Châu Á năm 2012 - Từ góc nhìn kinh tế
Các nền kinh tế đang phát triển thuộc khu vực châu Á-Thái Bình Dương (trừ Ấn Độ và Nhật Bản) từ mức 7,6% xuống còn 7,2% - mức tăng trưởng thấp nhất kể từ năm 2011. Trung Quốc, nền kinh tế lớn nhất khu vực, cũng bị hạ xuống còn 7,7% thay vì 8,2% trước đó. Trong khi tăng trưởng toàn cầu năm 2012 cũng bị hạ từ 3,5% xuống 3,3% là mức thấp nhất kể từ năm 2009.
Mức suy giảm “tương đối”
Hai quốc gia đông dân nhất khu vực châu Á là Trung Quốc và Ấn Độ, tuy đã có sự điều chỉnh tốc độ tăng trưởng trước đây được coi là “nóng”, nhưng cũng vẫn có sự suy giảm cùng với sự suy giảm kinh tế toàn cầu.
Với Trung Quốc, ADB dự báo nền kinh tế nước này sẽ tăng trưởng 7,7% trong năm nay và 8,1% trong năm 2013, giảm đáng kể so với mức 9,3% được công bố hồi năm 2011; trong quý III tăng trưởng 7,4%, mức thấp nhất trong hơn 3 năm.
Sự suy giảm ở Trung Quốc đang gây tác động dây chuyền tới những nơi khác trong khu vực Đông Á, khi mà lượng cầu hàng xuất khẩu nội vùng sụt giảm. Lượng cầu thấp từ các nước công nghiệp đang tác động đến xuất khẩu của Đông Á. Tăng trưởng của Đông Á được dự báo ở mức 6,5% trong năm 2012 và tăng lên 7,1% trong năm 2013.
Đối với Ấn Độ, tăng trưởng GDP sẽ giảm từ mức 6,5% trong năm 2011 xuống 5,6% trong năm 2012. Theo số liệu công bố tuần trước, tăng trưởng kinh tế Ấn Độ trong quý III đã giảm tốc chỉ còn 5,3%, tiếp tục xu hướng tăng trưởng chậm kể từ đầu năm. Triển vọng của Ấn Độ được điều chỉnh xuống, nguyên nhân là do nhu cầu đầu tư tiếp tục giảm, niềm tin của người tiêu dùng suy yếu.
Ảnh hưởng từ Ấn Độ sẽ làm chậm mức tăng trưởng của Nam Á xuống từ 6,6% xuống 5,5% và năm 2013 từ 7,1% xuống 6,4%. Lạm phát tiếp tục là mối quan ngại lớn với tiểu vùng này, làm hạn chế biên độ chính sách tiền tệ nới lỏng giúp kích cầu và chống lại sự suy giảm tốc độ tăng trưởng kinh tế.
Khu vực Đông Nam Á được cho là ổn định hơn cả khi áp lực lạm phát đang dịu xuống. ADB điều chỉnh dự báo lạm phát khu vực này năm 2012 chỉ là 3,9% và năm 2013 là 4%. Và tăng trưởng trong khu vực cũng chỉ tăng lên mức hơn 5% trong năm 2012.
Giới chuyên gia cho biết, chỉ khi Trung Quốc – nguồn cầu dồi dào cho các nước châu Á bùng nổ vào cuối năm nay, thì kinh tế khu vực này mới có tiến triển. Chỉ số nhà quản trị mua hàng (PMI) được HSBC công bố cho thấy hoạt động sản xuất ở Trung Quốc đã co lại lần thứ hai liên tiếp. Sản xuất của Đài Loan (Trung Quốc) đã xuống mức thấp nhất 10 tháng với 45,6. Chỉ số này của Indonesia cũng giảm từ 51,6 xuống 50,5. PMI dưới 50 là biểu hiện của kinh tế suy thoái.
Triển vọng sáng sủa hơn
Nhìn chung nền kinh tế châu Á là tương đối sáng sủa. Tăng trưởng yếu làm dịu đi áp lực lạm phát, với dự báo khoảng 3,9 - 4,0% trong năm 2012 và 2013. Lạm phát nhìn chung được kiểm soát nhưng giá hàng hóa tăng cao gần đây là một mối quan ngại. Theo ADB, châu Á cần tìm thêm nguồn lực phát triển mới như đẩy nhanh công cuộc tái cân bằng, cải thiện năng suất và nâng cao hiệu quả.
Trung Quốc, nguồn cầu dồi dào đối với các nước châu Á, được dự đoán sẽ tăng trưởng mạnh hơn trong quý III năm nay. Tuy nhiên, việc này đã không thành hiện thực. Theo ông Vishnu Varathan - nhà kinh tế trưởng tại Ngân hàng Mizuho (Nhật Bản), ít nhất là đến quý IV năm nay, Trung Quốc mới có thể hồi phục. Vì vậy, các nước châu Á sẽ có tiến triển vào năm 2013. Ông giải thích: “Châu Á vẫn chưa thể thoát được tầm ảnh hưởng của Trung Quốc”.
Sau khi Trung Quốc công bố kế hoạch đầu tư vào cơ sở hạ tầng trị giá hơn 150 tỷ USD. Các chuyên gia nhận định nước này sẽ không tung ra gói kích thích nào nữa cho đến khi cuộc bầu cử kết thúc. Neumann cho rằng các nhà hoạch định chính sách tại đây cần có nhiều biện pháp thúc đẩy kinh tế hơn nữa để thoát khỏi tình trạng suy thoái. Ông nói: “Một khi Trung Quốc bùng nổ trong năm tới, cả khu vực cũng sẽ tăng trưởng theo. Vì vậy, cho đến lúc đó, chúng ta phải kiên nhẫn”.
Tuy nhiên, các nhà phân tích cho biết, đã xuất hiện một số dấu hiệu hồi phục, trong đó chỉ số công bố gần đây của Trung Quốc cho thấy hoạt động sản xuất của nền kinh tế này đã tăng tháng thứ 2 liên tiếp kể từ tháng 11 vừa qua.
Trái với tình hình chung tại khu vực, sản xuất của Ấn Độ, nền kinh tế lớn thứ ba châu Á, lại có dấu hiệu bình ổn. PMI của nước này đứng yên ở mức 52,8 trong tháng 9, sản lượng công nghiệp tăng và số đơn hàng mới cũng nhiều hơn.
Ông Leif Eskesen - nhà kinh tế trưởng tại Ấn Độ và ASEAN tại HSBC cho biết: “Sản xuất của Ấn Độ đang dần ổn định. Các chính sách cải tổ gần đây của nước này đã làm khả năng phục hồi vào cuối năm 2012 hoặc đầu năm 2013 trở nên rõ ràng hơn”.
Vẫn là đầu tàu kinh tế
Do xuất khẩu suy giảm môi trường toàn cầu không thuận lợi khiến dự báo về tăng trưởng năm nay và năm 2013 của một số nước như: Indonesia, Singapore, Thái Lan và Việt Nam cũng đã giảm xuống. Theo ADB, trong năm 2013, tốc độ tăng trưởng của cả khu vực Đông Nam Á vẫn tăng nhẹ lên 5,5%.
Theo IMF, nhóm các nước mới nổi, từng là động lực kéo đà phục hồi kinh tế toàn cầu trong khủng hoảng, thì nay cũng tăng trưởng tuy có chậm hơn trước. Tiêu biểu là Trung Quốc và Ấn Độ giờ đây cũng bị ảnh hưởng bởi sự suy giảm thương mại thế giới.
Các tổ chức kinh tế - tài chính khuyến cáo các nền kinh tế hướng về xuất khẩu ở châu Á nên giảm bớt sự phụ thuộc vào nhu cầu của thị trường bên ngoài thay vì tăng cường tiêu dùng trong nước.
Theo chuyên gia của ADB, môi trường kinh tế bên ngoài ảm đạm tiếp tục ảnh hưởng tiêu cực đến triển vọng phát triển trong khu vực châu Á. Biểu hiện suy thoái tại hai nền kinh tế khổng lồ của khu vực là Trung Quốc và Ấn Độ do suy giảm tại khu vực xuất khẩu, đầu tư, và tiêu dùng, cho thấy cầu yếu từ bên ngoài là một phần của vấn đề cần sớm được điều chỉnh.
Tuy nhiên, nhìn tổng thể thì kinh tế châu Á vẫn là khu vực kinh tế năng động và là đầu tàu lôi kéo kinh tế thế giới phục hồi và phát triển trong cả trước mắt và lâu dài.
Nguồn VOV