Châu Á không thể kéo kinh tế toàn cầu khỏi khủng hoảng?
Châu Á, dẫn đầu là Trung Quốc, trở thành động lực chính của tăng trưởng toàn thế giới trong những năm gần đây, nhưng hiện giờ những thế lực mạnh mẽ của khu vực cũng đang vật lộn với chính mình khi tỷ lệ tăng trưởng kém và nhiều chính phủ không sẵn sàng hay không thể thúc đẩy nền kinh tế của mình.
Phát biểu với CNBC, giám đốc nghiên cứu kinh tế châu Á của Credit Suisse, Robert Prior - Wandesforde nói: " Tôi cho rằng có thể thấy rõ những điều kiện chính sách hiện nay không thích hợp để tạo ra sự hồi phục mạnh mẽ vững chắc ở bất cứ đâu trong khu vực".
"Trung Quốc, Ấn Độ, Hàn Quốc, và Đài Loan - tất cả các nền kinh tế này có thể tiếp tục nới lỏng," ông nói thêm.
Trong khi, một vài ngân hàng trung ương trong khu vực bắt đầu hạ lãi suất nhằm hỗ trợ nền kinh tế, gần đây nhất là Ngân hàng Trung ương Hàn Quốc hạ 25 điểm cơ bản lãi suất hôm thứ 5, các chính phủ vẫn thể hiện rõ quyết tâm nới lỏng mạnh mẽ trên cả 2 mặt trận tiền tệ và tài khóa.
Điều này gây ngạc nhiên cho một số chuyên gia kinh tế, những người tin rằng châu Á hiện không có đủ điều kiện để cứu kinh tế toàn cầu.
"Chúng ta đã trải qua một vài quý không có nhiều thay đổi về chính sách; không chỉ tại Trung Quốc mà còn ở những nơi khác tại châu Á", kinh tế trưởng khu vực châu Á Thái Bình Dương của ngân hàng ANZ Paul Gruenwald nói.
Các nhà hoạch định chính sách tại Trung Quốc - nền kinh tế lớn thứ hai thế giới, dự kiến năm nay tăng trưởng thấp nhất trong thập kỷ, hạ lãi suất cơ bản lần gần đây nhất trong tháng 7 và hạ tỷ lệ dự trữ bắt buộc cho các ngân hàng trong tháng 5.
Theo Gruenwald, các chuyên gia về kinh tế Trung Quốc đã kêu gọi hạ tỷ lệ dự trữ bắt buộc cho các ngân hàng vài tháng gần đây và điều đó vẫn chưa xảy ra. "Chúng tôi khá ngạc nhiên khi không có phản ứng chính sách nào", ông Gruenwald nói.
Trung Quốc đã công bố một vài biện pháp kích thích như 150 tỷ USD đầu tư vào cơ sở hạ tầng, nhưng tránh lập lại gói kích thích lớn như năm 2009 do lo ngại thổi bùng lạm phát và cơn sốt trên thị trường bất động sản.
Động lực tăng trưởng của thế giới chuệch choạc
Sự hồi phục chậm hơn dự báo của châu Á là nguyên nhân khiến nhiều tổ chức lớn bao gồm Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) và Ngân hàng thế giới - World Bank hạ triển vọng của khu vực trong tuần qua.
World Bank hạ dự báo tăng trưởng kinh tế tại khu vực Đông Á đang phát triển xuống 7,2% từ mức 7,6% trong dự báo trước. Trong khi IMF hạ dự báo tăng trưởng Trung Quốc và Ấn Độ xuống lần lượt 7,8% và 4,9%, từ mức 8% và 6,1% đưa ra trước đó.
Ngoài ra, Ngân hàng Trung ương Hàn Quốc hôm thứ 5 cũng hạ dự báo tăng trưởng năm 2012 từ 3% xuống 2,4% và cho năm 2013 từ 3,8% xuống 3,2%.
Chuyên gia kinh tế tế châu Á Thái Bình Dương tại HSBC Ronald Man cho rằng điểm mấu chốt trong việc hạ dự báo tăng trưởng của Ngân hàng Trung ương Hàn Quốc là cho thấy cả khu vực đang tăng trưởng rất chậm.
Các chuyên gia phân tích cho rằng để châu Á hồi phục trở lại thì cần thúc đẩy nhu cầu từ bên ngoài Trung Quốc.
"Thế giới đang phát triển mới nổi đang phụ thuộc vào việc cung cấp sản phẩm cho Trung Quốc...nếu Trung Quốc không chi tiêu thì sẽ gây thiệt hại tới phần còn lại của châu Á," Tim Condon người đứng đầu bộ phận nghiên cứu châu Á của ING Financial Markets nhận định.
Nguồn Khampha/CNBC