Thứ Tư | 22/04/2015 16:57

Châu Á có khả năng đương đầu với dòng vốn đảo ngược

Với viễn cảnh lãi suất dự kiến sẽ tăng lên ở Mỹ, các nền kinh tế châu Á đã sẵn sàng đối phó với dòng vốn rút ra khỏi khu vực.

Tại Hội nghị của Diễn đàn Kinh tế Thế giới về Đông Á 2015 diễn ra ở Jakarta, Indonesia, các nhà lãnh đạo các doanh nghiệp và chính phủ đã kêu gọi nhiều hơn các cuộc cải cách ở Đông Nam Á nhằm tăng cường niềm tin vào thị trường tài chính của khu vực cũng như chuẩn bị trước viễn cảnh lãi suất được nâng lên ở Mỹ.

Trung Quốc, nền kinh tế lớn nhất Châu Á, là chìa khóa của tiến trình này với việc tiếp tục thực thi các chính sách cải tổ tài chính. “Trung Quốc đã chứng tỏ năng lực quản lý nền kinh tế trong nhiều thập kỉ qua”, Jose Isidro Camacho, giám đốc phụ trách khu vực Châu Á Thái Bình Dương của Ngân hàng Credit Suisse nhận định “ Không chỉ có thêm nhiều công cụ trong tay, họ cũng trở nên hiệu quả hơn trong việc sử dụng chúng”, ông này nói.

Các nền kinh tế khác ở Châu Á, đặc biệt là các quốc gia có thế hệ lãnh đạo mới như Indonesia và Ấn Độ, cũng đang triển khai các cải cách cần thiết để cải thiện niềm tin của nhà đầu tư. “Nước Nga đang nhìn vào các thị trường tăng trưởng của Châu Á với sự hứng thú rất lớn”, Arkady Dvorkovich, Phó thủ tướng Nga nhận định và cho rằng thương mại của Nga với Châu Á dự kiến sẽ tăng gấp đôi trong 5- 7 năm tới. Ông này nói thêm rằng Nga đang làm việc chặt chẽ với các quốc gia trong vùng là Việt Nam, Thái Lan và Lào.

Indonesia, với dân số 250 triệu người mà 60% trong số đó có độ tuổi dưới 40, là địa điểm nhận được nhiều sự quan tâm đầu tư. Ông Sofyan A.Djalil, Bộ trưởng kinh tế của Indonesia, tuyên bố: “Có rất nhiều tiềm năng tại thị trường này”. Ông Djalil cho biết hiện có hơn 30 nhà máy luyện kim đang được xây dựng, khu vực dịch vụ đang tăng trưởng nhanh và khu vực sản xuất một lần nữa tăng trưởng. Ông Djalil cho rằng thách thức lớn nhất mà Indonesia đối mặt là tình trạng yếu kém của cơ sở hạ tầng.

Về thị trường tài chính, bà Mari Kiviniemi, Phó tổng thư kí của Tổ chức hợp tác và phát triển kinh tế (OECD), cho rằng các luật lệ được hài hòa sẽ giúp môi trường kinh doanh ở ASEAN thân thiện hơn. “Phát triển thị trường vốn là một trong những vấn đề cần đặt ưu tiên hàng đầu”, bà nói.

Với viễn cảnh lãi suất dự kiến sẽ tăng lên ở Mỹ trong năm nay, các nền kinh tế châu Á đã sẵn sàng để đối phó với dòng vốn rút ra khỏi khu vực. “Có thể nói rằng, các nền kinh tế Châu Á đã chuẩn bị dài hơi cho tình huống này, các thị trường tài chính nội địa đã trưởng thành tới mức độ chúng đang bắt đầu tài trợ vốn cho các nhu cầu của nền kinh tế”, Camacho nói.

Về phần mình, ông John Ridady, giám đốc của Tập đoàn Lippo (Indonesia), đồng ý với ý kiến trên và nói rằng các nền kinh tế Châu Á đã thay đổi đáng kể từ 1996, và vị thế của họ hiện đã tốt hơn để có thể chống chịu với khả năng nâng lãi suất của Hoa Kì. “ Chúng tôi có dự trữ ngoại hối lớn hơn 4,5 lần so với quy mô  có được vào 1996”, ông này nói.

Sơn Nguyễn

Nguồn Nhịp cầu Đầu tư