Chấp nhận “nhượng bộ” Trump, Trung Quốc thực ra chẳng mất gì?
“Cho tới thời điểm nay, tôi chưa có được gì cả, tuyệt đối chẳng có gì cả”, Tổng thống Mỹ Donald Trump đã nói như thế trước khi ngồi ăn tối với người đồng cấp là Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình vào hôm 6/4. Kỳ này, hóa ra Trump không đi xa sự thật quá nhiều.
Ông Tập không đến thăm nước Mỹ mà không có “quà” cho ông Trump, nhưng những nhượng bộ mà Trung Quốc đưa ra để đổi lấy việc ngăn ngừa nguy cơ chiến tranh thương mại với Mỹ hóa ra lại chẳng làm nước này thiệt thòi gì nhiều.
Theo tờ Financial Times đưa tin, một trong những sự nhượng bộ đó là có thể cho phép thịt bò của Mỹ được nhập vào thị trường Trung Quốc trở lại, sau khi bị cấm từ năm 2003. Phát ngôn viên Nhà Trắng Sean Spicer đã hào hứng gọi đây là "phần thưởng lớn". Tuy nhiên, chưa có thông tin nào cho biết khi nào điều này sẽ được Trung Quốc thực hiện.
Trước đây, Trung Quốc cũng từng ra tín hiệu về việc bỏ lệnh cấm nhập thịt bò Mỹ vào thời ông Obama còn làm Tổng thống, nhưng rốt cuộc chưa đi đến đâu cả. Nhà phân tích Farha Aslam của Stephens Inc. nhắc nhở giới đầu tư rằng Trung Quốc từng 2 lần đồng ý cho thịt bò Mỹ quay lại thị trường nước này, nhưng nhiều rào cản pháp lý khác đã ngăn các hoạt động thương mại trở thành hiện thực.
Trung Quốc hiện chủ yếu nhập thịt bò từ Úc, Brazil và Uruguay. Ảnh: mla.com.au |
Việc Trung Quốc đồng ý mở cửa thêm thị trường tài chính nước này cho các doanh nghiệp phố Wall thực ra cũng là một quá trình đã diễn ra từ lâu, và không phải là do sức ép của phía Mỹ.
Trung Quốc giờ đây chẳng còn phải lo lắng nhiều về việc các gã khổng lồ trong ngành tài chính Mỹ sẽ áp đảo các doanh nghiệp nội của mình nữa rồi, khi mà nước này giờ đây cũng không thiếu các đại tập đoàn có quy mô ngang ngửa. 3 tập đoàn tài chính Trung Quốc là CITIC, China International Capital và Guotai Junan Securities lần lượt chiếm vị trí thứ 2, thứ 3 và thứ 4 trên bảng xếp hạng các doanh nghiệp tài chính thành công nhất tại Châu Á Thái Bình Dương của Thomson Reuters. Nhiều cái tên Trung Quốc khác cũng nằm trong top đầu các bảng xếp hạng về giao dịch trái phiếu và M&A.
Tự tin rằng các tay chơi nội địa sẽ đủ sức cạnh tranh, Bắc Kinh hiện đã dần nới lỏng giới hạn đối với các doanh nghiệp nước ngoài. Citigroup đã nhận được giấy phép hoạt động thanh toán trái phiếu hồi tháng 2 vừa qua, còn JPMorgan nhận được giấy phép bảo lãnh trái phiếu cùng thời điểm. Vào tháng 12/2016, các quan chức Trung Quốc nói rằng họ sẽ mở cửa thị trường xếp hạng tín dụng cho các tổ chức nước ngoài; sang tháng 1, họ cho phép các công ty quản lý tài sản nước ngoài được mở các quỹ đầu tư tư nhân tại Đại lục. Trung Quốc cũng đưa ra nhiều cải cách khác nhằm giảm sự quan liêu và tạo điều kiện thuận lợi hơn (ít ra là về mặt giấy tờ) cho các doanh nghiệp nước ngoài chuyển lợi nhuận về nước.
Các tập đoàn ngân hàng đầu tư lớn nhất Trung Quốc và lợi nhuận ròng trong năm 2016. Ảnh: chinamoneynetwork.com |
Chính phủ Trung Quốc cũng đang cẩn thận hơn với các tín hiệu xấu. Nhiều dự án liên doanh với các nhà quản lý quỹ và công ty chứng khoán nước ngoài đã thất bại trong những năm gần đây, nguyên nhân là do khác biệt về chiến lược và khả năng chấp nhận rủi ro giữa các đối tác. Việc để cho các doanh nghiệp nước ngoài rút lui khỏi Trung Quốc sẽ là tín hiệu xấu, dẫn tới việc dòng vốn tháo chạy khỏi Đại lục.
Trung Quốc cũng đang muốn ghìm cương tín dụng, sau khi thả lỏng việc cho vay trong năm 2016. Việc có nhiều công ty Mỹ tham gia vào việc phát hành trái phiếu và IPO có thể giúp kiểm soát rủi ro tốt hơn. Việc giải phóng cho các doanh nghiệp Mỹ khỏi các luật lệ phiền hà chỉ là một sự nhượng bộ nhỏ, đặc biệt nếu nó được đổi lại bằng việc vốn của Mỹ sẽ chảy vào Trung Quốc.
Nói tóm lại, không có việc gì dễ dàng hơn cho Bắc Kinh bằng đon giản lặp lại điệp khúc “sẽ sẵn sàng mở cửa” để Trump hài lòng và có cái để đem khoe với báo giới Mỹ. Dù rằng đây đúng là tin vui cho ngành tài chính Mỹ, nhưng sự thực là phía Trung Quốc còn vui hơn rất nhiều.
Bá Ước
Nguồn Bloomberg/MeatingPlace