Thứ Hai | 24/09/2012 16:13

Châu Á đã đến lúc nên lo ngại về lạm phát

Tăng trưởng kinh tế cao cùng hàng loạt gói kích thích mới từ các ngân hàng thế giới một lần nữa sẽ khiến lạm phát châu Á bùng phát trở lại.
Trong những tháng gần đây, các nền kinh tế châu Á bắt đầu chậm lại rõ rệt. Lượng hàng tồn kho cao, những tác động từ động thái thắt chặt của Trung Quốc cùng triển vọng tăng trưởng mờ nhạt của phương Tây, tất cả đều khiến kinh tế châu Á trầm lắng hơn. Hệ quả là, lạm phát chậm lại.

Tuy nhiên, các nhà phân tích kinh tế cho rằng đó chỉ là một sự chậm lại mang tính chu kỳ, trong khi áp lực tăng giá đang lan tỏa trên toàn khu vực. Trong bối cảnh các ngân hàng trung ương thế giới liên tiếp tung ra các gói kích thích kinh tế và kinh tế châu Á hứa hẹn sẽ tăng trưởng mạnh mẽ hơn nữa trong các quý tới, lạm phát sẽ lại là một vấn đề khiến nhiều nước châu Á lo ngại.

s

Ở thời điểm hiện tại, bức tranh chung của nền kinh tế thế giới là khá ảm đạm. Kinh tế Trung Quốc vật lộn để hạ cánh mềm trong khi Mỹ mắc kẹt trong vách đá tài chính, còn châu Âu thì vẫn chưa thể tìm được cách giải quyết triệt để những khó khăn của mình. Trong khi đó, Nhật Bản, với dân số già đi nhanh chóng, cùng những gói kích thích kinh tế hiếm hoi đang ngày càng bộc lộ nhiều yếu kém trong cấu trúc kinh tế. Vậy, tại sao châu Á lại phải lo lắng về lạm phát?

Trước hết, trái ngược với sự đi xuống của kinh tế thế giới, các thị trường mới nổi - dẫn đầu là châu Á - đang tăng trưởng mạnh. Theo số liệu từ Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF), trong năm nay, châu Á sẽ lần đầu chiếm tới 50% tổng sản phẩm quốc nội (GDP) toàn cầu. Điều đó có nghĩa GDP của châu Á sẽ có tác động vô cùng quan trọng đối với lạm phát toàn cầu, và do đó sự chậm lại của các nền kinh tế phương Tây không đủ đề ghìm giá cả toàn cầu khỏi vòng xoáy lạm phát mới.

Một ví dụ đơn giản để chứng minh điều này đó là, trong năm 2000, một điểm phần trăm trong tăng trưởng kinh tế Mỹ khiến nhu cầu thế giới tăng 0,23%, trong khi đó 1 điểm phần trăm tăng trưởng của kinh tế Trung Quốc chỉ giúp nhu cầu thế giới tăng 0,07%. Tuy nhiên, vào thời điểm đó, GDP của Trung Quốc chỉ đóng một phần nhỏ trong GDP thế giới. Hiện tại, 1 điểm phần trăm trong GDP của Mỹ đóng góp khoảng 0,19% còn của Trung Quốc là 0,15%.

s
Giả sử kinh tế Mỹ tăng 2% trong năm nay và Trung Quốc là 7,5%, thì nền kinh tế lớn thứ hai thế giới sẽ khiến nhu cầu thế giới tăng tới 3%. Thậm chí ngay cả khi quy ra USD, số phần trăm tăng trong nhu cầu thế giới do tăng trưởng kinh tế Trung Quốc cũng cao gấp đôi so với Mỹ.

Lý do thứ hai, cấu trúc tăng trưởng của các nền kinh tế mới nổi đã thay đổi. So với trước kia, xuất khẩu không còn đóng vai trò quan trọng đối với tăng trưởng và bị thay thế bởi nhu cầu trong nước. Chẳng hạn, thặng dư tài khoản vãng lai của châu Á đã giảm mạnh trong thời gian qua, trong khi nhu cầu nội địa, dẫn đầu là dịch vụ và xây dựng, cũng soán ngôi xuất khẩu để trở thành động lực chính thúc đẩy tăng trưởng.

Lý do thứ 3, các nền kinh tế mới nổi đang nỗ lực chống lại những yếu tố gây cản trở tăng trưởng. Trong vài năm trở lại đây, các thị trường mới nổi bắt đầu thắt chặt hơn nữa thị trường lao động. Tại Trung Quốc, bất chấp tình trạng giảm phát, tỷ lệ việc làm vẫn được duy trì khá tốt, trái ngược với tình trạng sa thải hàng loạt do khủng hoảng tại Mỹ và châu Âu. Không chỉ ở Trung Quốc, các thị trường lao động khác của châu Á vẫn khá ổn định trong khi phải đối mặt với tình trạng tăng trưởng chững lại.

Cuối cùng, các ngân hàng trung ương toàn cầu bắt đầu có những động thái "mở van" kích thích kinh tế. Điển hình là Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed) với gói nới lỏng định lượng lần 3 (QE3), Ngân hàng trung ương châu Âu (ECB), Ngân hàng trung ương Anh và Ngân hàng trung ương Nhật Bản cũng lần lượt tung gói kích thích kinh tế mới. Kết quả là, nhu cầu tại các thị trường mới nổi sẽ theo đó tăng trưởng mạnh mẽ hơn và lạm phát sẽ đến như một hệ quả tất yếu.

Nguồn CNBC/Khampha


Sự kiện