Thứ Tư | 15/08/2012 19:12

Châu Á sở hữu nhiều siêu đô thị nhất thế giới

Với tốc độ đô thị hóa nhanh chóng, châu Á hiện là khu vực có nhiều siêu đô thị cũng như có mật độ dân số lớn nhất thế giới.
Trong những năm gần đây, tốc độ đô thị hóa tại châu Á diễn ra khá nhanh chóng và ổn định. Ngân hàng phát triển Á châu (ADB) dự báo trong những thập kỷ tới, quá trình đô thị hóa của châu Á vẫn sẽ duy trì được tốc độ tăng trưởng hiện tại.

Theo ADB, mặc dù quá trình đô thị hóa của châu Á có nhiều nét tương đồng so với những khu vực khác như châu Âu, châu Mỹ Latinh hay Bắc Mỹ, song vẫn có những đặc điểm đặc biệt.

Đặc điểm dễ nhận biết và đặc biệt nhất đó là số lượng các "siêu thành phố" mà châu Á sở hữu. Theo số liệu thống kê, trong năm 1950, trên thế giới chỉ có duy nhất hai siêu thành phố là New York, với 12,3 triệu dân, và Tokyo với 11,3 triệu dân. Đến năm 1980, thế giới có thêm hai siêu thành phố mới là Sao Paolo của Brazil với 12,1 triệu dân và Mexico City với 13 triệu dân.

Tuy nhiên, đến năm 2010, trên tổng số 23 siêu thành phố của thế giới, có 12 thành phố nằm tại châu Á. Liên Hợp Quốc dự báo, đến năm 2025, số lượng các siêu thành phố ở châu Á sẽ tăng lên 21 thành phố. Các thành phố lớn như Trùng Khánh, Quảng Châu, Jakarta, Lahore và Thâm Quyến được dự báo sẽ nhanh chóng vượt qua mốc 10 triệu người.

a

Bản đồ các siêu thành phố trên thế giới trong năm 2025, trong đó châu Á sở hữu nhiều siêu thành phố nhất. (Nguồn: ADB)

Mặc dù các siêu thành phố tại châu Á đang tăng trưởng nhanh chóng cả về số lượng lẫn quy mô, song tỷ lệ người dân tại mỗi siêu thành phố trên tổng số cư dân thành thị toàn quốc tại châu Á lại thấp hơn khá nhiều so với các khu vực khác trên thế giới. Trong năm 2009, khoảng 12% dân số đô thị châu Á sinh sống tại các thành phố lớn nhất của đất nước, trong khi đó tại các khu vực khác là 21%. Điều này đồng nghĩa quy mô của các thành phố tại châu Á sẽ còn tăng trưởng hơn nữa.

Một đặc điểm khác đó là trái với tốc độ mở rộng nhanh chóng, mức độ đô thị hóa (tức là, tỷ lệ dân số sống ở khu vực thành thị) của châu Á lại thấp hơn khá nhiều so với phần còn lại của thế giới. Trên thế giới, châu Á được coi là khu vực kém đô thị hóa nhất, thậm trí còn xếp sau châu Phi, trong giai đoạn từ năm 1970 đến năm 2000.

Năm 1960, chỉ có 20,7% dân số châu Á được đô thị hóa, trong khi của thế giới là 33,6%. Đến năm 2010, 52% dân số thế giới được đô thị hóa trong khi ở châu Á là 43%. Điều đó cho thấy mặc dù đã thu hẹp, song khoảng cách đô thị hóa giữa châu Á và thế giới vẫn rất lớn. Theo ADB, tới năm 2050, 62,9% dân số châu Á sẽ sinh sống tại các thành phố.
s
Mức độ đô thị hóa tại từng khu vực trên thế giới. (Nguồn: ADB)

Theo sau đặc điểm này, ABD cho biết tốc độ gia tăng dân số tại các thành phố lớn của châu Á hiện tại là khá cao. Kể từ năm 1950, các thành phố châu Á đã có thêm 1,4 tỷ người. Trong đó, các quốc gia như Bangladesh, Trung Quốc, Ấn Độ, Indonesia và Việt Nam là những nước có tốc độ gia tăng dân số lớn nhất. Châu Á cũng là khu vực có tổng số dân thành thị lớn nhất thế giới. Ước tính dân số thành thị châu Á hiện cao gấp 3 lần châu Âu, khu vực có dân số thành thị lớn thứ hai thế giới.

Do sở hữu số lượng dân số khổng lồ, mật độ dân số tại các thành phố của châu Á cũng cao hơn rất nhiều so với các nơi khác trên thế giới. 3 thành phố có mật độ dân cư đông đúc nhất nằm tại Nam Á, và trong top 10 thành phố đông đúc nhất thế giới, có 8 thành phố của châu Á. Ước tính, trung bình mỗi khu đô thị ở châu Á có mật độ 720 người/ km2, trong khi tại Australia, New Zealand và Mỹ, tỷ lệ này là 150 người/km2.

Tuy nhiên, theo ADB, mặc dù tốc độ đô thị hóa nhanh chóng tại châu Á là điều không thể bàn cãi, song vấn đề lớn nhất đó là quá trình đô thị hóa lại diễn ra không đều trên toàn châu Á. Chẳng hạn, các nước châu Á phát triển như Nhật Bản, Australia và New Zealand có tốc độ độ thị hóa cao hơn rất nhiều so với các khu vực khác, tương ứng là 90,2% và 49,6% (số liệu năm 2010). Các tiểu vùng nhỏ hơn tại Đông Á đô thị hóa chậm hơn so với khu vực Trung, Tây và Đông Nam Á. Tuy nhiên, trong thời gian qua, các tiểu vùng Đông Á lại là những khu vực có tốc độ đô thị hóa cao nhất châu Á, 50,7%, điển hình là Trung Quốc, Hàn Quốc và Bangladesh.

Có thể nói, mức độ đô thị hóa của châu Á có xuất phát điểm khá thấp, song lại diễn ra khá nhanh chóng và trên quy mô lớn so với các khu vực khác trên thế giới. ADB dự báo quá trình này sẽ tiếp tục diễn ra cho đến năm 2050, trong đó số lượng các siêu thành phố cũng như quy mô các thành phố sẽ tăng nhanh chóng. Bên cạnh đó, với mật độ dân số khá cao, châu Á sẽ phải đối mặt với không ít khó khăn như tác động kinh tế, môi trường lẫn an sinh xã hội.

Nguồn ADB/Khampha


Sự kiện