Thứ Hai | 23/12/2013 15:20

Charlene Chu - Ngôi sao nhạc rock của hệ thống tài chính Trung Quốc

Bà Chu – hãng xếp hạng tín nhiệm Fitch Ratings – đã nổi lên như một trong những chuyên gia hàng đầu về hệ thống tài chính Trung Quốc
Khi các quan chức cấp cao của Cục dự trữ liên bang Mỹ (Fed) muốn tìm hiểu thêm về hệ thống tài chính của Trung Quốc, họ sẽ gặp Charlene Chu. Goldman Sachs (vốn không thiếu các chuyên gia về Trung Quốc) phỏng vấn tham khảo ý kiến của bà và gửi câu trả lời cho khách hàng. Một trong những công ty đầu tư có tầm ảnh hưởng lớn nhất thế giới gọi bà là “ngôi sao nhạc rock”.

Từ căn phòng làm việc nhỏ nhắn ở Bắc Kinh, Chu – người đang làm việc cho hãng xếp hạng tín nhiệm Fitch Ratings – đã nổi lên như một trong những chuyên gia hàng đầu về hệ thống tài chính vốn đang ngày càng chứa nhiều rủi ro của Trung Quốc.

“Trung Quốc là một câu chuyện điển hình về việc tín dụng phát triển quá nóng”, bà Chu nói. Theo tính toán của Fitch (cao hơn của chính phủ), nợ của khu vực tư nhân đã tăng từ 129% GDP năm 2008 lên tới 214% tính đến cuối tháng 6.

Khi hệ thống ngân hàng Trung Quốc lâm vào tình trạng căng thẳng tiền mặt hồi tháng 6, nhiều người cho biết Chu đã dự báo về kịch bản này cách đây hơn 2 năm.

“Câu chuyện sẽ có chiều sâu hơn nếu bạn đọc hết tất cả các báo cáo của Chu, và đó là một điều kinh khủng”, Edward Chancellor – chuyên gia đến từ công ty đầu tư GMO LLC – nói. Khi các ngân hàng Trung Quốc “chìm nghỉm”, Chu nổi lên vì những nhận định chính xác, giống như một ngôi sao nhạc rock.

Charlene Chu chính là người đã khơi lên vấn đề ngân hàng ngầm trong hệ thống ngân hàng Trung Quốc, đưa ra ánh sáng những bản báo cáo chưa từng được công bố về nợ. Năm 2011, bà cũng là người hối thúc NHTW Trung Quốc tính cả phần cho vay thông qua các ngân hàng trong bóng tối khi tính toán nợ xấu.

Tháng 12 này, Goldman Sachs gửi tới các khách hàng bản báo cáo có tiêu đề "China Credit Concerns" (tạm dịch: Những lo lắng về tín dụng của Trung Quốc). Bản báo cáo có mục Q&A với bà Chu và mục này được đặt lên đầu tiên trong số 7 bài phỏng vấn với các chuyên gia về Trung Quốc ở Goldman.

Khi Phó Chủ tịch Fed Janet Yellen và Chủ tịch Fed chi nhánh New York William Dudley tới thăm Trung Quốc năm ngoái, họ đã có cuộc gặp với những chuyên gia tài chính hàng đầu Trung Quốc. Hai người có bữa sáng với bà Chu – người đã từng làm việc ở Fed chi nhánh New York Fed trước khi chuyển đến Fitch. Ông Dudley cũng đã gặp bà Chu năm 2010.

Năm nay 42 tuổi, bà Chu sinh ra ở Denver, có mẹ là người Mỹ và cha là một người Trung Quốc di cư. Cha bà là con trai của một thương nhân buôn bán chè ở tỉnh Hồ Nam. Khi Mao Trạch Đông lên nắm chính quyền năm 1949, cha của bà bay tới Hồng Kông và nhập cư vào Mỹ khi ông 59 tuổi. Ông làm công việc rửa bát trong một bệnh viện và gặp mẹ của bà – người làm công việc bán thời gian tại cửa hàng tạp hóa và bán hàng qua điện thoại.

Sau khi thôi việc ở McKinsey & Co., Charlene Chu lần đầu tiên đến Trung Quốc năm 1997 và rất ngạc nhiên trước những gì đang diễn ra ở Trung Quốc. “Mọi thứ hoàn toàn khác biệt so với những gì cha tôi đã kể với tôi”, bà nói.

Charlene Chu có bằng thạc sĩ quan hệ quốc tế và kinh doanh tại ĐH Yale. Một trong những thầy giáo của bà là Nicholas Lardy – nhà kinh tế học có tầm ảnh hưởng lớn luôn chỉ trích quan hệ kinh tế giữa Mỹ và Trung Quốc.

Năm 2000, Fed chi nhánh New York tuyển dụng bà với mục đích theo dõi hệ thống tài chính Trung Quốc. Đây là thời điểm hoàn hảo. Các ngân hàng Trung Quốc – vốn đã bị tổn thương sau cuộc khủng hoảng trong những năm 1990, được Bắc Kinh giải cứu năm 2004 và sau đó rầm rộ phát hành cổ phiếu ra công chúng.

Háo mức muốn tìm hiểu sâu hơn về các ngân hàng Trung Quốc và về quê hương của cha, bà tới Trung Quốc năm 2005 mà không có việc làm. Năm sau đó, Fitch – hãng xếp hạng tín nhiệm lớn thứ ba thế giới – tuyển dụng bà với vị trí giám sát khu vực ngân hàng.

2 năm sau, Chu bắt đầu tìm hiểu về hệ thống ngân hàng trong bóng tối của Trung Quốc khi giám đốc của một ngân hàng cỡ trung tiết lộ đang giảm nợ bằng cách đóng gói chúng và bán cho khách hàng thông qua những sản phẩm quản lý tài sản. Bà gọi quá trình này là “con đường hoàn hảo để có thêm tín dụng vượt mức so với hạn ngạch mà chính phủ cấp cũng như che giấu những khoản nợ nhiều nghi vấn”.

Đến tháng 7/2010, tín dụng đen bắt đầu nở rộ. “Tăng trưởng tín dụng và rủi ro tín dụng đang bị đánh giá quá thấp”, bà viết trong một báo cáo trong đó phát hiện Trung Quốc đã đánh giá tăng trưởng tín dụng thấp hơn 28% (tương đương 212 tỷ USD) so với thực tế trong 6 tháng đầu năm 2010.

Bên cạnh việc đào sâu vào hệ thống ngân hàng Trung Quốc, bà cũng chuẩn bị ra mắt cuốn sách nói về lịch sử của gia đình ở Trung Quốc.

Thu Hương

Theo Trí Thức Trẻ/Wall Street Journal

Nguồn CafeF


Sự kiện