Chủ Nhật | 16/09/2012 10:31

Châu Á sẽ định hình ngành kinh doanh casino toàn cầu vào 2020

Đây là nhận định của công ty tư vấn PricewaterhouseCoopers (PWC) trong bối cảnh châu Á bùng nổ kinh doanh casino.
Bùng nổ xây sòng bạc trên khắp châu Á

Tại Philippines, một sòng bạc trị giá 4 tỷ USD sẽ sớm mọc lên từ khu đất khai hoang trên vịnh Manila. Ở Hàn Quốc, các nhà đầu tư nước ngoài dự kiến sẽ khởi công một tổ hợp khu nghỉ mát kèm sòng bạc ở ngoài khơi nước này. Không những thế, chính quyền địa phương phía Đông nước Nga cũng đang lên kế hoạch xây dựng một khu nghỉ mát nhằm mục đích thu hút khách du lịch Trung Quốc.

Các dự án này là một phần của xu hướng bùng nổ xây dựng các sòng bạc trên khắp châu Á, nơi chính phủ các nước đang nỗ lực phát triển thị trường du lịch nhằm thu hút giới giàu thích đánh bạc ở khu vực này.

Các quốc gia trong khu vực đang xây dựng những khu nghỉ mát sang trọng và cao cấp theo phong cách Las Vegas để đi theo con đường thành công của Macao, nơi nhanh chóng trở thành sòng bạc lớn nhất thế giới và Singapore, quốc gia có 2 sòng bạc với doanh thu ước tỉnh khoảng 6 tỷ USD mỗi năm kể từ khi khai trương vào năm 2010.

"Chắc chắn sự thành công của trung tâm cờ bạc Macao đã tạo ra phản ứng dây chuyền trong khu vực. Sau thành công của Macao và Singapore, hiển nhiên sẽ có nhiều quốc gia cân nhắc tác động tiêu cực và tích cực của việc xem hoạt động kinh doanh cờ bạc như một động cơ thúc đẩy tăng trưởng kinh tế", ông Francis Lui, phó chủ tịch Nhóm điều hành casino Galaxy Macau Entertainment cho biết.

"Trong tương lai, khu vực châu Á sẽ có thêm nhiều sòng bạc", ông Francis Lui dự đoán.

Những năm gần đây các sòng bạc được phép kinh doanh tại Campuchia gia tăng đột biến. Chính phủ nước này cũng đang nuôi tham vọng xây dựng những khu tổ hợp nghỉ dưỡng kết hợp sòng bạc với quy mô lớn để thu hút giới giàu có, nhằm biến đất nước Đông Nam Á này trở thành trung tâm quốc tế của ngành công nghiệp casino.

Chính quyền Campuchia hiện đang tập trung mở rộng và xây dựng nhiều các sòng bạc ở các khu vực du lịch, bao gồm các địa điểm gần khu nghỉ dưỡng Sihanoukville ở bờ biển phía Nam, hay ở Siem Reap, ngay gần đền thờ Angkor Wat - nơi thu hút khách du lịch nổi tiếng nhất của Campuchia.

Dự án khu resort, casino Thansur Bokor Highland của Campuchia.
Dự án khu resort, casino Thansur Bokor Highland của Campuchia.

Nagacorp, tập đoàn điều hành sòng bạc duy nhất ở thủ đô Phnom Penh, Campuchia đã lên kế hoạch đầu tư 369 triệu USD để mở rộng khu du lịch bao gồm các khách sạn và trung tâm mua sắm vào cuối năm nay. Công ty này cũng đầu tư trang bị ghế massage nhằm phục vụ cho khách đánh bạc từ quốc gia láng giềng Việt Nam.

Trong khi đó, Việt Nam cũng sẽ có khu nghỉ mát kiêm sòng bạc đầu tiên vào năm tới. Công ty Canada Asian Coast Development sẽ xây dựng một khu nghỉ mát 5 sao mang thương hiệu MGM ở bãi biển phía đông nam Việt Nam. Đây là một phần của kế hoạch phát triển du lịch trị giá 4,2 tỷ USD nhằm thu hút khách nước ngoài.

Tuy nhiên, cả Campuchia và Việt Nam đều cấm công dân nước mình vào các sòng bạc.

Ngay cả thành phố cảng nằm trên bờ Thái Bình Dương Vladivostok của Nga cũng đang lên kế hoạch kinh doanh sòng bạc. Chính quyền địa phương đã công bố kế hoạch mời gọi nhà đầu tư nước ngoài phát triển khu giải trí có tối thiểu 12 sòng bạc nhằm mục đích thu hút khách du lịch Trung Quốc và Bắc Á. Theo dự báo của các chuyên gia, sau khi hoàn thành, doanh thu hàng năm của khu giải trí này có thể lên tới 5,2 tỷ USD.

Doanh thu lớn từ kinh doanh sòng bạc

Một điều không thể phủ nhận được là hoạt động kinh doanh cờ bạc mang lại doanh thu rất lớn cho các nước. Sau khi Macau kết thúc thời kỳ độc quyền kéo dài 4 thập kỷ và cho phép các nhà đầu tư nước ngoài như Las Vegas Sands, Wynn Resorts và MGM Resorts International tham gia thị trường, khu vực ở phía nam Trung Quốc này đã nhanh chóng vượt Las Vegas Strip trở thành thị trường cờ bạc lớn nhất thế giới.

Các nhà đầu tư nước ngoài đã góp phần tạo nên sự tăng trưởng nhanh chóng của Macao, từng được biết đến là một sòng bạc cũ kỹ, lạc hậu và không kiểu cách - bằng cách xây dựng sòng bạc sang trọng tượng trưng cho sự giàu có của Trung Quốc đại lục. Năm ngoái, khu vực Macao với số dân chỉ khoảng 500.000 người này đã thu về 33,5 tỷ USD nhờ hoạt động kinh doanh cờ bạc.

Tại Singapore, Marina Bay Sands và Resorts World Sentosa, 2 sòng bạc có chi phí xây dựng hơn 10 tỷ USD có tiềm năng trở thành thị trường cờ bạc lớn thứ 2 thế giới.

Hoạt động kinh doanh cờ bạc mang lại doanh thu rất lớn cho các nước.
Hoạt động kinh doanh cờ bạc mang lại doanh thu rất lớn cho các nước.

Công ty tư vấn PricewaterhouseCoopers (PWC) dự đoán đến năm 2020, doanh thu từ hoạt động kinh doanh của các sòng bạc châu Á "về cơ bản sẽ định hình lại cấu trúc ngành công nghiệp toàn cầu", đồng thời giúp châu Á vượt Mỹ để trở thành thị trường kinh doanh sòng bạc lớn nhất khu vực.

PWC dựa vào một số dự án đang được lên kế hoạch hoặc một số dự án khác đã được thực thi để đưa ra dự báo doanh thu của các sòng bạc châu Á - Thái Bình Dương. Theo đó, doanh thu khu vực này sẽ tăng gấp đôi từ 34,3 tỷ USD trong năm 2010 lên tới 79,3 tỷ USD trong năm 2015. Trong khi đó, doanh thu của ngành công nghiệp này ở Mỹ dự báo tăng từ 57,5 tỷ USD lên 73,3 tỷ USD.
Cân nhắc tác động tiêu cực của kinh doanh sòng bạc

Xu hướng bùng nổ các sòng bạc cho thấy ngành công nghiệp này đang được thúc đẩy bởi tốc độ phát triển kinh tế nhanh chóng của khu vực, với hàng triệu người gia nhập tầng lớp trung lưu nhờ thu nhập tăng và cho phép họ tiêu nhiều tiền hơn vào du lịch và nghỉ mát. Tuy nhiên, xu hướng này cũng làm dấy lên các cuộc tranh luận về những tác động tiêu cực của ngành công nghiệp cờ bạc như vấn đề tệ nạn xã hội.

Một số quốc gia coi Singapore là hình mẫu lý tưởng về việc hợp pháp hóa hoạt động kinh doanh cờ bạc mà không gây ra tác dụng phụ. Việc Singapore cho phép 2 sòng bạc lớn hoạt động đã góp phần biến quốc gia Đông Nam Á này trở thành một điểm đến đánh bạc và du lịch hấp dẫn. Singapore cũng đang thực hiện một số biện pháp nghiêm ngặt ở châu Á để kiểm soát tội phạm có tổ chức và thói nghiện đánh bạc.

Ngành kinh doanh sòng bạc gây ra nhiều tác động tiêu cực.
Ngành kinh doanh sòng bạc gây ra nhiều tác động tiêu cực.

Các nhà quản lý cũng lên kế hoạch tăng số tiền phạt đối với các nhà điều hành sòng bạc nếu vi phạm quy định của pháp luật, đồng thơi thu phí 100 đô la Singapore (tương đương 81 USD) đối với người dân địa phương vào sòng bạc. Chính phủ Singapore cũng mở rộng chương trình cấm những người bị phá sản hoặc nhận phúc lợi vào sòng bạc.

Bất chấp những giải pháp trên, những người có thu nhập thấp vẫn đang đặt cược với số tiền lớn trong khi đường dây nóng tư vấn Samaritan ngày càng nhận được nhiều các cuộc gọi liên quan đến vấn đề cờ bạc, cuộc khảo sát của Hội đồng quốc gia về vấn đề cờ bạc năm 2011 cho thấy.

Tại Nhật Bản, nơi hợp pháp hóa kinh doanh sòng bạc là chủ đề gây tranh cãi trong nhiều năm qua, các nhà lập pháp đã gần đạt đến việc phê duyệt ngành công nghiệp này như một biện pháp kích thích kinh tế và thúc đẩy du lịch sau khi thảm họa sóng thần và hạt nhân diễn ra vào năm ngoái.

Tuy nhiên, không phải ai cũng tin rằng hoạt động kinh doanh này sẽ mang lại lợi ích kinh tế cho Nhật Bản. "Việc hợp pháp hóa kinh doanh sòng bạc là một hành động điên rồ và sẽ phá hủy Nhật Bản", ông Ken Wakamiya, nhà văn đồng thời là nhà hoạt động phản đối cờ bạc cho biết.

Ông Ken Wakamiya cũng chỉ ra rằng trò chơi có thưởng pachinko, một trong những dạng cờ bạc phổ biến ở Nhật Bản chỉ khiến người nghèo lâm vào tình trạng nghèo hơn.

Cuộc tranh luận tương tự cũng diễn ra tại Đài Loan, nơi hoạt động đánh bạc vẫn bị cấm, ngoại trừ một số hòn đảo hẻo lánh trong trường hợp người dân ở những hòn đảo này đồng ý cho sòng bạc được phép hoạt động. Đài Loan sẽ có sòng bạc đầu tiên sau khi người dân trên hòn đảo Matsu bỏ phiếu ủng hộ vào tháng 7.

Làn sóng phản đối

"Ngành công nghiệp cờ bạc không phải là ngành tạo ra các sản phẩm hoặc dịch vụ giá trị gia tăng. Hoạt động kinh doanh sòng bạc không đóng góp nhiều vào khả năng phát triển kinh tế hay tạo ra kỹ thuật và dịch vụ mới. Do đó, ngành này sẽ có ít tác động tới sự phát triển của nền kinh tế trong tương lai", ông Vincent Wijeysingha, quản lý tài chính của đảng Dân chủ Singapore cho biết.

Ở Philippines, những người đứng đầu giáo hội đã lên tiếng phản đối dự án trị giá 4 tỷ USD mà chính phủ hy vọng sẽ chuyển một cơ sở trên vịnh Manila thành phiên bản của Las Vegas Strip. Các sòng bạc ở nước này đã được hợp pháp hóa từ năm 1977, song phần lớn đều có quy mô nhỏ.

Dự án 4 tỷ USD này với tên gọi Thành phố giải trí nhằm mục đích thu hút các con bạc giàu có của nước ngoài bao gồm các khách sạn, nhà hàng, bảo tàng, bến du thuyền và đường ray xe lửa. Các nhà đầu tư nước ngoài gồm Melco Crown Entertainment của Macau, Universal Entertainment của ông trùm pachinko Kazuo Okada Nhật Bản và Genting Bhd của Malaysia đang hợp tác riêng với các đối tác địa phương về dự án này.

Tại Hàn Quốc, Universal và hai công ty khác đang lên kế hoạch xây dựng các khu nghỉ dưỡng ở đặc khu kinh tế gần sân bay Incheon trên đảo Yeongjong. Hai công ty này bao gồm Caesar Entertainment của Mỹ và Paradise Group của Hàn Quốc dự kiến sẽ tiến hành khởi công vào tháng 9/2013, ông Lee Woo-hyung, giám đốc bộ phận văn hóa và du lịch tại đặc khu kinh tế Incheon cho biết.

Tuy nhiên, một số người lo ngại rằng dự án sòng bạc tại Incheon không thể cạnh tranh với đối thủ Macao, nơi thu hút những dòng người đánh bạc dường như bất tận từ Trung Quốc.

Bắc Kinh đã nới lỏng các quy định khi để những người giàu thử vận may bằng cờ bạc ở Macau, đặc khu hành chính của Trung Quốc. Nhưng rất có thể nước này sẽ bắt đầu kiểm soát chặt chẽ hoạt động xuất nhập cảnh để ngăn chặn công dân làm giàu cho các sòng bạc trong khu vực nếu căng thẳng chính trị bùng phát.

Chịu rủi ro nhiều nhất vẫn là Philippines, bởi nước này "hoàn toàn phụ thuộc vào động thái của Trung Quốc để quyết định khả năng thành công của ngành kinh doanh cờ bạc", ông Grant Govertsen, đối tác quản lý của liên minh nghiên cứu cờ bạc Macau cho biết.

Nguồn CNBC/Khampha


Sự kiện