Đáng lo ngại là phần lớn các nước Đông Nam Á vẫn chưa khởi động kế hoạch hành động đối phó với sóng nhiệt tại những thành phố lớn. Ảnh: T.L

 
Việt Phong (Tổng hợp) Thứ Hai | 17/06/2024 14:00

Châu Á trong cơn sóng nhiệt

Những đợt sóng nhiệt càn quét qua nhiều nơi ở châu Á trong tháng 4 và tháng 5, liên tục phá vỡ các kỷ lục trước đó.

Châu Á đã chịu sức nóng vượt 40 độ C trong thời gian dài. Tại Ấn Độ, Bangladesh, Thái Lan, Philippines, Campuchia, chẳng hạn, hàng trăm ca tử vong do sóng nhiệt đã được báo cáo, ngành nông nghiệp cũng chịu thiệt hại không nhỏ. 

Nhóm nhà khoa học từ World Weather Attribution đã so sánh với các đợt sóng nhiệt của năm 2022 và 2023, nhận thấy không chỉ biến đổi khí hậu tác động đến các hiện tượng sóng nhiệt này mà còn khiến sức nóng của chúng nghiêm trọng gấp 30 lần. 

Đáng lo ngại hơn, theo Adrienne Arsht-Rockefeller Foundation Resilience Center (Arsht-Rock) có trụ sở tại Mỹ, đến năm 2050 sóng nhiệt sẽ ảnh hưởng đến hơn 3,5 tỉ người trên toàn cầu, trong đó phân nửa ở đô thị. Tổ chức Lao động Quốc tế đưa ra con số ước tính thiệt hại kinh tế do năng suất giảm liên quan đến sóng nhiệt có thể lên tới 2.400 tỉ USD đến năm 2030, ảnh hưởng đặc biệt nghiêm trọng đến các nước thu nhập thấp và chịu tác động mạnh bởi biến đổi khí hậu.

 

Các thành phố thường sẽ nóng hơn vài độ C so với các khu vực nông thôn lân cận do nhiệt bị giữ lại bởi những con đường bê tông và các tòa nhà tối màu tạo ra hiệu ứng “đảo nhiệt”, nghĩa là nhiệt độ vào ban đêm vẫn ở mức cao. Thông thường người dân sống ở các xóm nghèo sẽ chịu sức nóng khốc liệt hơn do thiếu cây cối, bóng mát và công viên. Tại Phnom Penh, Campuchia, hiệu ứng đảo nhiệt đã “góp” thêm 25 ngày cực nóng mỗi năm ở các quận trung tâm của thành phố này. Đến năm 2050, số ngày cực nóng mỗi năm dự kiến tăng hơn gấp đôi tại những khu vực có hiệu ứng đảo nhiệt mạnh nhất.

Theo Tổ chức Khí tượng Thế giới (WMO), châu Á đang nóng lên với tốc độ nhanh hơn mức trung bình toàn cầu, nghĩa là các thành phố ở khu vực này cực kỳ dễ bị tổn thương trước các đợt sóng nhiệt. Chỉ riêng tháng 4, Vientiane đã chịu sức nóng 43,2 độ C, Hà Nội là 40,4 độ C. Những ngày cuối tháng 5, tại Ấn Độ, nhiệt độ trung bình đã tăng lên gần 53 độ C, đặc biệt ở một số khu vực thuộc Delhi và Rajasthan. Nền nhiệt này cao hơn mức trung bình cùng giai đoạn trong năm khoảng 8-100 độ C. 

Đáng lo ngại là phần lớn các nước Đông Nam Á vẫn chưa khởi động kế hoạch hành động đối phó với sóng nhiệt tại những thành phố lớn. Cho đến hiện tại, chỉ một số ít thành phố trong khu vực đã đề ra các biện pháp đối phó với sức nóng cực đoan như Bangkok, Manila. Trong khi đó, theo một nghiên cứu của Đại học Monash tại Malaysia, số ca tử vong hằng năm liên quan đến sức nóng tại Đông Nam Á dự kiến sẽ tăng 295% đến năm 2030 nếu không có sự can thiệp nào.

“Con người đã tạo ra hiệu ứng đảo nhiệt. Chính con người phải phá bỏ nó để tồn tại, để xây dựng được những thành phố tiết kiệm năng lượng hơn và đáng sống hơn”, Giáo sư Vic Dul-loog và Giáo sư Zenaida Galingan tại Đại học Philippines Diliman College of Architecture, nhận xét.

 

Đã có một số nỗ lực được tạo ra. Các tháp đón gió, vốn được sử dụng hàng thế kỷ ở nhiều nơi tại Trung Đông, Bắc Phi và châu Á như một hệ thống thông gió tự nhiên, nay đã được tăng cường khai thác nhằm giúp giữ mát cho các đô thị. Tại Singapore, chẳng hạn, các nhà quy hoạch đô thị và các nhà phát triển những tòa tháp cao tầng mới đều nỗ lực khai thác luồng gió bằng cách tạo ra một mạng lưới các hàng lang gió để tối ưu luồng gió tự nhiên và giảm thiểu sức nóng bị giữ lại trong các đợt gió mùa. Singapore cũng “xanh hóa” 100 ha mặt tiền các tòa nhà. Dự kiến con số này sẽ tăng gấp đôi vào năm 2030.

Tại thủ đô Seoul của Hàn Quốc, chính quyền thành phố đã nỗ lực khôi phục dòng sông Cheonggyecheon Stream, một con sông từng bị cầu vượt cao tốc che phủ suốt nhiều thập kỷ. Dự án này đã được triển khai từ đầu thập niên 2000 nhằm ngăn chặn lũ lụt và hạ thấp nhiệt độ. Nghiên cứu cho thấy nhiệt độ dọc theo con sông này, vốn chạy qua trung tâm Seoul, mát hơn 3,3-5,9 độ C so với con đường chạy song song chỉ cách vài dãy phố. 

Sơn mái nhà bằng một lớp sơn trắng phản chiếu là một cách đơn giản, chi phí thấp, giúp giảm tới 5 độ C nhiệt độ trong nhà, theo Liên Hiệp Quốc. Tại thành phố Ahmedabad của Ấn Độ, để đối phó với cơn sóng nhiệt khủng khiếp vào năm 2010 đã cướp đi mạng sống của hơn 1.300 người, hàng ngàn mái nhà đã được sơn trắng tại các khu ổ chuột. Sáng kiến này sau đó đã được áp dụng tại hàng chục thành phố khác ở Ấn Độ. 

Các kỹ thuật xây dựng truyền thống giúp thông gió tự nhiên cũng đang được áp dụng trở lại ở Quảng Châu, một trong những thành phố lớn nhất Trung Quốc với gần 19 triệu dân. Khu lịch sử Yongqing Fang ở thành phố này có những con hẻm được làm mát, những bức tường rỗng và mái ngói 2 lớp cách nhiệt.

Tuy nhiên, mọi nỗ lực sẽ là không đáng kể nếu thiếu một kế hoạch hành động cấp quốc gia và quy mô toàn cầu nhằm chống lại biến đổi khí hậu. Bởi theo ước tính của Liên Hiệp Quốc, trừ phi lượng khí nhà kính giảm mạnh vào năm 2050, nếu không 1.000 thành phố sẽ phải trải qua độ nóng trung bình vào mùa hè là 35 độ C, gần gấp đôi nhiệt độ hiện tại. Jesse Keenan, nhà khoa học tại Đại học Tulane ở Mỹ, khuyến cáo những gì chúng ta đang đối mặt chỉ mới là bắt đầu và con người phải chuẩn bị cho một thế giới ngày càng nóng hơn.