Thứ Hai | 29/07/2013 13:35

Châu Á thắt chặt tín dụng mạnh nhất từ khủng hoảng tài chính

Các ngân hàng châu Á thắt chặt cho vay mạnh nhất kể từ khủng hoảng tài chính toàn cầu năm 2009, khảo sát của Viện Tài chính quốc tế (IIF) cho biết.
Chỉ số đánh giá điều kiện hoạt động cho vay ngân hàng khu vực này hiện đạt 45,7 điểm. 50 điểm là mốc phân biệt giữa nới lỏng với thắt chặt tín dụng. Châu Á cũng là khu vực thắt chặt cho vay nhất trong số các khu vực kinh tế mới nổi.

IIF chỉ ra 3 yếu tố khiến châu Á thắt chặt tín dụng gồm, điều kiện cho vay nội địa xấu đi, nợ xấu cao trong khi nhu cầu vay giảm.

Khảo sát trên được thực hiện với 133 ngân hàng khu vực Mỹ Latinh, châu Âu, châu Á, Trung Đông, châu Phi.

Châu Á hiện có tỷ lệ nợ xấu cao nhất trong số các khu vực được khảo sát. Chỉ số đánh giá nợ xấu của châu Á theo IIF là 44 điểm (mức điểm 50 là ranh giới phân chia giữa nợ xấu tăng và nợ xấu giảm). Trong khi đó, nhu cầu vay nợ ở khu vực này trong quý II giảm quý thứ 2 liên tiếp, với các khoản vay tiêu dùng và mua bất động sản giảm lần đầu tiên kể từ năm 2011.

Frederic Neumann, trưởng bộ phận nghiên cứu kinh tế châu Á kiêm giám đốc điều hành tại HSBC cho rằng tình trạng thắt chặt tín dụng này là do căng thẳng tiền mặt đang tiếp diễn ở Trung Quốc và Ấn Độ.

Lãi suất liên ngân hàng Trung Quốc từng lên kỷ lục vào tháng 6 dẫn đến tình trạng đóng băng thanh khoản đối với các ngân hàng khi ngân hàng trung ương nước này từ chối bơm tiền vào hệ thống nhằm kiềm chế tăng trưởng tín dụng quá mức. Đến nay biến động lại suất trên thị trường liên ngân hàng Trung Quốc vẫn chưa có dấu hiệu ngừng lại.

Tuần trước, ngân hàng trung ương Ấn Độ cũng nối gót Trung Quốc thắt chặt thanh khoản nhằm ngăn đà mất giá của đồng rupee. Các ngân hàng Ấn Độ buộc phải duy trì tỷ lệ dự trữ bắt buộc hàng ngày ở mức 99% tiền gửi.

Nguồn CNBC/Dân Việt


Sự kiện