Châu Á đang "cứu" các thương hiệu xa xỉ của châu Âu
Đồng peso tăng 19% và đồng nhân dân tệ tăng 17% so với đồng euro trong năm qua. Cụ thể, hôm qua (3/7), đồng peso tăng lên 52,50/euro, mức cao nhất từ tháng 11/2002. Trong khi đó, đô la Singapore tăng 12% lên 1,5877/euro trong tháng trước, chạm mức cao nhất trong 1 thập kỷ. Mức tăng trung bình của 11 đồng tiền châu Á được sử dụng nhiều nhất là 11%.
Chi tiêu của khách du lịch châu Á cũng hỗ trợ các khách sạn, cửa hàng, nhà hàng ở các nước eurozone trong bối cảnh khủng hoảng nợ làm giảm nhu cầu trong nước.
Trong quý I, khách du lịch châu Á đến Italia tăng 22% lên 345.000 người đồng thời chi tiêu của lượng khách này cũng tăng 24% lên 462 triệu euro so với năm ngoái, dữ liệu của Ngân hàng Italia cho thấy.
Không những thế, doanh số bán hàng của các hàng thời trang như Gucci, Louis Vuitton ở châu Âu cũng đang được thúc đẩy mạnh mẽ nhờ nhu cầu du lịch tăng. Theo Hội đồng Du lịch và Lữ hành thế giới trụ sở ở Luân Đôn, trong năm 2011, hoạt động du lịch và lữ hành đóng góp 7,9% vào tổng GDP của Liên minh châu Âu.
Khách du lịch, chủ yếu là từ châu Á, chiếm khoảng 35% và 60% doanh số bán hàng cao cấp ở châu Âu, Antoine Belge, nhà phân tích tại HSBC ở Paris cho biết. Theo chuyên gia du lịch Global Blue tại Nyon, Thụy Sĩ, tiêu dùng được miễn thuế khách du lịch Trung Quốc ở châu Âu tăng 69% trong quý I so với năm ngoái, trong khi đó du khách Malaysia tăng 54% và Thái Lan 52%.
Giám đốc tài chính hãng Gucci trụ sở ở Pháp, ông Jean-Marc Duplaix cho biết dòng chảy khách du lịch đóng góp đáng kể vào tăng trưởng và báo cáo doanh số của hãng này trong quý I tăng 15%.
Tuy nhiên, "với tăng trưởng kinh tế chậm lại và khủng hoảng nợ kéo dài, đồng euro sẽ tiếp tục suy yếu so với các đồng tiền châu Á khác", "tỷ giá hối đoái này tạo thuận lợi cho khách hàng châu Á và các doanh nghiệp du lịch ở châu Âu nhưng xu hướng này vẫn không đủ để đảo ngược suy thoái", ông Akira Takei, Giám đốc quản lý quỹ của Mizuho Asset tại Tokyo cho biết.
Quỹ tiền tệ quốc tế (IMF) dự báo tăng trưởng kinh tế ở các nước châu Á đang phát triển trong năm nay là 7,3% trong khi con số này ở khu vực đồng euro gồm 17 thành viên là 0,3%. Italia, Hy Lạp và Bồ Đào Nha đều trong tình trạng suy thoái, tăng trưởng kinh tế Tây Ban Nha trong quý I giảm 0,4 so với năm ngoái, Hà Lan giảm 0,8% và Pháp 0,3%, mức tăng trưởng thấp nhất kể từ năm 2009.
Nguồn Bloomberg/DVT