mặt thách thức khi chi tiêu của người tiêu dùng và doanh nghiệp đều giảm.
Báo Wall Street Journal cho biết, các chính phủ ở châu Á đã bắt đầu một làn sóng kích thích tăng trưởng mới để ngăn chặn nguy cơ rơi vào vòng xoáy suy giảm tăng trưởng khiến doanh nghiệp cắt giảm thêm chi tiêu.

Động thái mới nhất trong cuộc chiến chống suy giảm này diễn ra vào ngày hôm qua (12/7) khi Ngân hàng Trung ương Hàn Quốc (BOK) bất ngờ cắt giảm lãi suất 25 điểm phần trăm, đưa lãi suất cơ bản đồng Won về 3%.

Đây là lần đầu tiên BOK cắt giảm lãi suất kể từ cuộc khủng hoảng tài chính 2009. Nhu cầu suy giảm tại các thị trường xuất khẩu đã khiến người tiêu dùng Hàn Quốc trở nên thận trọng hơn, trong khi các doanh nghiệp ở nước này cũng không còn sẵn lòng trong việc đưa ra những kế hoạch kinh doanh dài hơi.

Sáng nay (13/7), Trung Quốc công bố mức tăng trưởng GDP quý II thấp nhất kể từ cuộc khủng hoảng tài chính 2009. GDP của nền kinh tế lớn thứ hai thế giới chỉ tăng trưởng có 7,6% trong quý II vừa qua, chậm nhất trong vòng 3 năm qua.

Sự suy giảm đầu tư trong nước có thể có tác động lớn hơn cả sự suy giảm nhu cầu ở các thị trường xuất khẩu. So với ở các khu vực khác trên thế giới, đầu tư vào những lĩnh vực như nhà máy, cảng biển và bất động sản đóng một vai trò lớn hơn đối với kinh tế châu Á. Đầu tư chiếm gần một nửa hoạt động kinh tế của Trung Quốc. Ở Ấn Độ và Hàn Quốc, tỷ lệ này lần lượt là 35% và 30%. Trong khi đó, đầu tư chỉ chiếm chưa đầy 20% hoạt động kinh tế ở Brazil, Đức và Mỹ.

Đến nay, sự suy giảm kinh tế nói chung ở châu Á còn khá nhẹ, với tỷ lệ thất nghiệp và suy giảm tiêu dùng nội địa mới chỉ ở mức khiêm tốn. Cho tới gần đây, các ngân hàng trung ương trong khu vực vẫn còn phản ứng thận trọng vì lo ngại, kích thích nhiều quá có thể dẫn tới lạm phát gia tăng.

Tuy nhiên lạm phát đều giảm nhanh ở hầu hết các nền kinh tế châu Á, tạo cơ hội cho các ngân hàng tủng ương giảm lãi suất. Từ tháng 6 tới nay, Trung Quốc giảm lãi suất 2 lần. Các chính phủ cũng bắt đầu tung ra những biện pháp kích thích có mục tiêu rõ ràng hơn, chẳng hạn tăng chi tiêu chính phủ ở Hàn Quốc, chính quyền cho các nhà xuất khẩu vay vốn ở Đài Loan, hay các biện pháp hỗ trợ các hộ gia đình mua đồ gia dụng ở Trung Quốc.

Trong 3 tháng qua, Ngân hàng Phát triển Châu Á (ADB) đã 2 lần cắt giảm dự báo tăng trưởng kinh tế khu vực trong năm nay và năm tới, xuất phát từ mức tăng trưởng dự báo thấp hơn đối với Mỹ và châu Âu. ADB nhận định, GDP của khu vực châu Á không bao gồm Nhật Bản chỉ tăng trưởng 6,6% trong năm nay, so với mức dự báo 6,9% trước đó. ADB cho rằng, nhu cầu nội địa của các nền kinh tế châu Á sẽ duy trì vững.

Nhưng đã xuất hiện những tín hiệu cho thấy, chi tiêu nội địa bởi các cá nhân và công ty đã bắt đầu giảm tại một số nước châu Á. Hôm thứ Ba vừa rồi, hãng thời trang Levi Strauss & Co. của Mỹ cho biết doanh thu tại châu Á đã giảm 12% trong quý II năm nay, đánh dấu lần giảm đầu tiên trong 2 năm.

Doanh số tại các trung tâm bán lẻ của Hàn Quốc cũng đang suy yếu, trong khi doanh số thị trường ôtô nước này giảm 6% trong 6 tháng đầu năm. Đây là mức giảm mạnh nhất của thị trường xe ở Hàn Quốc kể từ 6 tháng cuối năm 2008, khi doanh số giảm 13% do ảnh hưởng của khủng hoảng tài chính toàn cầu.

Cũng trong ngày hôm nay, một trung tâm thương mại và tài chính khác của châu Á là Singapore cho biết nền kinh tế suy giảm 1,1% trong quý 2, từ tăng 9,4% trong quý I.

Ấn Độ thì vừa công bố sản lượng công nghiệp tháng 5 tăng 2,4% so với cùng kỳ năm trước. Đây là một mức tăng mà các chuyên gia kinh tế cho là phù hợp với sự trì trệ kinh tế đang diễn ra ở nước này.

Nguồn VnEconomy


Sự kiện