Sau thông tin Nga rút khỏi thỏa thuận ngũ cốc Biển Đen, giá lúa mì, ngô, đậu tương đã đồng loạt tăng. Ảnh: Reuters.
Chấm dứt thoả thuận ngũ cốc Biển Đen có thể khiến giá ngũ cốc toàn cầu tăng 15%
Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) cho biết, việc Nga rút khỏi Sáng kiến Ngũ cốc Biển Đen có thể khiến giá ngũ cốc tăng 15%, dẫn đến nguy cơ làm trầm trọng thêm tình trạng mất an ninh lương thực toàn cầu.
Theo ông Pierre-Olivier Gourinchas, Nhà kinh tế trưởng IMF, Sáng kiến Ngũ cốc Biển Đen là “công cụ rất quan trọng” trong vấn đề bảo đảm nguồn cung ngũ cốc dồi dào trong năm 2022. Do đó, việc chấm dứt thỏa thuận ngũ cốc có thể làm xấu đi triển vọng an ninh lương thực và có nguy cơ làm tăng thêm lạm phát lương thực toàn cầu.
Thoả thuận ngũ cốc có tầm ảnh hưởng quan trọng đối với an ninh lương thực toàn cầu, giúp tạo điều kiện thuận lợi cho xuất khẩu ngũ cốc và phân bón từ Ukraine ra thị trường toàn cầu, làm giảm áp lực lên giá lương thực quốc tế. Trong khi IMF vẫn đang theo dõi tình hình trong khu vực về những tác động từ động thái mang tính “đòn giáng” của Nga, ông Gourinchas ước tính giá ngũ cốc sẽ tăng từ 10-15%.
Động thái rút khỏi thoả thuận ngũ cốc của Nga như một "đòn giáng" vào thị trường lương thực toàn cầu. Ảnh: Bloomberg. |
Thoả thuận Ngũ cốc Biển Đen, vốn cho phép Ukraine xuất khẩu khoảng 33 triệu tấn ngũ cốc mỗi năm bằng đường biển, đảm bảo hành lang thương mại an toàn cho hoạt động xuất khẩu ngũ cốc từ Ukraine. Việc Nga rút khỏi Sáng kiến Ngũ cốc Biển Đen do Liên Hợp Quốc và Thổ Nhĩ Kỳ làm trung gian, được ký kết vào tháng 7/2022, sẽ gây ảnh hưởng đến nguồn cung lương thực cho các quốc gia phụ thuộc vào các chuyến hàng từ Ukraine. Các thị trường chịu ảnh hưởng nhiều nhất sau sự sụp đổ của thỏa thuận sẽ là các quốc gia ở khu vực Bắc Phi, Trung Đông và Nam Á.
Sau thông tin Nga rút khỏi thỏa thuận, giá lúa mì, ngô, đậu tương đã đồng loạt tăng. Giá lúa mì tăng 3%, lên 689,25 cent Mỹ/giạ; giá ngô tăng lên 526,5 cent Mỹ/giạ; giá đậu tương tăng lên 1.388,75 cent Mỹ/giạ.
Giữa bối cảnh xung đột, khủng hoảng khí hậu, giá năng lượng và các yếu tố khác đang làm ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất, xuất khẩu và khả năng chi trả cho lương thực. Ông Antonio Guterres, Tổng thư ký Liên Hợp Quốc, cho biết thoả thuận ngũ cốc Biển Đen cần phải được duy trì tiếp tục nhằm ngăn chặn nguy cơ làm trầm trọng thêm tình trạng 258 triệu người ở 58 quốc gia trên thế giới đang phải đối mặt với nạn đói.
Về phía Nga, quốc gia này từ chối tiếp tục ký kết thỏa thuận ngũ cốc Biển Đen vì cho rằng phương Tây đã không thực hiện đúng nghĩa vụ của mình theo thoả thuận, chẳng hạn như các lệnh trừng phạt của phương Tây đã gây cản trở việc xuất khẩu thực phẩm và phân bón của Nga. Đồng thời, chính quyền Moscow cũng chỉ ra rằng thỏa thuận đã không đáp ứng được những lý do nhân đạo của nó, khi hầu hết các sản phẩm ngũ cốc đều được xuất khẩu sang các quốc gia giàu có thay vì các nước nghèo đang đối mặt với vấn đề mất an ninh lương thực.
Song, ngày 25/7, Nga cho biết thoả thuận ngũ cốc vẫn có thể được nối lại nếu Liên Hợp Quốc thực hiện nới lỏng các biện pháp trừng phạt đối với nước này như đã hứa.
Có thể bạn quan tâm:
Nguồn Reuters