Thứ Sáu | 16/08/2013 09:59

Châu Á sẽ phải vay nợ đắt đỏ hơn

Chính phủ và doanh nghiệp châu Á đối mặt với thời kỳ tín dụng thắt chặt hơn và có thể ảnh hưởng đến triển vọng tăng trưởng kinh tế khu vực.
Kể từ khủng hoảng tài chính, lãi suất thấp trên quy mô toàn cầu góp phần đáng kể vào đà tăng trưởng của các nền kinh tế đang phát triển ở châu Á. Tuy nhiên, đến nay, cơ hội vay lãi suất thấp cho châu Á giảm dần khi Cục dự trữ liên bang Mỹ (Fed) có kế hoạch giảm dần và tiến tới ngừng hẳn nới lỏng tiền tệ.

Chính phủ và doanh nghiệp ở châu Á phải trả lãi suất cao hơn để hấp dẫn nhà đầu tư vào thị trường trái phiếu hoặc buộc phải giảm cường độ phát hành trái phiếu. Theo số liệu của EPFR, trong tháng 6 và tháng 7, nhà đầu tư rút ròng khoảng 6 tỷ USD khỏi thị trường trái phiếu châu Á.

Nguồn: FactSet, WSJ.
Nguồn: FactSet, WSJ.
Lợi suất trái phiếu giảm trở lại trong những tuần gần đây và vẫn thấp hơn so với giai đoạn trước khủng hoảng tài chính. Tuy nhiên, chi phí đi vay ở châu Á có thể tăng thêm trong bối cảnh kinh tế Mỹ và các nước phát triển khác phục hồi khiến các ngân hàng trung ương rút dần nới lỏng tiền tệ.

“Chi phí vay ở châu Á vẫn tương đối thấp so với trước kia. Nhưng khi Fed tiến tới thắt chặt chính sách, dòng vốn có thể chạy khỏi khu vực, đẩy chi phí lãi vay tăng và kéo tụt đà tăng trưởng”, trưởng bộ phận nghiên cứu châu Á tại Société Générale ở Hong Kong nhận định.

Indonesia là một trong những nước chịu ảnh hưởng mạnh nhất sau khi bùng nổ kinh tế nhờ nhu cầu tiêu thụ hàng hóa mạnh từ Trung Quốc. Lợi suất trái phiếu chính phủ Indonesia kỳ hạn 10 năm hiện khoảng 8%, cao nhất hơn 2 năm, so với mức 5% hồi đầu năm.

Chính phủ Malaysia cũng vay mạnh tiền để đầu tư cho cơ sở hạ tầng khi xuất khẩu có xu hướng tăng chậm lại. Hiện nợ chính phủ của Malaysia khoảng 53% GDP, một trong những nước có tỷ lệ nợ công trên GDP cao nhất khu vực. Tuần trước, lợi suất trái phiếu chính phủ kỳ hạn 10 năm của nước này cũng lên hơn 4%, cao nhất trong 2 năm rưỡi.

Tại Trung Quốc, nợ của doanh nghiệp quốc doanh và chính quyền địa phương không ngừng tăng lên cũng gây sức ép tăng chi phí lãi vay. Lợi suất trái phiếu doanh nghiệp đáo hạn 3 năm và có xếp hạng AAA của Trung Quốc lên 4,9% vào cuối tháng 7 so với 4,4% trong tháng 4.

Dòng tiền nếu bốc hơi mạnh khỏi khu vực châu Á ít khả năng gây một cuộc khủng hoảng tương tự năm 1997-1998 bởi vị thế hiện nay của các ngân hàng trung ương trong khu vực đã được cũng cố hơn nhờ dự trữ nhưng chi phí lãi vay tăng sẽ kéo tụt đà tăng trưởng kinh tế khu vực, giới chuyên gia nhận định.

Nguồn WSJ/Dân Việt


Sự kiện