Châu Á-Thái Bình Dương vượt châu Âu về độ giàu có
Trên phạm vi toàn thế giới, tổng số những người giàu sẽ tăng thêm 18 triệu người trong 5 năm tới, lên đến 46 triệu, và tổng giá trị tài sản của các hộ gia đình sẽ vượt 330.000 tỷ USD so với 223.000 tỷ USD hiện nay. Trung Quốc được dự đoán sẽ đóng góp 18.000 tỷ USD, vượt qua Nhật Bản song vẫn đứng sau Mỹ.
Báo cáo nghiên cứu giai đoạn từ giữa năm 2011 đến giữa năm 2012 nói trên cũng nhận định Indonesia sẽ là một trong 5 nước trên thế giới có số người giàu tăng cao nhất vào năm 2017. Theo đó, số người giàu (những người trưởng thành có mức thu nhập từ 10.842 USD/năm, tính theo điều kiện kinh tế sở tại) của Indonesia sẽ tăng từ 104.000 hiện nay lên 207.000 người, với mức tăng trưởng 99%, chỉ xếp sau Ba Lan (105%), Malaysia (108%), Nga (109%) và Brazil (119%).
Trước đó, trong báo cáo các hãng dịch vụ tài chính Capgemini và quản lý tài sản RBC, công bố ngày 19/9 vừa qua, năm 2011 là lần đầu tiên châu Á có số lượng triệu phú vượt Bắc Mỹ. Tuy nhiên, tổng tài sản của nhóm này đã bị giảm nhẹ và vẫn chưa đuổi kịp giới đại gia bên kia Thái Bình Dương.
Trong năm ngoái, khu vực châu Á-Thái Bình Dương có 3,37 triệu cá nhân thu nhập cao (HNWI - những người có tối thiểu 1 triệu USD để đầu tư). Con số này ở khu vực Bắc Mỹ là 3,35 triệu người, còn ở châu Âu là 3,17 triệu người.
Sự giàu có ở châu Á không đồng đều khi 54% số triệu phú tập trung ở Nhật Bản, gần 17% ở Trung Quốc và hơn 5% tại Australia. Tuy lần đầu tiên vượt Bắc Mỹ về số lượng nhưng tổng giá trị tài sản các HNWI châu Á lại giảm nhẹ từ 10.800 tỷ USD năm 2010 xuống 10.700 tỷ USD trong năm ngoái. Trong khi đó, con số này ở khu vực Bắc Mỹ lên tới 11.400 tỷ USD.
Nhiều triệu phú châu Á làm giàu từ các doanh nghiệp gia đình và bất động sản. Song, năm 2011 chứng kiến không ít đại gia thiệt hại mà nặng nề nhất là ở Hong Kong (Trung Quốc). Trong khi đó, mức tăng trưởng mạnh mẽ nhất là ở Thái Lan (9,3%) và Indonesia (5,3%).
Tình trạng suy thoái kinh tế toàn cầu cũng góp phần làm tổng giá trị giàu có ở châu Á giảm nhẹ nhưng báo cáo nhận định khu vực bị kìm lại chủ yếu bởi các thách thức kinh tế mang tính quốc nội, trong đó có lạm phát, tăng trưởng giảm tốc và luồng vốn.
Nguồn Vietnam+