Chủ Nhật | 17/06/2012 14:46

Châu Á sẽ là trung tâm của thị trường lao động thế giới

Một vài thập kỷ tới, châu Á sẽ nổi lên là trung tâm lao động và phát kiến của toàn thế giới với 2 điểm sáng là Trung Quốc và Ấn Độ.
Theo nghiên cứu mới được công bố của Học viện McKinsey, vào năm 1980, thị trường lao động toàn cầu dễ chịu hơn rất nhiều so với ngày nay. Cách đây 1 thế hệ, chỉ có khoảng 1,7 tỷ người tham gia thị trường lao động và một nửa trong số đó làm việc trong lĩnh vực nông nghiệp. Trong năm 2010, con số này đã lên tới 2,9 tỷ với sự gia tăng mạnh mẽ ở các nước mới nổi. Cả thế giới đã có thêm 900 triệu lao động khu vực phi nông nghiệp, trong đó riêng Ấn Độ và Trung Quốc chiếm tới 400 triệu người.

Sự hội nhập sâu rộng vào thị trường lao động của Trung Quốc và Ấn Độ đã giúp rất nhiều người thoát khỏi cảnh đói nghèo. Chuyển đổi từ khu vực nông nghiệp sang các lĩnh vực khác cũng là động lực cho sự tăng trưởng thần kỳ. Ở Trung Quốc, lao động trong lĩnh vực phi nông nghiệp sản xuất ra lượng của cải nhiều gấp 7 lần so với nông dân. Năng suất lao động của Ấn Độ bị tụt lại so với Trung Quốc bởi nước này gặp nhiều khó khăn hơn trong việc chuyển đổi.

Trong khi đó, ở các nước giàu, sự cạnh tranh khốc liệt giữa hàng triệu lao động mới được đào tạo nhưng ở trình độ thấp khiến lương dành cho bộ phận này rất thấp. Những công ty ở các nước giàu đầu tư rất nhiều vào công nghệ mới và do đó nhu cầu về lao động lành nghề luôn vượt quá số lượng mà các trường học đào tạo ra. Hai xu hướng này làm gia tăng sự bất bình đẳng tại các nước phát triền.

i

Cũng theo nghiên cứu này, bất chấp những nỗ lực lớn lao nhằm cải thiện hệ thống giáo dục, lao động ở các nước mới nổi vẫn có trình độ thấp hơn so với các nước khác. Khoảng 35% lao động ở Trung Quốc và 70% ở Ấn Độ có trình độ giáo dục chỉ ở mức sơ đẳng. Tuy nhiên, điều này cũng sẽ thay đổi trong tương lai. Theo dự đoán của McKinsey, Trung Quốc và Ấn Độ sẽ trở thành trung tâm cung cấp nhân lực chất lượng cao trong vòng 2 thập kỷ nữa với 184 triệu lao động có trình độ đại học được bổ sung thêm vào thị trường lao động quốc tế. Kéo theo đó, vị trí trung tâm về nhân lực và sáng tạo sẽ được dịch chuyển về châu Á.

Trong khi đó, các nước phát triển phải đối mặt với tình trạng già hóa lực lượng lao động. Đến năm 2030, sẽ có 12 triệu lao động có trình độ đại học bước vào độ tuổi nghỉ hưu. Thậm chí, lực lượng lao động còn giảm mạnh ở rất nhiều nước. Do đó, cải tiến năng suất sẽ là cần thiết để có thể giữ vững mức tăng thu nhập như hiện nay, đặc biệt là ở những nước Nam Âu kém phát triển hơn. Với tỷ lệ tham gia vào thị trường lao động như hiện tại, Tây Ban Nha, Italia, Hy Lạp và Bồ Đào Nha cần phải tăng năng suất lên 1,4% mỗi năm (hơn gấp đôi năng suất trong thời kỳ 1999 - 2010) nếu muốn giữ nguyên tốc độ tăng trưởng.

Với tất cả những xu hướng trên, thị trường lao động thế giới sẽ chứng kiến sự chênh lệch kỹ năng trầm trọng. McKinsey ước tính trong 1 thập kỷ tới,  các nước giàu và Trung Quốc sẽ thiếu hụt tới 40 triệu lao động đã tốt nghiệp đại học trong khi lại có 90 triệu lao động trình độ thấp bị dư thừa. Điều này khiến lương thấp đi và tình trạng mất cân bằng càng trở nên tồi tệ hơn.   

Tuy nhiên, theo McKinsey, các chính phủ có thể giảm thiểu những tác động xấu nhất. Những cải tiến trong giáo dục, điển hình như đào tạo trực tuyến, sẽ giúp nâng cao số lượng lao động lành nghề. Nhu cầu lao động trình độ cao sẽ tăng lên, đặc biệt là trong ngành dịch vụ. Với số lượng lao động được dự báo lên tới 3,5 tỷ người vào năm 2030, chắc chắn sự cạnh tranh sẽ trở nên khốc liệt hơn không chỉ đối với người lao động mà còn cả đối với các chính phủ.

Nguồn CafeF


Sự kiện