Thứ Tư | 17/04/2013 14:46

Cầu trên sông Áp Lục và câu chuyện quan hệ Trung Quốc - Triều Tiên

Trung Quốc và Triều Tiên vừa ký kết thỏa thuận xây mới cây cầu trên sông Áp Lục, một biểu tượng mới về quan hệ thương mại khăng khít giữa 2 nước.
Trong những năm tháng chiến tranh, cây cầu nhỏ bắc qua sông Áp Lục - biên giới tự nhiên phân chia Trung Quốc và Triều Tiên - từng là mục tiêu oanh tạc của máy bay Mỹ nhằm ngăn chặn các chuyến hàng viện trợ của Bắc Kinh cho đồng minh. Cây cầu mới đây được chính quyền thành phố Đan Đông lên kế hoạch xây mới và phát triển thành đòn bẩy thương mại 2 nước, đồng thời thuyết phục Triều Tiên từ bỏ chương trình hạt nhân.

Theo các doanh nhân thành phố Đan Đông, hiện nay chính phủ 2 nước không giới hạn hoạt động thương mại, nên nhiều doanh nghiệp Triều Tiên đang tìm cách giảm giá hàng hóa như quần áo và sản phẩm tiêu dùng. Bên cạnh đó, họ còn lo ngại các biện pháp trừng phạt của Liên Hợp Quốc đối với Triều Tiên sẽ hạn chế kinh doanh, thậm chí đe dọa quan hệ song phương Trung Quốc, Triều Tiên.

Tuy nhiên, giám sát hải quan tại công ty xuất nhập khẩu Đan Đông, ông Yu Hao, cho biết tình hình chính trị hiện tại không mấy tác động tới thương mại 2 nước. Lý giải việc các doanh nghiệp Triều Tiên thi nhau ép giá, ông Yu Hao cho biết người Triều Tiên giờ hiểu quá rõ cách thức buôn bán của Trung Quốc và điều đó ảnh hưởng không nhỏ tới hoạt động thu lợi của các doanh nghiệp.

Năm 2012, thương mại song phương Trung Quốc - Triều Tiên tăng lên 5,6 tỷ USD, một con số khá lớn so với tổng sản phẩm quốc nội (GDP) hàng năm của Bình Nhưỡng (ước đạt khoảng 40 tỷ USD).

Tân Hoa Xã cho biết chi phí dành cho cây cầu dài 3km bắc qua sông Áp Lục sẽ vào khoảng 2,2 tỷ nhân dân tệ (356 triệu USD). Các chuyên gia nhận định cây cầu mới thực sự là đòn bẩy hoàn hảo cho thương mại Trung - Triều qua thành phố Đan Đông - nơi chiếm 70% kim ngạch thương mại 2 nước.

Cây cầu mới càng quan trọng hơn khi kinh tế Triều Tiên ngày một phụ thuộc vào Trung Quốc, đặc biệt khi quan hệ kinh tế Triều Tiên và Hàn Quốc liên tục bị gián đoạn bởi những mâu thuẫn chính trị. Mới đây nhất, Bình Nhưỡng tuyên bố đóng cửa khu công nghiệp chung Kaesong với Hàn Quốc, bất chấp khu công nghiệp này mang về cho Triều Tiên gần 2 tỷ USD mỗi năm.

Việc kết nối trực tiếp với thành phố Đan Đông cũng giúp Triều Tiên mở rộng cánh cổng kết nối với phần còn lại của Trung Quốc, các chuyên gian hận định.

Tuy nhiên, trong thời gian gần đây, mối quan hệ Trung Quốc - Triều Tiên bắt đầu xấu đi khi Bình Nhưỡng liên tục có những hành động vượt ngoài tầm kiểm soát của Bắc Kinh. Với vai trò là cầu nối Bình Nhưỡng với phần còn lại của thế giới, Trung Quốc nhiều lần cảnh báo Triều Tiên có những hành động chừng mực, song Bình Nhưỡng không những không chấp thuận mà còn có những hành động mang tính "trách móc" Bắc Kinh.

Ngoài ra, Trung Quốc cũng phải chịu áp lực rất lớn từ cộng đồng quốc tế khi mang trên mình mác đồng minh kinh tế chính trị lớn nhất của Bình Nhưỡng. Hôm 13/4 vừa qua, sau nhiều lần bị chỉ trích, Trung Quốc buộc phải chấp thuận sẽ kìm chế căng thẳng trên bán đảo Triều Tiên cùng với Mỹ. Chẳng những thế, việc bị Liên Hợp Quốc và phương Tây liên tục cô lập càng khiến Triều Tiên dựa dẫm nhiều hơn vào Trung Quốc.

Mặc dù cơ quan thương mại Trung Quốc liên tục khẳng định quan hệ thương mại 2 nước vẫn diễn ra bình thường, song số liệu mới đây cho thấy các chuyến hàng từ Trung Quốc sang Triều Tiên đã giảm 13,8% xuống 720 triệu USD trong quý I/2013.

Giờ đây, các doanh nghiệp Triều Tiên cũng tỏ ra khôn ngoan hơn trong các giao dịch. Họ biết tận dụng các phương tiện truyền thông trực tuyến như Internet để tìm hiểu giá cả của Trung Quốc.

"Trước kia, bạn có thể bán các mặt hàng với mức giá dao động từ 5-10 nhân dân tệ cho người Triều Tiên. Nhưng giờ, họ sẽ nói thẳng luôn giá 8 nhân dân tệ với bạn", ông Yu Hao nói.

Mặc dù còn nhiều vướng mắc trong chính trị, song cây cầu trên sông Áp Lục vẫn là minh chứng rõ nét nhất về mối quan hệ thương mại bền chặt giữa Trung Quốc và Triều Tiên. Như một doanh nhân nhận xét: "Thương mại giữa Đan Đông vào Triều Tiên dựa trên mối quan hệ của doanh nghiệp Trung Quốc với khách hàng chứ không phải các vấn đề chính trị".

Nguồn Bloomberg/Dân Việt


Sự kiện