Chân dung Janet Yellen: Người phụ nữ với sứ mệnh cầm cương nền kinh tế toàn cầu
Xuất hiện khéo léo, nhẹ nhàng nhưng kiên quyết
Vào tháng 6/2007, trong cuộc họp Hội đồng Thống đốc Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed), Chủ tịch Ben Bernanke đã đưa ra kết luận: "Nền kinh tế đang trong trạng thái ổn định".
Bằng giọng nói bình tĩnh nhưng kiên quyết, một người phụ nữ nhỏ nhắn lên tiếng khẳng định: "Tôi vẫn cảm thấy sự hiện diện của một vấn đề lớn trong ngành bất động sản. Nguy cơ suy giảm đáng kể trên thị trường bất động sản được biểu hiện thông qua giá nhà sụt giảm và sự suy yếu của các khoản vay đang ngày càng mở rộng và điều này khiến tôi quan ngại sâu sắc".
Một vài tuần sau đó, những lo ngại của Janet Yellen, khi đó còn là Chủ tịch Fed tại San Francisco, quả thật đã trở thành hiện thực. Trong suốt mùa hè năm 2007, cuộc khủng hoảng cho vay dưới chuẩn đã gây ra một hiệu ứng dây chuyền nhanh chóng, có thể dẫn đến cuộc khủng hoảng kinh tế thế giới nghiêm trọng nhất kể từ sau những năm 1930 .
Ký ức kinh hoàng về nạn thất nghiệp quy mô lớn
Tuy nhiên, kể từ bây giờ, chắc chắn những lo lắng của Janet Yellen sẽ được cân nhắc thận trọng hơn và bản thân “người phụ nữ nhỏ bé với bộ óc siêu phàm” cũng không còn bằng lòng với vai trò đơn giản là một người cảnh giới. Thay vào đó, người phụ nữ 67 tuổi này sẽ trở thành người chỉ huy thực sự với vị trí mới - nữ Chủ tịch đầu tiên của Fed. Đây là người phụ nữ sẽ chèo lái chính sách tiền tệ của Mỹ, cũng như đưa ra định hướng cho phần còn lại của nền kinh tế toàn cầu.
Mọi chuyện gần như đã được định đoạt cách đây vài tuần, khi Larry Summers, người được tổng thống Barack Obama đề cử vào vị trí mà Ben Bernanke để lại, đã rút lui do những phản đối dữ dội từ phe Dân chủ và hàng trăm nhà kinh tế.
Con đường học vấn hoàn hảo
Hành trình học vấn của bà bắt đầu từ con phố Brooklyn, NewYork, với người cha là bác sĩ và mẹ là giáo viên, cả hai đều trải qua thời kỳ Đại suy thoái những năm 1930. Ký ức về nạn thất nghiệp và sự tàn phá trong thời gian ấy luôn là một phần trong ký ức và trở thành ý thức gia đình và ý thức giáo dục luôn ảnh hưởng đến Yellen. Bà học chuyên ngành kinh tế tại Đại học Brown (Rhode Island) năm 1967 và lấy bằng tiến sĩ kinh tế của Đại học Yale (năm 1971). Giáo sư nhận giải Nobel kinh tế - Joseph Stiglitz đã khẳng định, trong 47 năm giảng dạy, Janet Yellen là một trong những sinh viên xuất sắc nhất của ông.
Giản dị và thân thiện
Không mấy ngạc nhiên khi Yellen được xem là chuyên gia trong lĩnh vực thất nghiệp từ nguyên nhân, cơ chế cho đến các biện pháp. Sau khi rời Đại học Yale, bà đã làm việc tại Fed với vai trò là một chuyên gia kinh tế. Đây cũng là nơi bà gặp người chồng của mình - George Akerlof, một đại diện tiêu biểu của trường phái kinh tế Keynes mới và cũng là người đoạt giải Nobel kinh tế năm 2001 cùng với Micheal Spence và Joseph Stiglitz.
|
Chuyện tình lãng mạn của hai nhà kinh tế học này đã cho ra đời một sự hợp nhất lịch sử, đặc biệt trên khía cạnh tri thức. Trong khi bà giảng dạy tại trường Havard và trường Kinh tế London, rồi trở thành giảng viên tại Berkeley từ năm 1980, họ đã cùng nhau nghiên cứu về tính cứng nhắc của tiền lương và giá cả. Sau đó, kể từ đầu những năm 1990, Janet Yellen đã nghiên cứu về những hệ quả kinh tế từ sự thống nhất của nước Đức.
Nghiên cứu này vẫn được tiếp tục cho đến năm 1994, bà tham gia vào Hội đồng Thống đốc của Fed. Làm những công việc thầm lặng nhưng nữ chủ tịch đầu tiên của Fed cũng không ngần ngại phá vỡ một số quy tắc. Không khó để thấy bà đang ăn trưa trong quán cà phê với nhân viên bình thường của Fed bởi bà cho rằng “đây là cơ hội tốt để tìm hiểu xem người khác đang nghĩ gì, biết được cái người ta nghĩ trong đầu. Tôi yêu thích những cuộc trao đổi này”. Tất cả những người từng tiếp xúc với bà đều bị ấn tượng bởi sự giản dị, thân thiện và dễ gần. Người ta nói bà rất hay cười nhưng đồng thời, cũng thấy ở bà một tính cách cứng rắn, kiên định.
Tỉ mỉ và chi tiết với những con số
|
Alan Greenspan đã từng tuyên bố trong một bài phỏng vấn hồi cuối năm 2000 rằng: “Những cuộc trò chuyện với Janet và những bài trình bày của bà đã luôn cuốn hút tôi”.
Quan trọng hơn, bà đã làm rúng động cả Cục Dự trữ Liên bang khi mới đây đã yêu cầu một cách quyết liệt về sự minh bạch của chính sách tiền tệ. Và kết quả là vào tháng 1/2012, lần đầu tiên Fed công bố các chỉ tiêu lạm phát và thất nghiệp.
Yellen khẳng định rằng: “Tôi hi vọng và có niềm tin rằng thời kì “không bao giờ giải thích và không bao giờ xin lỗi” đã đi vào quá khứ”. Tuy nhiên, sự minh bạch đang có hiện nay đang bị một số người phê phán cho rằng, Fed đã tự buộc mình vào những mục tiêu quá cụ thể.
Bài toán rút dần nới lỏng định lượng?
Bà sẽ làm thế nào để rút gói nới lỏng định lượng (QE) mà Ben Bernanke đã khởi động mà không ảnh hưởng đến tăng trưởng hiện nay? Đó là câu hỏi lớn đặt ra cho nhiệm kỳ của bà.
Tuy nhiên, với tài dự báo dựa trên cơ sở khoa học của những con số và thực tế, Yellen được kỳ vọng sẽ làm tốt nhiệm vụ khó khăn này. Mới đây, tờ Wall Street Journal đã phân tích lại hơn 700 dự báo về nền kinh tế và lạm phát, từ năm 2009 đến 2012 của 14 chủ tịch các cục dự trữ liên bang. Kết quả cho thấy, Janet Yellen là người đưa ra những dự báo thích đáng nhất.
Dự báo điều là quan trọng, nhưng khi ngồi vào ghế Chủ tịch Fed, khả năng của bà sẽ được đánh giá chủ yếu qua việc đưa ra các quyết định. Joseph Stiglitz ca ngợi “khả năng thu hút sự đồng thuận” của bà nhờ vào khả năng lắng nghe. Dù sao đi chăng nữa, điều này sẽ rất có ích với Janet Yellen trong quãng thời gian “khám phá vùng đất bí ẩn” mà ben Bernanke để lại cho người kế nhiệm sắp tới.
Nguồn Dân Việt