Ông Jamie Dimon, CEO của JPMorgan Chase. Ảnh: FT.

 
Lam Ngọc Thứ Sáu | 26/04/2024 19:30

CEO JPMorgan Chase: Thận trọng về khả năng hạ cánh mềm

Ông Jamie Dimon thận trọng về khả năng nền kinh tế Mỹ hạ cánh mềm dù đang ở trong một trạng thái khá tốt.

Ông Jamie Dimon, CEO của JPMorgan Chase, chia sẻ rằng nền kinh tế Mỹ đang trải qua giai đoạn tăng trưởng mạnh mẽ, nhưng ông cũng cảnh báo về khả năng hạ cánh mềm của nền kinh tế.

Trong cuộc phỏng vấn diễn ra tại Câu lạc bộ Kinh tế New York, ông Dimon nói rằng tình trạng của nền kinh tế Mỹ hiện tại là không thể tin được và đã tăng trưởng bùng nổ trong một khoảng thời gian dài. Tuần trước, Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) dự báo nền kinh tế lớn nhất thế giới sẽ đạt tốc độ tăng trưởng nhanh gấp hai lần so với bất kỳ quốc gia nào trong nhóm G7 trong năm nay, nhờ vào chi tiêu của hộ gia đình và hoạt động đầu tư sôi nổi.

Điều này hoàn toàn trái ngược với những lo ngại trong hai năm qua rằng việc tăng lãi suất dồn dập của Cục Dự trữ Liên bang (FED) sẽ đẩy nền kinh tế vào một cuộc suy thoái. Thay vào đó, IMF dự báo nền kinh tế sẽ có tốc độ tăng trưởng 2,7% trong năm nay và 1,9% vào năm sau, sau khi tăng trưởng ở mức 3,4% trong quý IV/2023.

“Nền kinh tế đang ở trong một trạng thái khá tốt và cho đến hiện tại, kịch bản nhiều khả năng xảy ra nhất có vẻ là kịch bản hạ cánh mềm. Nhưng, tôi vẫn thận trọng về khả năng đó”, ông Dimon cho biết.

Ông nhắc lại một câu nói có từ thời ông mới gia nhập Phố Wall: “Một điều gì đó giống như kiểu: Thị trường sẽ làm bất cứ điều gì cần thiết để khiến nhiều người tổn thương nhất. Đây có thể là tiền đề cho một kịch bản như vậy xảy ra”.

Là người đứng đầu ngân hàng lớn nhất Mỹ về tài sản, ông Jamie Dimon bày tỏ ngạc nhiên khi những căng thẳng địa chính trị không có tác động lớn đến giá dầu hiện đang giao dịch ở mức khoảng 88 USD/thùng.

“Tôi hơi ngạc nhiên khi giá dầu và khí đốt không tăng cao hơn. Không có gì là khó để đẩy giá dầu và khí đốt lên 120 USD/thùng hoặc thậm chí là cao hơn”, ông nói.

Giới chuyên gia nhận định giá năng lượng cao có thể làm chậm quá trình giảm lạm phát tại Mỹ hoặc thậm chí có thể đảo ngược xu hướng này. Điều này có thể buộc FED phải duy trì mức lãi suất cao trong một thời gian dài, làm tăng rủi ro suy thoái kinh tế. Việc duy trì mức lãi suất cao kéo dài có thể dẫn đến nguy cơ nền kinh tế hạ cánh cứng.

Ngoài ra, khả năng Ngân hàng Trung ương tăng lãi suất thêm một lần nữa cũng đang lớn hơn. Thị trường quyền chọn cho thấy có khả năng khoảng 20% FED sẽ tăng lãi suất trong vòng 12 tháng tới, cao hơn nhiều so với mức dưới 10% vào đầu năm. Trong khi đó, ông Dimon đã cảnh báo về rủi ro kinh tế Mỹ rơi vào tình trạng tăng trưởng chậm lại kèm theo lạm phát cao.

Có thể bạn quan tâm:

Giá cổ phiếu toàn cầu tăng cao, nguồn cung thu hẹp

Nguồn FT