Châu Á đối mặt với nguy cơ giảm phát và nợ công tăng
Những năm gần đây, "núi" nợ của châu Á ngày càng tăng nhanh, khiến các ngân hàng trung ương không thể tùy tiện nới lỏng chính sách tiền tệ để đối phó với rủi ro giảm phát. Đây là rào cản lớn đối với dòng vốn tư nhân đang đổ vào châu Á, theo Morgan Stanley.
Tính đến năm 2013, hệ số nợ/GDP của khu vực châu Á Thái Bình Dương, trừ Nhật Bản, đã tăng lên 203% từ 147% trong năm 2007 với phần lớn nợ đều xuất phát từ khối doanh nghiệp, theo báo cáo của nhóm chuyên gia phân tích tại Morgan Stanley. Trong đó, 7/10 quốc gia, gồm cả Trung Quốc và Hàn Quốc, đang có hệ số nợ/GDP xấp xỉ hoặc đã vượt quá mức 200%.
Trong khi đó, lo ngại về nguy cơ giảm phát đang lan rộng trên các thị trường toàn cầu, từ châu Âu đến châu Á, do giá dầu liên tục lao dốc kể từ giữa năm 2014. Cụ thể, giá tiêu dùng tại Singapore bất ngờ giảm so với cùng kỳ năm ngoái trong tháng 11, ghi nhận đợt giảm đầu tiên từ năm 2009. Cùng chung cảnh ngộ, giá tiêu dùng tháng 12 tại Thái Lan cũng tăng chậm nhất trong hơn 5 năm qua.
Nợ tăng cao, áp lực lạm phát giảm đang ảnh hưởng rất lớn đến chi tiêu tiêu dùng của khối doanh nghiệp và người dân, thậm chí còn đe dọa đến sự phục hồi của kinh tế toàn cầu, theo nhận định của các chuyên gia của Morgan Stanley.
Hiện nay, các nhà hoạch định chính sách châu Á vẫn đang nỗ lực cân bằng giữa nhu cầu kích thích kinh tế và kìm hãm nợ, "bong bóng" tài sản.
Tháng 11/2014, chính phủ Trung Quốc đã quyết định hạ lãi suất cho vay (kỳ hạn 1 năm) nhưng vẫn duy trì quan điểm hạn chế áp dụng các biện pháp nới lỏng quy mô lớn để tránh rủi ro vỡ nợ. Trong khi đó, các ngân hàng trung ương tại Ấn Độ, Hàn Quốc, Indonesia, Thái Lan và Philippines lại đồng loạt giữ nguyên lãi suất trong tháng 12.
Dù đã tìm ra phương án kích thích phù hợp (bằng cách cắt giảm lãi suất) nhưng chính phủ các nước cần hạ lãi suất xuống mức vừa đủ và vào đúng thời điểm để tránh rủi ro giảm phát. Theo các chuyên gia phân tích, cải cách cơ cấu là yếu tố cần thiết và quan trọng đối với tăng trưởng kinh tế nhưng việc xác định mức lãi suất phù hợp còn quan trọng hơn. Đơn giản vì, lãi suất phù hợp sẽ thúc đẩy chu kỳ tăng trưởng bền vững và hiệu quả.
Nguồn DVO/Bloomberg