Ảnh minh họa: bocongthuong.

 
Thứ Ba | 05/07/2022 12:49

Châu Á trong cơn bão giá

Các quốc gia châu Á đang triển khai những biện pháp mạnh mẽ nhằm kiềm chế lạm phát trong bối cảnh cuộc xung đột tại Ukraine.

Một số chuyên gia đã so sánh tình trạng kinh tế hiện tại với cú sốc dầu mỏ trong những năm 1970 khi thế giới phải hứng chịu lạm phát và suy thoái kinh tế cùng một lúc.

Tại Hàn Quốc, chi phí cho xuất cơm trưa tại các nhà hàng đang trở nên quá đắt đỏ với thu nhập của các nhân viên văn phòng, do vậy ngày càng có nhiều người lựa chọn việc mua cơm hộp tại các cửa hàng tiện lợi.

Cô Park Mi-won, 62 tuổi, một nhân viên văn phòng trước đây không bao giờ mua cơm trưa tại các cửa hàng tiện lợi, chia sẻ: "Trước đây tôi thường ăn trưa tại các nhà hàng. Sau khi giá cả tăng, tôi bắt đầu tới các cửa hàng tiện lợi như thế này. Tôi nghĩ giá cả ở đây hợp lý hơn và thức ăn cũng ngon. Bây giờ, tôi đến đây thường xuyên hơn, khoảng hai đến ba lần trong một tuần".

Theo các chuyên gia, do bị ảnh hưởng nặng nề bởi đại dịch COVID-19 cũng như giá dầu và lương thực tăng cao, châu Á đang trải qua một làn sóng lạm phát sẽ ảnh hưởng đến sinh kế và nền kinh tế.

Lạm phát lương thực ở Ấn Độ dự kiến sẽ vượt 9% trong nửa cuối năm nay, trong khi tại Hàn Quốc, Ngân hàng Trung ương cho biết lạm phát trong năm nay có thể sẽ đạt mức cao nhất trong vòng 14 năm. 

 

Tại Thái Lan, lạm phát dự kiến sẽ tăng từ 4,9% lên 5,9%, với mức cao nhất trong 24 năm. Tại Lào, theo Cục Thống kê nước này, lạm phát cả năm ở Lào đã tăng lên 12,8% vào tháng trước, mức cao nhất trong 18 năm.

Theo chuyên gia Jihad Azour của Quỹ tiền tệ quốc tế, áp lực lạm phát ở nhiều nền kinh tế châu Á đã tăng lên trong nửa đầu năm nay do giá dầu, khí đốt và than trên thế giới tăng cao, cũng như giá nông sản cao hơn. Đối với các công ty, sự gián đoạn chuỗi cung ứng toàn cầu cũng đang làm gia tăng áp lực tăng giá đối với nguyên liệu và linh kiện.

“Năm ngoái, một số khu vực, trong đó có châu Á đã trải qua một sự phục hồi tốt hơn mong đợi, do nhu cầu trong nước tăng mạnh, với tăng trưởng GDP thực tế được điều chỉnh. Tuy nhiên, lạm phát cũng tăng mạnh và vẫn ở mức cao. Điều này đã làm giảm không gian chính sách tiền tệ của các quốc gia khi chính sách tài khóa đã bị hạn chế với nợ công cao hơn sau đại dịch” - chuyên gia Jihad Azour nói.

Quyết định mạnh tay mới đây của Cục dự trữ liên bang Mỹ (Fed) lần thứ 3 trong năm nay và cũng là lần mạnh nhất kể từ năm 1994 tăng lãi suất chuẩn thêm 0,75 điểm phần trăm không chỉ có tác động lớn đến kinh tế Mỹ mà còn kéo các Ngân hàng Trung ương toàn cầu, trong đó có châu Á vào xu hướng thắt chặt chính sách tiền tệ, gây ảnh hưởng đáng kể cho tốc độ phục hồi của nền kinh tế toàn cầu. Chính phủ nhiều nước đã đối phó với lạm phát gia tăng bằng cách thắt chặt chính sách tiền tệ, trợ giá một số mặt hàng hay hỗ trợ trực tiếp các hộ gia đình thu nhập thấp.

Tại Hàn Quốc, chi phí cho xuất cơm trưa tại các nhà hàng đang trở nên quá đắt đỏ với thu nhập của các nhân viên văn phòng (ảnh: Korea Times)
Tại Hàn Quốc, chi phí cho xuất cơm trưa tại các nhà hàng đang trở nên quá đắt đỏ với thu nhập của các nhân viên văn phòng. Ảnh: Korea Times.

Tại Malaysia, chính phủ nước này mới đây đã thông qua gói hỗ trợ khổng lồ trị giá 70 tỉ ring-ghít (tương đương gần 16 tỉ USD) nhằm giải quyết tình trạng chi phí sinh hoạt tăng cao. Trong khi đó, Chính phủ Hàn Quốc đã dỡ bỏ mức thuế 22,5% đối với 50.000 tấn thịt lợn nhập khẩu, cũng như dỡ bỏ thuế quan đối với 6 mặt hàng khác, bao gồm dầu hướng dương và lúa mì cho đến cuối năm.

Một số chuyên gia so sánh tình trạng kinh tế hiện tại với cú sốc dầu mỏ (trong những năm 1970) khi thế giới phải hứng chịu lạm phát và suy thoái kinh tế cùng một lúc. Tuy nhiên, các chuyên gia cũng cho rằng không giống như trước đây, sức chống chọi của các nền kinh tế đã tốt hơn rất nhiều và hầu hết các quốc gia trong khu vực hiện nay đều có đủ dự trữ để bảo vệ đồng nội tệ của mình, cũng như ứng phó với những cú sốc về nguồn cung.

Có thể bạn quan tâm:

Nga và Trung Quốc đang thống trị thị trường điện hạt nhân

Nguồn VTV