Ảnh: AFP.
CEO "đào tẩu", người từng điều hành nhiều công ty lớn cùng lúc trước tỉ phú Elon Musk là ai?
Tỉ phú Elon Musk, Giám đốc Điều hành Tesla và SpaceX đã đề nghị mua cổ phiếu Twitter mà ông chưa sở hữu - 90,8% cổ phần của công ty - trong một thỏa thuận trị giá khoảng 43 tỉ USD, theo một hồ sơ pháp lý được tiết lộ vào ngày 14/04. Thỏa thuận này sẽ bổ sung một trong những công ty lớn nhất thế giới khác vào danh mục sở hữu của ông Musk: Tesla và SpaceX đã lần lượt là công ty trị giá nghìn tỉ và hàng tỉ USD. Ông cũng sở hữu hai dự án startup nhỏ hơn, Neuralink và The Boring Company.
Ngay cả khi tỉ phú Elon Musk mua thành công Twitter và từ chối tự xưng là Giám đốc điều hành, rất có thể ông ấy vẫn muốn can thiệp vào hoạt động hàng ngày của công ty. Việc điều hành ba doanh nghiệp cùng lúc không hề đơn giản và cũng không phải là điều chưa từng có trước đây.
Vị giám đốc được biết đến gần đây nhất trong việc điều hành nhiều công ty lớn cùng lúc không ai khác chính là ông Carlos Ghosn, cựu CEO của Nissan và Renault, kiêm cựu chủ tịch của AvtoVaz và Mitsubishi. Câu chuyện của ông có những tình tiết phù hợp với một bộ phim Hollywood hơn là những hành động ngoài đời thực của một Giám đốc điều hành ngành công nghiệp xe hơi. Từ một vị CEO được kính trọng của ngành công nghiệp ô tô, ông đã trở thành một “kẻ trốn chạy” quốc tế.
Ông Carlos Ghosn, cựu CEO của Nissan và Renault, kiêm cựu chủ tịch của AvtoVaz và Mitsubishi. |
Trên thực tế, ông Ghosn đã nắm giữ các vai trò hàng đầu tại cả 4 công ty trong một khoảng thời gian và đang điều hành 3 trong số các công ty đó vào năm 2018 khi bị bắt tại Nhật Bản vì các cáo buộc liên quan đến sai phạm tài chính. Ông Ghosn bị miễn nhiệm ngay lập tức khỏi vị trí tại Nissan.
Nguyên nhân dẫn đến việc sa thải và bắt giữ là do Nissan cáo buộc ông Ghosn đã khai gian thuế và sử dụng tài sản của công ty cho mục đích cá nhân. Công ty tuyên bố rằng ông chỉ kê khai một nửa trong số 88 triệu USD mà ông nhận được trong thời gian từ 2011 đến 2015.
Theo Forbes, trong thời gian quản thúc tại Tokyo, ông Ghosn đã dàn dựng một phi vụ táo bạo. Cùng sự giúp đỡ của vợ và những người khác, ông đã tổ chức một “buổi hòa nhạc” với dàn nhạc công là các lính đánh thuê. Thay vì chơi nhạc, họ đã đưa ông Ghosn ra khỏi đất nước trong một hộp đựng nhạc cụ lớn. Ông Ghosn, người cao khoảng 1m7, dễ dàng chui vào một trong những chiếc hộp dùng để chuyển nhạc cụ cao đến 1m8, rồi bay thẳng về quê hương Lebanon.
Ông Carlos Ghosn đã xuất phát từ sân bay tư nhân, nhưng ngay cả sân bay tư nhân cũng không được miễn kiểm soát hộ chiếu. Nên giới chức Nhật Bản lúc bấy giờ rất hoang mang, không hiểu ông đã biến mất khỏi nước Nhật bằng cách nào. Vào thời điểm trước cả khi chiếc máy bay chở ông khởi hành, các quan chức hải quan và nhập cảnh đã có mặt tại đó. Tuy nhiên, ông Ghosn không lên máy bay với tư cách là hành khách chính thức mà là một “kiện hàng”, chiếc hộp nhạc cụ ông chui vào có kích thước quá lớn để nhét vào máy X-quang của sân bay, và ông đã trót lọt qua được vòng kiểm tra thông thường. Vị CEO tai tiếng đã trốn sang Lebanon, quốc gia không có hiệp định dẫn độ với Nhật Bản, nơi ông cư trú cho đến ngày nay với tư cách là một “kẻ trốn chạy” bị truy nã quốc tế.
Ông Ghosn rời trại giam sau khi được tại ngoại vào tháng 04/2019. Ảnh: AFP. |
An toàn ở đất nước thời trẻ của mình, ông Ghosn không cần phải che giấu danh tính. Mặc dù các luật sư đã lấy giấy thông hành để giúp ông tại ngoại, nhưng ông Ghosn có hai hộ chiếu Pháp - một đặc quyền hiếm có, được cấp cho những công dân có công việc yêu cầu đi lại thường xuyên. Trong tay hộ chiếu Pháp, ông Ghosn đã sang Lebanon một cách hợp pháp.
Ông khẳng định rằng bản thân không trốn tránh các vấn đề pháp lý, nhưng ông cần có một phiên tòa công bằng và khách quan, chứ không phải giam lỏng, bắt làm “con tin” như cách Nhật Bản đã làm.
Và vận may thì không mỉm cười khi liên minh Nissan-Renault-Mitsubishi trở nên suy yếu còn cổ phiếu thì lao dốc. Các công ty hiện đang phải vật lộn để theo kịp đối thủ cạnh tranh.
Trong suốt sự nghiệp của mình, ông Ghosn đã tự xây dựng hình tượng như thể một nhân vật độc nhất vô nhị, đứng sau một trong những tập đoàn ô tô lớn nhất thế giới và là người duy nhất có khả năng duy trì nó. Trong những năm gần đây, rõ ràng ông đang ở chế độ kế thừa, chuẩn bị cơ sở cho một thỏa thuận cuối cùng, đưa Nissan và Renault lại với nhau dưới một tập đoàn duy nhất.
Nếu kế hoạch kết hợp đối thủ Fiat Chrysler Automobiles vào liên minh thành hiện thực, ông có thể đã tạo ra nhà sản xuất ô tô lớn nhất thế giới và sẽ được nhớ đến như một người có tầm nhìn kinh doanh, một trong số ít những cá nhân mà sự nghiệp riêng giúp định hình lại cả ngành công nghiệp. Tuy nhiên, trong tương lai gần, ông sẽ được biết đến với cái mác: một kẻ chạy trốn.
Nói về việc điều hành nhiều công ty cùng lúc, vào năm 2014, ông Ghosn nói với Giám đốc điều hành LinkedIn trong một cuộc phỏng vấn rằng chìa khóa giúp ông có thể điều hành nhiều công ty cùng lúc là tránh việc đa tác vụ. Vào thời điểm đó, được biết lịch trình của ông luôn được sắp xếp trước cả năm, bao gồm ông sẽ đâu và tập trung vào công ty nào.
“Tôi không kết hợp các trách nhiệm lại với nhau, bởi tôi chỉ muốn đảm bảo các nhóm sẽ tự thấy có trách nhiệm và không nhầm lẫn giữa các công ty” ông Ghosn nói.
Có thể bạn quan tâm: