Thứ Hai | 03/09/2012 15:36

Châu Á sẽ là thiên đường của những người giàu nhất thế giới

Theo báo cáo "Wealth Report 2012", Singapore là điểm đến lý tưởng nhất của giới giàu có. Đài Loan, Hồng Kông, Hàn Quốc cũng sẽ có những bước tiến lớn.
Báo cáo "Wealth Report năm 2012" của hai tổ chức Knight Frank và Citi Private Wealth vừa công bố đã điểm tên các nước và vùng lãnh thổ sẽ trở thành ngôi nhà của những công dân giàu nhất thế giới vào năm 2050. Trong đó, Hồng Kông, Đài Loan và Hàn Quốc được dự báo sẽ có những bước tiến lớn, tuy nhiên, Nhật Bản lại không nằm trong số này.

Theo "Wealth Report 2012", vị trí đứng đầu về thu nhập đầu người thuộc về Singapore với 56.532 USD vào năm 2010. Tiếp theo là Na Uy với 51.226 USD, sau đó là Mỹ (45.511 USD), Hồng Kông (45.301 USD) và Thụy Sĩ (42.470 USD).

"Châu Á sẽ trở thành ngôi nhà của những công dân giàu có nhất thế giới trong thời gian tới. Singapore sẽ là cái tên vĩ đại nhất" - Knight Frank và Citi Private Wealth khẳng định trong "Wealth Report 2012".

Trước đó, trong bảng xếp hạng của Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF), Singapore đứng thứ 3 sau Qatar và Luxembourg về chỉ số GDP bình quân, tuy nhiên, hai cái tên Qatar và Luxembourg lại không xuất hiện trong báo cáo của Knight Frank.

"Wealth Report" ước tính, đến năm 2050, những công dân giàu có của thế giới sẽ hội tụ tại châu Á. Khi đó, chỉ số thu nhập bình quân của Singapore sẽ là 137.710 USD, Hồng Kông (116.639 USD), Đài Loan (114.093 USD) và Hàn Quốc (107.752 USD). Phương Tây có duy nhất Mỹ được dự đoán sẽ lọt vào top 5 với thu nhập trung bình ước tính là 100.802 USD.

Danny Quah thuộc Trường Kinh tế London dự báo, đến năm 2050, trọng tâm kinh tế của thế giới chuyển về Trung Quốc hoặc Ấn Độ. Vào năm 1980, trọng tâm kinh tế thuộc về khu vực trung Đại Tây Dương.

Một số người siêu giàu của thế giới đã đến Thái Bình Dương. Nhà đồng sáng lập Tập đoàn Facebook Eduardo Saverin, đã chuyển đến Singapore vào năm 2009. Anh cũng đã quyết định từ bỏ quốc tịch Mỹ của mình. Jim Rogers, đồng sáng lập Quỹ Quantum Fund cùng với tỉ phú George Soros, chuyển tới thuộc địa cũ của Anh vào năm 2007.

Ông cũng khẳng định ngày nay làm giàu ở châu Á dễ hơn ở Mỹ. Mỹ là con nợ lớn nhất trong lịch sử thế giới. Trong khi đó các nhà tín dụng hàng đầu thế giới lại là Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc, Đài Loan, Hồng Kông và Singapore. Tài sản đang tập trung ở châu Á.

Bảng xếp hạng các nền kinh tế tăng trưởng nhanh nhất giai đoạn 2010-2050 cũng cho thấy, tài sản đang dịch chuyển sang châu Á. Trong top 10 quốc gia tăng trưởng ấn tượng nhất là Nigeria, Ấn Độ, Iraq, Bangladesh, Việt Nam, Philippines, Mông Cổ, Indonesia, Sri Lanka và Ai Cập thì có đến 7 cái tên thuộc về châu Á.

Các nền kinh tế thuộc "thế giới cũ" sẽ có tốc độ tăng trưởng tồi tệ nhất trong vòng 40 năm tới. Tây Ban Nha, Pháp, Thụy Điển, Bỉ, Thụy Sĩ, Australia và Đức nằm trong top dưới cùng của bảng xếp hạng. Tuy nhiên, với nền dân số già cỗi của mình, Nhật Bản sẽ có tốc độ tăng trưởng yếu nhất - Knight Frank dự đoán.

Tuy nhiên, tới thời điểm đó việc những cư dân hội tụ tại Singapore, Hồng Kông và Đài Loan đến từ những vùng giàu có nhất trên thế giới không có nghĩa là khiến tất cả người dân ở đây đều giàu có.

Trong báo cáo, Tina Fordham, nhà phân tích chính trị toàn cầu cấp cao tại Citi cảnh báo, sự bất mãn với bất bình đẳng thu nhập đã được phản ánh qua phong trào chiếm phố Wall. Khi tạo được động lực lớn thì vị thế của của chính phủ, doanh nghiệp và toàn xã hội cũng sẽ có nhiều thay đổi.

Nguồn Công An Nhân Dân


Sự kiện