Đông Nam Á là một khu vực sẽ già đi vào năm 2042. Ảnh: Nathalie Lees

 
Bảo Hân Thứ Sáu | 27/10/2023 11:00

Châu Á "đau đầu" vì tình trạng già hóa dân số đang báo động

Trước bối cảnh đó, các quốc gia trong quá trình chuyển đổi nhân khẩu học đang bắt đầu hành động.

Đối với tựa game nhập vai đánh nhau Ragnarok Online, những người ở độ tuổi 70 trở lên chưa bao giờ là tệp khách hàng ưu tiên, thế nhưng điều đó không thể cản bước bà Sunanta Phongcharoen, 72 tuổi người Thái Lan, đạt cấp bậc cao nhất trong game. Chia sẻ trên một trang mạng xã hội Manoottangwai dành cho người già, bà nói việc chơi game đã giảm bớt gánh nặng tuổi già. Bằng cách chia sẻ câu chuyện này, nhà sáng lập của nền tảng tuyên bố đang giúp Thái Lan đối mặt với khủng hoảng nhân khẩu học.

Vấn đề của Thái Lan có thể nhìn thấy dễ dàng hơn khi so sánh với các quốc gia nổi tiếng về dân số già. Từ năm 2002-2021, tỉ lệ dân số Thái Lan từ 65 tuổi trở lên đã tăng từ 7% lên 14%, ngưỡng xác định khi nào một xã hội bắt đầu “già đi” hoặc "đã già đi”. Quá trình chuyển đổi tương tự của Nhật mất 24 năm, Mỹ 72 năm và Pháp 115 năm. Không giống những quốc gia đó, Thái Lan đã già đi trước khi trở nên giàu có. GDP bình quân đầu người của nước này vào năm 2021 là 7.000 USD. Khi dân số Nhật cũng ở độ tuổi tương tự vào năm 1994, mức thu nhập cố định tính theo đồng USD của nước này cao hơn gần gấp 5 lần.

Vấn đề toàn khu vực

 

Những rắc rối mà Thái Lan đối mặt nhấn mạnh một xu hướng trên toàn khu vực, vốn có ý nghĩa kinh tế và xã hội vô cùng to lớn. Chẳng hạn như tại Việt Nam, GDP tại đây thua Thái Lan tầm 1,32 lần (theo dữ liệu IMF), ước tính sẽ chỉ mất khoảng 17 năm để dân số chuyển từ “đang già” sang “đã già”. Ngay cả ở những quốc gia nơi quá trình già hóa dân số diễn ra lâu hơn, chẳng hạn như Indonesia (26 năm) và Philippines (37 năm), mức độ gia tăng của thu nhập vẫn không bắt kịp độ già hóa dân số.

Đông Nam Á là khu vực sẽ già đi vào năm 2042. Nam Á sẽ tồn tại trong gần một thập kỷ nữa nhưng có sự chênh lệch lớn giữa các khu vực. Sri Lanka, nơi thu nhập trung bình thấp hơn Thái Lan khoảng 1/3, ngay cả trước cuộc khủng hoảng kinh tế hiện nay, được dự đoán sẽ trở thành một xã hội già hóa vào năm 2028. Một số vùng của Ấn Độ, quốc gia đông dân nhất thế giới, đã già rồi. 

Tốc độ chuyển đổi nhân khẩu học tại châu Á là sản phẩm của sự phát triển. Công nghiệp hóa và thay đổi các chuẩn mực xã hội đã làm giảm tỉ lệ sinh ngay cả khi công nghệ và chăm sóc sức khỏe tốt hơn giúp kéo dài tuổi thọ của con người. Tuy nhiên, so với những con hổ Đông Á, vốn đã trải qua sự thay đổi này trong thế kỷ XX, phần lớn các nước châu Á mới nổi đang có tốc độ tăng trưởng chậm hơn. Các nước già đi trước khi giàu có là mối đe dọa đối với sự trỗi dậy của châu Á.

Sức ảnh hưởng sâu rộng

 

Lực cản lớn nhất là trên thị trường lao động. Khi các quốc gia già đi, lực lượng lao động bị thu hẹp. Ở Thái Lan, dân số trong độ tuổi lao động dự kiến ​​giảm 1/5 vào năm 2055. Và tình trạng già hóa dân số tạo ra những vấn đề đặc biệt cho các nước đang phát triển vì họ có những lĩnh vực lớn, chẳng hạn như nông nghiệp, đặc biệt dễ bị tổn thương trước tình trạng này.

Ngoài ra, còn có những chi phí xã hội. Tại những quốc gia kém phát triển hơn, khoản tiết kiệm nghỉ hưu dường như là khái niệm khá xa vời. Bảo hiểm lương hưu nhà nước, mặc dù được cải thiện, vẫn còn chắp vá. Theo Tổ chức Lao động Quốc tế, ở Nam và Đông Nam Á, chưa đến 40% dân số cao tuổi được hưởng lương hưu. Ở Campuchia và Pakistan, tỉ lệ này chưa tới 10%. Và lương hưu được cung cấp rất ít ỏi. Lương hưu quốc gia dành cho người nghèo của Ấn Độ chỉ tầm 200 Rs (2,4 USD) mỗi tháng.

Chăm sóc sức khỏe là một mối lo ngại khác. Hệ thống chăm sóc sức khỏe của các nước đang phát triển đã quá tải. Các viện chăm sóc người cao tuổi có xu hướng thô sơ, còn những dịch vụ dành cho các bệnh không lây nhiễm, như tăng huyết áp và tiểu đường, chưa thật sự hỗ trợ trọn vẹn cho người cao tuổi.

Trước bối cảnh đó, các quốc gia trong quá trình chuyển đổi nhân khẩu học đang bắt đầu hành động. Trước cuộc bầu cử ở Thái Lan hồi đầu năm nay, mọi đảng lớn đều đưa ra một số lời hứa với người cao tuổi. Việt Nam đã thông qua luật về các vấn đề liên quan đến người cao tuổi vào năm 2009. Tuy nhiên, chưa có quốc gia nào bị ảnh hưởng nắm bắt được quy mô của vấn đề và sự cần thiết phải thực hiện các bước đi táo bạo hơn nhiều.

Có thể bạn quan tâm: 

Kinh tế Hàn Quốc sẽ gắn chặt với lao động nhập cư

Nguồn The Economist