Thứ Ba | 29/01/2013 14:10

Câu lạc bộ Paris: Họ là ai?

Câu lạc bộ Paris cung cấp các dịch vụ tài chính như kinh phí chiến tranh, tái cấu trúc nợ, giảm nợ hay tha nợ cho các chính phủ.
Vừa qua, Câu lạc bộ Paris quyết định xóa nợ gần 6 tỷ USD cho Myanmar. Vậy tổ chức này thực sự là gì và thành viên là những ai?

Câu lạc bộ Paris, hay còn được biết đến là "nhóm không chính thức của các chủ nợ quốc tế", được thành lập cách đây hơn nửa thế kỷ, vào năm 1956 - thời điểm Argentina chìm trong khủng hoảng tài chính và những bất ổn chính trị.

Đứng trước bờ vực bị phá sản hoàn toàn, chính phủ Argentina đã buộc phải gặp một số chủ nợ tại Paris nhằm sắp xếp một thỏa thuận gia hạn thanh toán nợ. Các cuộc đàm phán sau đó của chính phủ Argentina đã giúp ngăn chặn một thảm họa kinh tế, đồng thời thuyết phục nước chủ nợ rằng - bằng cách hợp tác đa phương - họ có thể ngăn chặn nguy cơ "Sụp đổ kinh tế tại thế giới thứ 3" trong tương lai.

Bằng cách ngồi vào bàn đàm phán để đưa ra kế hoạch thanh toán ít nặng nề hơn, thông thường sẽ bao gồm điều khoản xóa một phần nợ, các quốc gia chủ nợ có thể đảm bảo rằng họ và những người khác sẽ được thanh toán tiền một cách kịp thời.

Đây cũng chính là nền tảng tư tưởng cho sự ra đời của Câu lạc bộ Paris, trong đó cứ 6 tuần 1 lần các chủ nợ sẽ gặp nhau tại Bộ Kinh tế, Tài chính và Công nghiệp Pháp. Những cuộc họp này được chủ trì bởi một quan chức cấp cao trong Bộ Ngân khố (truyền thống này vẫn được duy trì cho đến ngày nay) và có sự tham dự của những nhân vật nắm vai trò trọng yếu về tài chính từ 19 quốc gia giàu nhất thế giới. Chẳng hạn, các đại diện từ Mỹ thường là các quan chức từ Bộ Tài chính.

19 quốc gia thành viên thường trực của Câu lạc bộ Paris là: Mỹ, Anh, Australia, Áo, Bỉ, Canada, Đan Mạch, Phần Lan, Pháp, Đức, Ireland, Italia, Nhật Bản, Hà Lan, Na Uy, Nga, Tây Ban Nha, Thụy Điển, Thụy Sĩ.

Đằng sau cánh cửa đóng im ỉm của câu lạc bộ, những nhân vật quan trọng đó sẽ xem xét những yêu cầu tuyệt vọng hòng xin giảm nợ của các quốc gia, đặc biệt là những nước phải gánh nợ nợ lớn sau những xung đột quân sự hoặc chế độ độc tài bị lật đổ.

Thông thường, để có thể đưa được đề xuất xin giảm nợ, các nước nợ cần phải có sự đề cử của Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF), và buộc phải thực hiện các kế hoạch thắt lưng buộc bụng và cải cách kinh tế khác để được chấp nhận giảm nợ.

Câu lạc bộ Paris cũng coi gia hạn nợ và hủy bỏ nợ là những phương sách cuối cùng trước khi quốc gia nợ bị phá sản.

Ngoài cụm từ "nhóm không chính thức", câu lạc bộ Paris còn tự gọi mình bằng một cái tên khác là "câu lạc bộ phi tổ chức" do các quyết định của nó không bị ràng buộc pháp lý. Câu lạc bộ Paris cũng cung cấp khuôn khổ gia hạn, song mỗi thành viên đơn lẻ phải tự đàm phán song phương với con nợ về thời hạn gia hạn nợ. Ngoài ra, hệ thống cũng đòi hỏi các thành viên phải tuân thủ đúng nguyên tắc mà câu lạc bộ đề ra.

Nguồn Slate/Khampha


Sự kiện