Thứ Sáu | 27/07/2012 20:04

Châu Á đi đầu về thương mại toàn cầu

Trao đổi thương mại nội khối đang chiếm vai trò ngày càng quan trọng trong tăng trưởng thương mại của châu Á.
Tỷ lệ trao đổi thương mại (tổng xuất khẩu và nhập khẩu) trên GDP châu Á tăng trưởng nhanh hơn mọi khu vực trên thế giới gồm cả châu Âu, Bắc Mỹ. Tổng xuất khẩu và nhập khẩu châu Á năm 2011 chiếm 57,3% tổng GDP khu vực từ 40,4% GDP năm 2000.

Tỷ lệ trao đổi thương mại trên GDP các khu vực trên thế giới
Tỷ lệ trao đổi thương mại trên GDP các khu vực trên thế giới

Xuất khẩu chiếm 1 phần quan trọng đóng góp vào tăng trưởng thương mại châu Á. Tỷ trọng xuất khẩu của châu Á tăng từ 23,4% năm 1990 lên 34,3% năm 2011. Nếu xu hướng này tiếp tục, tới năm 2050 châu Á có thể chiếm hơn 50% giao dịch toàn cầu.

Giao thương nội khối đang chiếm vai trò ngày càng quan trọng với thương mại châu Á. Tỷ trọng xuất khẩu nội khối tăng 1,5% trong tháng 1/2012 so với 2007. Trong khi đó, tỷ trọng xuất khẩu sang Liên minh châu Âu (EU) và Mỹ tháng 1/2012 giảm 4,9% với năm 2007, xuống chỉ chiếm 25,3% tổng giao dịch thương mại châu Á.

Một phần nguyên nhân nhu cầu bên trong châu Á tăng là nhờ phản ứng mạnh mẽ của các chính phủ châu Á. 14 ngân hàng trung ương châu Á hạ lãi suất trong giai đoạn khủng hoảng tài chính toàn cầu 2008-2009. 11 ngân hàng Đông Á và Đông Nam Á kích thích kinh tế thông qua đầu tư cơ sở hạ tầng, giảm thuế, trợ cấp, đảm bảo tín dụng,... Các gói kích thích kinh tế có kích cỡ từ 1,1% GDP ở Đài Loan, Trung Quốc đến 22,1% GDP ở Việt Nam.

Đông Á và Đông Nam Á là các khu vực có giao thương nội khối phát triển mạnh mẽ nhất, khi tỷ lệ giao dịch nội khối của Đông Á lên cao nhất châu Á đạt 35,4%, và đứng thứ 2 là Đông Nam Á với 24,7% giao dịch thương mại là giao dịch nội khối.

Tỷ lệ giao dịch nội khối trên tổng giao dịch thương mại châu Á
Tỷ lệ giao dịch nội khối trên tổng giao dịch thương mại châu Á

Điều này phần nào sẽ giúp các nước châu Á tránh được tác động từ các cú sốc kinh tế do khủng hoảng và suy giảm tăng trưởng bên ngoài khu vực, đặc biệt khủng hoảng nợ châu Âu vốn đã kéo dài 3 năm qua và chưa có dấu hiệu suy yếu, mà thậm chí còn nghiêm trọng hơn.

Nguồn ADB/ Khampha


Sự kiện