Châu Á không còn là "công xưởng" của thế giới
Video cực nổi tiếng "Gangnam Style" (đạt khoảng 350 triệu lượt xem trực tuyến cho tới nay) của PSY đã chứng minh rằng các cường quốc kinh tế của châu Á có thể dẫn đầu thế giới trong việc xuất khẩu các hàng hóa vô hình cũng những thứ hữu hình. Đối mặt với suy thoái kinh tế đáng báo động, nhiều nước châu Á cần phải học bài học: các ngành công nghiệp dịch vụ là tương lai.
Đây là tóm tắt nguyên của báo cáo "Triển vọng" mới nhất cho khu vực được Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) phát hành tuần trước. Đối với gần như toàn bộ khu vực, triển vọng mờ mịt hơn dự báo mà ADB đưa ra trong tháng 4 - dù vẫn sáng sủa hơn nếu so với các nước phương Tây. Tại châu Á nói chung, không bao gồm Nhật Bản, tăng trưởng kinh tế năm nay được dự báo giảm xuống 6,1%, từ 7,2% năm 2011.
Phần lớn điều này có thể đổ lỗi cho tình trạng kinh tế yếu kém tại các nước giàu. Kể từ tháng 4, những lo ngại việc khu vực đồng tiền chung châu Âu (eurozone) đang đứng trước bờ vực đại khủng hoảng đã giảm phần nào. Tuy nhiên, chúng không hề biến mất hoàn toàn, và lạc quan về triển vọng cho thị trường lớn nhất của hầu hết các nhà xuất khẩu châu Á vẫn còn xa. Thêm vào đó là sự phục hồi kém, ngay trong tình trạng tốt nhất, tại Mỹ, và lo ngại rằng nền kinh tế của nước này có thể đứng trước vách đá tài chính vào tháng 12. Triển vọng cho nhu cầu bên ngoài cũng ảm đạm. Tại Trung Quốc, xuất khẩu sang châu Âu giảm khoảng 5% trong 8 tháng đầu năm nay, so với một năm trước đó.
Thật vậy, chính Trung Quốc góp phần lớn suy thoái của khu vực, với dự báo tăng trưởng GDP năm 2012 của ADB giảm từ 8,5% trong tháng 4 xuống còn 7,7%. Tăng trưởng so với cùng kỳ năm trước trong quý III được dự báo không cao hơn 7%, quý thứ 7 liên tiếp suy thoái. Đầu tư vào cơ sở hạ tầng và cả sản xuất Trung Quốc tăng trưởng bớt điên cuồng. Bất ổn kinh tế đóng vai trò kéo giảm tiêu thụ. Tuy nhiên, theo quan điểm của ADB, "các yếu tố bên ngoài" chiếm khoảng 2/3 suy thoái của Trung Quốc.
Tuy nhiên, "các yếu tố bên trong chiếm ưu thế hơn" tại Ấn Độ, nơi không theo mô hình tăng trưởng xuất khẩu dẫn đầu và sản xuất tập trung nhân công của Đông Á. Tại đây, ADB thậm chí hạ dự báo tăng trưởng 2012 nhiều hơn, từ 7% xuống 5,6%. Mùa mưa cuối năm, những áp lực lạm phát tiếp tục và chính phủ chỉ bắt đầu cố gắng thoát khỏi tình trạng tê liệt chính sách làm nản lòng nhà đầu tư và niềm tin của người tiêu dùng.
Tăng trưởng chậm hơn tại Trung Quốc và Ấn Độ gây hiệu ứng dây chuyền cho phần còn lại của châu Á, trong đó Trung Quốc nói riêng là một thị trường quan trọng hơn cả. Tuy nhiên, Đông Nam Á đang chứng minh sự phục hồi nhanh hơn, ngay cả là thành viên mới nổi, đang cải cách của khu vực là Myanmar, nơi có nền kinh tế còn quá nhỏ để mang tới nhiều ảnh hưởng.
Tại Indonesia, tăng trưởng chủ yếu thúc đẩy nhờ nhu cầu trong nước và vẫn đang hướng tới mục tiêu khoảng 6% trong năm nay. Philippines, điểm đến ưa thích mới của một số nhà đầu tư nước ngoài, có thể cũng đạt mức gần sát như vậy. Trong khi đó, Thái Lan hồi phục nhanh chóng từ sau thảm họa lũ lụt năm 2011.
Các nước đang phát triển châu Á tuy nhiên phải đối mặt với thách thức cơ bản hơn là thoát khỏi một chu kỳ suy thoái khác ở phương Tây. ADB đã cảnh báo trước sự nguy hiểm của tăng trưởng dựa vào tài nguyên thiên nhiên và lao động giá rẻ. Khi lương tăng, các nhà sản xuất thấy mình không thể cạnh tranh với các nhà sản xuất chi phí thấp hơn ở những nơi khác, hay trong các sản phẩm có giá trị gia tăng cao hơn, với các nền kinh tế tiên tiến hơn. Họ rơi vào một cái bẫy thu nhập trung bình.
Hiện giờ, ADB đang tranh luận rằng, với nhu cầu từ các nền kinh tế phát triển với các nhà sản xuất của nó không thể sớm tăng lên mạnh mẽ, châu Á cần chuyển sang mô hình dựa nhiều hơn vào tăng trưởng nhu cầu nội địa và các ngành công nghiệp dịch vụ. Khi con cái của những nông dân khắp châu Á bỏ đất đai để làm việc tại các nhà máy, phần sản lượng đóng góp từ nông nghiệp đã giảm. Phần đóng góp từ công nghiệp cho tới nay tăng cao hơn tại các nước kinh tế phát triển OECD.
Tuy nhiên, trước khi việc phát triển công nghiệp của châu Á đi vào quỹ đạo của mình, khu vực cần lặp lại thành công trong lĩnh vực dịch vụ, hiện chỉ chiếm 48,5% GDP, so với 75% tại các nền kinh tế phát triển.
Châu Á có một số câu chuyện thành công đặc biệt trong các ngành dịch vụ cao cấp: không chỉ "làn sóng Hàn Quốc" quét qua văn hóa đại chúng thế giới, hay những bộ phim Bollywood Ấn Độ được xem từ Kandahar tới Kansas, mà còn cả một số sân bay, hãng hàng không và khách sạn tốt nhất thế giới. Sau đó có nền công nghiệp dịch vụ công nghệ thông tin và gia công phần mềm đánh bại thế giới của Ấn Độ. Năm ngoái, lĩnh vực này mang lại 76,4 tỷ USD doanh thu và sử dụng 2,5 triệu lao động.
Đó chỉ là muối bỏ bể dù lực lượng lao động nửa tỷ người của Ấn Độ thậm chí làm việc gấp 4 lần khối lượng công việc mà một nhân viên IT được yêu cầu. Hầu hết những người được tính là làm việc trong lĩnh vực dịch vụ tại khắp châu Á đều sống dựa vào những công việc lạc hậu và năng suất kém như bán hàng tạp hóa, kéo xe, chuyên viên xoa bóp chân, bảo vệ, thợ cắt tóc, công nhân vệ sinh, nhân viên khách sạn, nhặt rác và tương tự như vậy. Điều cần làm là thúc đẩy phát triển các ngành dịch vụ hiện đại giá trị cao, như công nghệ thông tin và tài chính, ADB nhận định. Điều này sẽ tạo ra việc làm (đặc biệt cho phụ nữ), đáp ứng nhu cầu tăng trưởng của dân cư đô thị đối với các ngành dịch vụ phức tạp hơn và mở cửa thị trường xuất khẩu mới.
Con đường nhiều trở ngại
Những trở ngại là rất lớn, bao gồm những thiếu sót trong hệ thống giáo dục, viễn thông và các cơ sở hạ tầng khác, theo lời ADB, "trên tất cả là gánh nặng về các quy định bảo vệ các công ty đang hoạt động." Đặc quyền mạnh mẽ như của một vài doanh nghiệp quốc doanh Trung Quốc đang đứng cản giữa đường.
Khu vực dịch vụ mạnh mẽ không bảo đảm việc thoát khỏi bẫy thu nhập trung bình, hay giảm tầm quan trọng của ngành công nghiệp. Hai nước có ngành dịch vụ vượt xa sản xuất là Ấn Độ và Philippines vẫn còn con đường dài phía trước để trở thành một nước giàu. Nhưng nếu không phát triển dịch vụ hơn nữa, châu Á sẽ gặp khó khăn trong việc tạo ra việc làm phù hợp cho người dân khi khu vực này quen với cái mà ADB gọi là "kỷ nguyên tăng trưởng phù hợp."
Nguồn Khampha/Economist