CEO của Credit Suisse: Không nên dùng ROE làm chỉ tiêu!
Trong một hội thảo của ngành ngân hàng do báo Financial Times tổ chức vào hôm 3/11 mới đây, CEO Tidjane Thiam của tập đoàn ngân hàng Thụy Sĩ Credit Suisse đã làm dấy lên một cuộc tranh luận khi tuyên bố: "Chúng ta chẳng có cách nào thực sự tốt để đánh giá lợi nhuận".
Theo Thiam, việc sử dụng chỉ tiêu thông dụng bấy lâu nay trong ngành ngân hàng là lợi nhuận trên vốn chủ sở hữu (ROE) sẽ dẫn tới nhiều hành động bất chấp rủi ro: "Ngân hàng chúng tôi vẫn sẽ tính ROE, nhưng nếu trả lương cho mọi người dựa theo ROE thì chắc chắn xác suất mà vốn chủ sớ hữu đi xuống sẽ là rất cao". Và sự thực là các nghiên cứu về hệ thống ngân hàng quốc tế trong giai đoạn khủng hoảng tài chính 2008-2009 đã cho thấy ngân hàng nào càng cắt giảm vốn nhiều thì càng có xác suất phải sáp nhập hoặc bị đóng cửa càng cao.
Cũng theo Thiam, hầu hết các ngân hàng sử dụng chỉ tiêu ROE đều không đạt được chỉ tiêu đã đề ra, hoặc phải xin thêm thời gian để thực hiện. Khi đó, ngân hàng sẽ bị cổ đông gây áp lực về việc tái cấu trúc hay cắt giảm chi phí, và điều này có thể dẫn tới sụt giảm doanh thu cùng lợi nhuận nếu không được thực hiện khéo léo. Thiam nhận định: "Rốt cuộc là bạn bị rơi vào một vòng xoáy tử thần: cắt giảm chi phí, thị trường không hài lòng, và bạn lại phải cắt giảm chi phí một lần nữa".
Trước đó, vào hôm 21-10, Thiam đã khiến nhiều người phải ngạc nhiên khi ông quyết định không đặt ra chỉ tiêu ROE cho Credit Suisse nữa, với lý do là có quá nhiều yếu tố bất định trong môi trường kinh doanh hiện nay. "Bạn có thể cam kết thực hiện những điều bạn kiểm soát được, còn nếu cam kết thực hiện điều mình không kiểm soát được thì chỉ là kẻ ngốc", Thiam đã tuyên bố như vậy. Ông cũng cho biết Credit Suisse sẽ không sử dụng chỉ tiêu ROE cho đến ít nhất là giữa năm 2019.
Thay cho ROE, Thiam đã đặt ra các mục tiêu tăng trưởng doanh thu và lợi nhuận, điều mà ít có ngân hàng phương Tây nào dám thực hiện trong vòng một thập kỷ qua. Theo đó, trong 3 năm tới Credit Suisse sẽ hướng tới việc tăng lợi nhuận tại châu Á lên gấp đôi và tăng doanh thu của bộ phận quản lý tài sản quốc tế lên 60%.
Theo đánh giá của Financial Times, việc Thiam chuyển hướng tập trung sang tăng trưởng dài hạn thay vì ROE trong ngắn hạn là một lựa chọn khá hợp lý để xây dựng một ngân hàng an toàn và ổn định hơn. Và dĩ nhiên, việc chính phủ Thụy Sĩ vừa yêu cầu tăng tỷ lệ đòn bẩy lên 5% cũng là một yếu tố ảnh hưởng tới quyết định này.
Tuấn Minh