Châu Á có khủng hoảng tài chính do phá giá nhân dân tệ?
Quay trở lại năm 1994, chuỗi những sự kiện rốt cuộc đã gây ra làn sóng phá giá tiền tệ, châm ngòi cho khủng hoảng tài chính châu Á, khiến hàng loạt ngân hàng và doanh nghiệp sụp đổ và suy thoái lan rộng khắp khu vực.
Liệu những diễn biến gần đây trên thị trường tài chính quốc tế có khiến kịch bản cũ lặp lại? Có rất nhiều điểm tương đồng nhưng cũng có không ít điểm khác biệt. Lần này, các nền kinh tế châu Á có cán cân vãng lai, vị thế tài khóa và dự trữ ngoại hối khỏe mạnh hơn, tạo ra vùng đệm dày hơn để chống lại khủng hoảng.
Trung Quốc quyết định phá giá nhân dân tệ trong bối cảnh nền kinh tế lớn thứ 2 thế giới và lớn nhất châu Á này tăng trưởng chậm lại và giá hàng hóa lao dốc, ảnh hưởng tiêu cực đến nhiều nước xuất khẩu từ Brazil đến Úc, Malaysia và Nam Phi. Giờ đây, các công ty Trung Quốc đang đe dọa giành thị phần của các nước xuất khẩu châu Á và thị trường mới nối khi Fed chuẩn bị nâng lãi suất lần đầu tiên kể từ khủng hoảng tài chính toàn cầu.
Stephen Jen, đồng sáng lập Quỹ đầu cơ SLJ Macro Partner, cho biết, giống tố sẽ xảy đến với các nước như Brazil và Nam Phi, tuy nhiên, khủng hoảng được dự đoán sẽ không xảy ra tại châu Á vì cuộc khủng hoảng tài chính năm 1997 đã “làm trong sạch” hệ thống tài chính châu Á và khả năng kháng cự của khu vực cũng tốt hơn rất nhiều.
Tăng trưởng thần kỳ
Trước năm 1994, châu Á là điểm đến ưa chuộng của giới đầu tư toàn cầu và được coi là phép màu tăng trưởng thời cuối thế kỷ 20. Nhưng niềm vui ngắn chẳng tày gang.
Việc Trung Quốc phá giá nội tệ 21 năm trước được coi là một trong những nguyên nhân gây ra khủng hoảng của thị trường mới nổi, trong khi việc Fed tăng lãi suất được coi là ngòi nổ chính.
Còn năm nay, ngay sau động thái bất ngờ của Trung Quốc, Việt Nam đã nâng tỷ giá và đồng nội tệ của Kazakhstan giảm hơn 20% so với USD sau khi ngân hàng trugn ương nước này thả nổi tỷ giá. Đồng rand Nam Phi và lira Thổ Nhĩ Kỳ cũng giảm sâu.
Trước đây, chủ đề khủng hoảng tài chính châu Á là neo đồng bản tệ vào USD, là dự trữ ngoại hối và dòng tiền nóng.
Bối cảnh ngày nay khác biệt ở hai đặc điểm đầu tiên, nhưng điểm thứ ba lại tương đồng đến kỳ lạ. Trung Quốc đang gặp rủi ro trước các khoản nợ ngân hàng bằng USD lên đến 1 nghìn tỷ USD khi các giao dịch carry trade (trong đó nhà đầu tư bán đồng tiền có lãi suất thấp và dùng vốn để mua đồng tiền có lãi suất cao hơn, kiếm lời từ chênh lệch lãi suất giữa 2 đồng tiền) bắt đầu bung ra sau khi Trung Quốc phá giá nhân dân tệ.
Đồng nội tệ yếu hơn đang gia tăng gánh nặng cho các công ty Trung Quốc vốn đã phải chịu nhiều áp lực. Giờ đây họ phải trả nhiều nhân dân tệ hơn cho những khoản nợ bằng USD.
Châu Á cũng đang đối mặt với rủi ro mới: các nền kinh tế trong khu vực phụ thuộc quá nhiều vào một Trung Quốc đang giảm tốc. Trong những năm 1990, kinh tế Mỹ hùng mạnh là khách hàng chính của các sản phẩm từ châu Á.
Theo đánh giá của Bank of America Merrill Lynch, đến cuối năm nay nhân dân tệ sẽ giảm xuống 6,5 nhân dân tệ đổi 1 USD và giảm tiếp xuống 6,9 nhân dân tệ đổi 1 USD vào cuối năm 2016. Như vậy nhân dân tệ sẽ giảm tới 10% so với USD. Ngân hàng này ước tính mức giảm 10% của nhân dân tệ sẽ khiến đồng tiền của các nước còn lại ở châu Á giảm từ 5 đến 20%.
Shweta Singh, nhà kinh tế học tại Lombard Street Research ở London, nhận định, ở châu Á, các nước như Việt Nam, Thái Lan, Hàn Quốc và Malaysia dễ bị tổn thương hơn, trong khi ở châu Âu, Hungary và Ba Lan phải gánh chịu nhiều rủi ro, nhất là Thổ Nhĩ Kỳ.
Sẽ không xảy ra khủng hoảng?
Tuy nhiên không phải ai cũng đồng tình rằng châu Á chắc chắn sẽ bước vào một cuộc khủng hoảng mới. Theo David Loevinger, cựu chiến lược gia về Trung Quốc tại Bộ Tài chính Mỹ, nhận định rằng việc phá giá nhân dân tệ sẽ châm ngòi cho cuộc khủng hoảng chỉ là “tin vịt” mà thôi.
Lý do chính là hiện tại các đồng tiền châu Á không còn neo với USD một cách cứng nhắc. Các nước bị thiệt hại nặng nề nhất trong cuộc khủng hoảng trước giờ đây đã linh hoạt hơn và có khả năng điều chỉnh theo hoàn cảnh.
Triển vọng về chính sách tiền tệ của Mỹ cũng đã rất khác. Trong khi Fed hành động khá mạnh tay hồi năm 1994, thì giờ đây triển vọng kinh tế toàn cầu ảm đạm hơn và USD mạnh khiến Mỹ phải thận trọng hơn.
Nhật Trường
Nguồn Bloomberg