Cây đũa thần của Lý Quang Diệu - Kỳ 1: Người đàn ông, hòn đảo và đứa trẻ
Bi đát
Tên của đứa trẻ ốm yếu ngày nào là Singapore, bị trục xuất ra khỏi ngôi nhà chung mang lên Liên bang Malaysia giữa các căng thẳng chính trị và sắc tộc lên đến đỉnh điểm. Đó là vào năm 1965. Ông Lý Quang Diệu tuyên bố thành lập một quốc gia độc lập và có chủ quyền mang tên CH Singapore trong buồn bã. Cả thế giới hoài nghi không biết quốc gia yếu ớt đó qua được mấy con trăng.
Quả thật tình cảnh của Singapore và Thủ tướng Lý Quang Diệu quá bi đát. Singapore lúc đó chỉ là một làng chài nghèo nàn đầy bệnh sốt rét. Tài nguyên không có, đến nước sinh hoạt cũng phải nhập khẩu. Singapore lại chẳng tồn tại một nền văn hóa chung, là sự ghép nối của cộng đồng Hoa, Malaysia và Ấn với các bất đồng về lợi ích cứ va đập nhau chan chát.
Cái túi rỗng không, tình hình chính trị xung quanh lại cực kỳ bất ổn, ông Lý Quang Diệu xác định cái phao duy nhất để hòn đảo xơ xác này không bị nhất chìm chính là nguồn tài nguyên tuyệt vời nhất mà quốc gia nào cũng có: con người.
Thực ra thì so với bà con lối xóm, chẳng hạn như Indonesia đông dân thứ 4 hành tinh thì nguồn lực con người ít ỏi của đất nước bé tẹo gói trong một thành phố này quá thua kém. Có chăng là cách ông Lý Quang Diệu đào tạo con người và sử dụng người tài.
“Tị nạn chất xám”
Xác định thắng trong cuộc đua giáo dục sẽ thắng trong phát triển kinh tế, ông ban hành hàng loạt chính sách giáo dục quyết liệt. Trong số đó, sử dụng tiếng Anh bắt buộc trong trường học là một quyết định cực kỳ nhạy cảm giữa bối cảnh cạnh tranh bản sắc căng thẳng ở quốc gia có nhiều cộng đồng này.
Là người thực tế, ông vượt qua bao sóng gió để kiên trì với chính sách này với nhận thức rõ: tiếng Anh là ngôn ngữ để làm việc, để kiếm tiền, để đưa Singapore hội nhập quốc tế.
Không những trọng dụng người tài, ban hành hàng loạt chính sách để ngăn chặn chảy máu chất xám, Lý Quang Diệu cũng tìm mọi cách biến Singapore thành thỏi nam châm thu hút nhân tài từ khắp nơi trên thế giới.
Trong khi các ông anh đi trước già dặn và giàu có ở châu Âu, châu Mỹ phải gồng mình hứng làn sóng người nhập cư tị nạn chính trị, tị nạn kinh tế thì Singapore ra sút hút làn sóng “tị nạn chất xám”. Họ đến Singapore để làm việc, để kiếm tiền, cùng lúc góp phần đẩy đảo quốc sư tử hóa rồng.
Cảm ơn cái nghèo! Nhìn lại những thành quả của mình, ông Lý Quang Diệu từng nói nếu Singapore không ở trong tình cảnh nghèo xác nghèo xơ thì có lẽ đất nước này sẽ không bao giờ lột xác và phát triển như bây giờ. “Giả dụ chúng tôi có xăng dầu, anh nghĩ tôi có thể yêu cầu người dân làm tất cả mọi chuyện như đã làm không? Không. Nếu tôi có xăng có dầu, tôi có những người dân khác với động cơ khác và mong đợi khác. Vì chúng tôi không có xăng dầu và mọi người biết rõ là họ không có, họ nhận thức rõ ràng rằng tất cả mọi thành quả chỉ đến từ nỗ lực của chính họ. Thế nên tôi mới có thể nói họ làm ơn làm chuyện này, chuyện nọ và làm nó thật tốt”, Lý Quang Diệu phát biểu trên tờ New York Times. |
Nguồn Thanh Niên