Trong nhiều thập kỉ qua, không thể đếm hết số bài trình bày PowerPoint đã nêu và nhấn mạnh hai đặc điểm chính của châu Á.
Thứ nhất, châu Á là thị trường tiêu dùng tăng trưởng mạnh mẽ. Theo thống kê của Viện nghiên cứu Brooking, tầng lớp trung lưu châu Á chiếm khoảng 30% chi tiêu toàn cầu, so với tỉ lệ 20% của năm 2000. Tầng lớp trung lưu với mức thu nhập 10-100 USD mỗi ngày hiện đang là lực lượng có sức mua lớn tại thị trường này.
Thứ hai, châu Á được coi như công xưởng sản xuất của thế giới, chiếm 47% khối lượng sản xuất toàn cầu. Tuy nhiên các nhà nghiên cứu đang phải đương đầu với những câu hỏi hóc búa hơn về châu Á, mà trước tiên là vấn đề chi phí lao động tăng và dân số già, kì vọng của người tiêu dùng ngày càng cao và internet sẽ tác động thế nào đến hoạt động kinh doanh ở đây. Nguy cơ thù địch giữa các quốc gia trong khu vực cũng tăng lên càng khiến cho tình hình trở nên phức tạp. Trong bối cảnh đó, vấn đề rộng hơn được đặt ra, là các doanh nghiệp châu Á có nên toàn cầu hóa hay không và nếu có thì toàn cầu hóa ở mức độ nào (vấn đề sẽ được thảo luận ở báo cáo đặt biệt này).
Vấn đề chi phí nhân công cao bắt đầu nổi lên tại Trung Quốc. Vào năm 2010, hãng công nghệ Foxconn của Đài Loan đã chứng kiến nhiều vụ tự tử của công nhân làm việc cho hãng này tại Trung Quốc, nơi có hơn một triệu công nhân lắp ráp các sản phẩm điện tử, bao gồm nhiều sản phẩm của Apple. Trước tình hình đó, công ty đã quyết định tăng lương, mà theo chủ tịch công ty lý giải, là nhằm “bảo vệ chân giá trị cho người công nhân”. Kể từ đó, mức lương cao hơn đã trở thành một thực tế mà các doanh nghiệp buộc phải chấp nhận. Theo kế hoạch 5 năm Trung Quốc đang tiến hành, mức lương bình quân tối thiểu trên cả nước phải tăng tối thiểu 13% mỗi năm. Hệ quả tất yếu là các công việc lao động giản đơn, kĩ năng thấp và nặng nhọc sẽ dịch chuyển. Minh chứng rõ nhất cho điều này là hãng Li & Fung của Hồng Kông, sản xuất mỗi năm khoảng 16 tỉ USD quần áo và sản phẩm may mặc khác, chủ yếu cho các nhà bán lẻ Hoa Kì. Nhà cung cấp này đang sử dụng khoảng 10 triệu nhân công.
Theo William Fung, sự dịch chuyển việc làm từ Trung Quốc đã bắt đầu và sẽ còn tiếp tục tăng lên. Giá lao động tại Việt Nam rẻ hơn Trung Quốc 40% và 60% so với Bangladesh. Indonesia, Myanmar và châu Phi cũng sẽ là những quốc gia hưởng lợi. Còn đối với Ấn Độ, nơi vốn có lực lượng lao động trẻ dồi dào từ các vùng quê, song lại không thu hút nhà đầu tư trong khu vực, bởi tình trạng quan liêu và chính sách thiếu minh bạch.
Công việc cần lao động có kĩ năng như lắp ráp thiết bị điện tử, có thể sẽ dịch chuyển chậm hơn. Hãng Foxconn đang xem xét xây dựng nhà máy ở Indonesia, tuy nhiên các hãng khác lại tìm cách giảm chi phí lao động trên tổng chi phí bằng cách tăng cường tự động hóa sản xuất. Zhang Ruimin, chủ tịch của hãng Haier của Trung Quốc, một trong những nhà sản xuất thiết bị gia dụng lớn nhất toàn cầu cho biết, chi phí cho lao động địa phương của hãng đang chiếm 25% mức chi trả cho các nhà máy tại Mỹ, trong khi con số này trong năm 2000 chỉ là 5%. Hãng đã cắt giảm 19% nhân công từ đầu năm 2013 và kế hoạch tự động hóa toàn bộ các nhà máy tại Trung QUốc. Số lượng robot công nghiệp của Trung Quốc đã tăng gấp đôi kể từ năm 2010.
Các nhà sản xuất Nhật Bản, Đài Loan và Hàn Quốc cũng lưu tâm đến vấn đề chi phí lao động gia tăng sẽ khiến cho các doanh nghiệp Trung Quốc tiến tới phát triển các sản phẩm phức tạp hơn, do đó gia tăng được sức cạnh tranh. Hãng Samsung của Hàn Quốc đang chịu nhiều cạnh tranh từ Lenovo, Huawei và các hãng đến từ Trung Quốc khác. Tuy nhiên, hẳn là các doanh nghiệp này đều không quá lo lắng, bởi theo Fujio Mitarai, chủ tịch Canon Nhật Bản, “Sự thật là Trung Quốc sẽ có thể đuổi kịp chúng tôi, tuy nhiên đến lúc đấy thì chúng tôi chắc chắn đã tiến xa hơn họ trong các lĩnh vực kinh doanh khác rồi”.
Các doanh nghiệp và nhà đầu tư cũng khá lo lắng trước những thách thức đến từ tình trạng dân số già tại một số nước châu Á. Dân số tại Trung Quốc, Đài Loan, Hàn Quốc và Thái Lan đều đang già đi. Nhật Bản thì từ lâu vốn đã là một trong số các quốc gia có tỉ lệ dân số già cao nhất thế giới. Năm vừa rồi, lượng tã cho người cao tuổi bán ra thậm chí còn cao hơn cả tã cho trẻ em. Tuy nhiên, lĩnh vực chăm sóc sức khỏe chỉ chiếm 3,8% thị trường chứng khoán châu Á, và 1,3% nếu không tính Nhật Bản. Trong khi đó, tỉ lệ này ở các nước phát triển là 12%.
Kì vọng của người tiêu dùng tăng lên là một vấn đề khác mà châu Á cần phải giải quyết. Hàng không Hồng Kông đang tìm cách hạn chế lượng "bột trắng" hành khách có thể mang ra khỏi lãnh thổ. Bột trắng ở đây không phải là ma túy liều cao mà chính là sữa bột trẻ em. Các bậc phụ huynh Trung Quốc đang hết sực lo sợ về sữa bột nhiễm khuẩn trong nước, do đó phải tìm cách mua sản phẩm từ các nhà sản xuất nước ngoài.
Trung tâm vấn đề về sữa tại Trung Quốc đến từ hãng Mengniu, hãng sữa nội địa lớn nhất của nước này. Trong năm 2011, hãng này thừa nhận trong sản phẩm sữa của mình có chứa tạp chất, khiến cho cổ phiếu rớt giá trầm trọng. Sau khi tái cơ cấu ban lãnh đạo, hãng đã mua cổ phần tại các nhà cung cấp lớn của hãng để tăng khả năng kiểm soát chất lượng và củng cố quan hệ đối tác sản xuất với hãng Danish và Danone – tập đoàn Pháp đang sở hữu 10% cổ phần tại Mengniu. Hội đồng quản trị đã được tái cơ cấu và 500 triệu USD cổ phiếu được phát hành. Doanh thu và giá cổ phiếu của hãng đều dần phục hồi.
Chất lượng cẩu thả có thể gây nên những thiệt hại chi phí. Hơn 5 năm qua, hãng dược phẩm Ấn Độ Ranbaxy, được điều hành bởi Daiichi Sankyo Nhật Bản, đã bị cơ quan Quản lý Thực phẩm và Dược phẩm của Mỹ phát hiện vi phạm quy định sản xuất. Cổ phiếu của hãng cũng mất giá trầm trọng. Trong tháng 4, Daiichi tuyên bố bán cổ phần tại Ranbaxy cho hãng dược phẩm khác của Ấn Độ là Sun Pharma.
Yêu cầu về chất lượng và an toàn tăng cao vốn là một yếu tố song hành với sự phát triển kinh tế. Trong quá khứ, vì những lí do liên quan đến các lò mổ gia súc mất vệ sinh đã dẫn đến sự ra đời của một loạt các quy định tại Mỹ vào những năm đầu thế kỉ 20. Khi tầng lớp trung lưu tăng lên, các thương hiệu thực phẩm như Heinz, Birds Eye, đã thành công trong tạo dựng được niềm tin cho người tiêu dùng. Tại thị trường mới nổi như châu Á, việc nâng cao chất lượng sản phẩm cần được tiến hành nhanh chóng và hiệu quả hơn bao giờ hết. Vì tầng lớp trung lưu mới hiểu biết về các tiêu chuẩn toàn cầu, nhờ vào web và mạng xã hội, cho nên họ có khả năng mua được các sản phẩm của nhà sản xuất nước ngoài.
Câu hỏi về chất lượng
Đối với nhiều doanh nghiệp, vấn đề chất lượng vừa là cơ hội, vừa là nguy cơ. Mô hình kinh doanh dựa trên việc bán các sản phẩm giá rẻ của châu Á có thể sẽ không đứng vững. Trong năm 2009, hãng xe hơi Tata Motors của Ấn Độ tung ra sản phẩm xe giá rẻ Nano nhưng đã gặp thất bại thảm hại. Trong cùng kì, hãng xe hạng sang Range Rovers và Jaguars lại thu được lợi nhuận hơn 10 tỉ USD cũng từ khách hàng tại các thị trường mới nổi.
Các doanh nghiệp hàng đầu đã thành công trong thay đổi mô hình kinh doanh. Công ty bảo hiểm nhân thọ lớn của châu Á là AIA đã từ bỏ mục tiêu giành thị phần bằng mọi giá, chuyển sang tập trung vào các sản phẩm lợi nhuận cao. Hãng cũng đẩy mạnh việc đào tạo nhân viên bán hàng và cải thiện môi trường làm việc để nâng cao sự gắn bó với công ty và cải thiện dịch vụ khách hàng. Kết quả thu được rất khả quan, theo Mark Tucker - giám đốc điều hành AIA, giá trị của mô hình kinh doanh mới đã tăng gấp 3 lần trong giai đoạn 2009 – 2013.
Năng lượng xanh cũng cần có sự phát triển bùng nổ khi mà người tiêu dùng đang ngày một đòi hỏi môi trường sống trong lành hơn. Nhưng nguồn vốn ít ỏi, phụ thuộc vào trợ cấp Chính phủ và dễ bị đình trệ khiến cho ngành sản xuất này gặp nhiều rủi ro. Ngành sản xuất thiết bị năng lượng mặt trời của Trung Quốc đã có sự phát triển bứt phá. Tập đoàn CLP là một trong những nhà đầu tư nước ngoài lớn nhất trong lĩnh vực năng lượng tái tạo tại Ấn Độ và Trung Quốc. Doanh nghiệp này đã đầu tư khoảng nửa tỷ USD mỗi năm trong ngành năng lượng xanh tại hai quốc gia trên. Theo Giám đốc điều hành Richard Lancaster, để tránh ảnh hưởng đến chất lượng của dự án, Chính phủ cần nới lỏng những quy định ngặt nghèo của mình. Ví dụ như hỗ trợ cung cấp đất cho dự án để cải thiện khả năng phủ sóng của lưới điện, cho phép ngành năng lượng xanh tiếp cận với nguồn vốn đầu tư dễ dàng và thuận lợi hơn.
Các ngành sản xuất “mới” tại châu Á đang phát triển cùng với Internet, mà một phần nhờ vào Alibaba cung cấp nguồn đầu ra. Alibaba đã khuyến khích một số doanh nghiệp nhỏ của Trung Quốc khởi nghiệp và phát triển. Hơn nữa, internet tại châu Á đang phát triển theo hướng riêng, tách biệt với mô hình của phương Tây. Bán lẻ trực tuyến tại Trung Quốc còn vượt qua cả Hoa Kỳ năm vừa qua. Nhật và Hàn Quốc vốn đã chiếm vị trí thị trường bán lẻ trực tuyến lớn thứ ba và thứ sáu toàn cầu, theo đánh giá của hãng tư vấn McKinsey.
Các nước châu Á cũng có những người khổng lồ internet của riêng mình. Các công ty được niêm yết giá trị gần 300 triệu USD và có thể còn tăng lên 400 triệu USD với sự lớn mạnh của Alibaba. Nhật Bản có Rakuten, SoftBank. Hàn Quốc có Naver, vốn thay thế vai trò của Google tại quốc gia này. Thị trường trực tuyến, nơi người mua và người bán tương tác với nhau, là thị trường quan trọng tại châu Á, hiện chiếm 90% doanh thu bán lẻ trực tuyến tại Trung Quốc, so với con số 24% tại Mỹ. Các doanh nghiệp trực tuyến lớn của châu Á điều hành mà không cần trụ sở lớn. Tại Mỹ, 7/10 nhà bán lẻ trực tuyến lớn nhất là các hãng bán lẻ truyền thống như Walmart, Sears. Trong khi đó tại Nhật Bản, chỉ có 1/10 hãng thuộc Top đầu là hãng bán lẻ truyền thống. Ngược lại tại Ấn Độ, các hãng bán lẻ truyền thống lại không hề sử dụng thương mại điện tử. Trong thời gian tới, việc mua bán trực tuyến tại châu Á sẽ còn được tiến hành qua điện thoại di động.
Bắt đầu từ con số 0
Nhìn chung, các doanh nghiệp lớn sử dụng internet của châu Á có ít kết nối với các mô hình truyền thông hơn so với ở phương Tây, ngay cả tại thị trường đã phát triển như Nhật Bản. Điều này có nghĩa là các web đang đặt ra nhiều mối đe dọa cho các hãng kinh doanh truyền thống tại châu Á hơn là tại các nước phương Tây. Theo Hiroshi Mikitani, ông chủ của Rakuten, “Chúng tôi đang tiến hành những sáng tạo và tiến bộ lớn”. Ví dụ như, ông nghĩ rằng tiền giấy có thể sẽ không còn tồn tại. Một trong những nhà điều hành trung tâm thương mại lớn nhất châu Á nói rằng, doanh số bán hàng tại những địa điểm ít được ưa chuộng đã sụt giảm. Người đứng đầu một hãng lớn của Trung Quốc còn thú nhận rằng “Nếu chúng tôi phạm phải sai lầm vào thời điểm này, chúng tôi có thể sẽ sụp đổ, như Kodak vậy” – khi phải đối mặt với mối đe dọa tiềm tàng từ internet.
Các doanh nghiệp internet tại các quốc gia mới nổi ở châu Á đang tạo ra những phần hoàn toàn mới của nền kinh tế, hoặc đang thay thế dần những mảng còn chậm cải cách. Một trong những ngôi sao của Ấn Độ - Flipkart - đang xây dựng mạng lưới hoạt động logistics trong nước từ con số 0 – một nhiệm vụ mang tính lịch sử mà cho đến nay đã đạt được thành tựu nhất định. Bao Fan, người đứng đầu China Renaissance, một ngân hàng đầu tư làm việc với nhiều hãng công nghệ tại đại lục cho rằng, truyền hình Trung Quốc đang bị thế hệ trẻ phớt lờ, bởi họ đã có internet thay thế. Với một số ít cơ hội cho ngành giải trí truyền thống như sự kiện âm nhạc hay thể thao, thì cơ hội đó nằm ở chỗ giới trẻ Trung Quốc đang nghiện game online. Các hãng internet của Trung Quốc đã tung ra những sản phẩm được đầu tư kĩ lưỡng và nhanh chóng thu lợi khoảng 1% lượng tiền gửi trong hệ thống ngân hàng chỉ trong thời gian ngắn.
Có thể kết luận rằng các doanh nghiệp thuần túy hoạt động dựa vào internet sẽ sớm kiểm soát nền kinh tế, mạnh mẽ hơn so với doanh nghiệp tại các nước giàu có vốn phát triển từ kinh doanh offline truyền thống. Tuy nhiên vẫn còn một số vấn đề cần được nhấn mạnh ở đây. Đó là liệu rằng, Ấn Độ và Indonesia có thể tự mình phát triển những công ty lớn thuần internet hay không. Flipkart của Ấn Độ có giá trị vào khoảng 2 tỉ USD, tuy quy mô còn khiêm tốn so với các doanh nghiệp cùng lĩnh vực tại các nước châu Á khác, song cơ hội cũng rất hứa hẹn.
Một câu hỏi được đặt ra, đó là các công ty của châu Á trong tương lai có thể cạnh tranh ngang hàng với những người khổng lồ Mỹ hay không. Khi mà hiện nay Rakuten đã mua lại Viber, nền tảng ứng dụng tin nhắn toàn cầu, SoftBank đã mua lại một doanh nghiệp kinh doanh điện thoại di động của Mỹ và có thể phát triển thành nền tảng điện tử. Alibaba cũng không giấu diếm tham vọng toàn cầu của mình.
Từ tranh chấp chủ quyền đến thiệt hại kinh tế
Tô điểm cho tất cả những câu hỏi trên là mối quan tâm về tranh chấp lãnh thổ. Tranh chấp hàng hải giữa Nhật Bản và Trung Quốc là một yếu tố khiến các nhà đầu tư lo ngại. Cuộc chiến nóng giữa Trung Quốc và Nhật Bản, Trung Quốc với Ấn Độ vẫn là những vấn đề diễn ra lặp đi lặp lại. Đóng băng các mối quan hệ cấp quốc gia có thể gây ra những tác động nhất định. Ấn Độ nhập khẩu lượng lớn hàng hóa cơ bản từ Trung Quốc, nhưng các liên kết đầu tư lại yếu ớt. Ngược lại, các nhà sản xuất Nhật Bản lại có những chuỗi cung ứng hoạt động mạnh mẽ tại Trung Quốc, cũng như việc quốc gia này là thị trường tiêu thị một lượng lớn hàng hóa của các hãng sản xuất Nhật Bản. 1/10 khối lượng đầu tư trực tiếp nước ngoài của Nhật Bản là đầu tư vào Trung Quốc.
Sau một loạt các sự kiện diễn ra trong năm 2012, khi cả hai nước đều tuyên bố chủ quyền với quần đảo Senkaku hay Diaoyu, Trung Quốc đã tuyên bố tẩy chay hàng hóa của Nhật Bản. Trong tháng 12, tổng sản lượng xuất khẩu từ Nhật Bản sang Trung Quốc đại lục đã giảm 1/5 so với năm trước đó. Tình hình cho đến nay đã bớt căng thẳng, nhưng các công ty Nhật Bản vẫn đang âm thầm dè chừng trước những rủi ro có thể xảy đến. Trong năm 2013, chỉ có 7% lượng đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) của Nhật Bản chảy vào Trung Quốc, so với 13% trong năm 2010. Thay vào đó, dòng vốn của Nhật lại đổ vào các nước Đông Nam Á, chủ yếu là Thái Lan và Indonesia. Điều này xảy ra bởi các ngân hàng Nhật Bản đang phục hồi hoạt động. Thị phần trên thị trường cho vay xuyên quốc gia trên toàn cầu của Nhật Bản đã tăng lên 13%, so với con số 8% năm 2007.
Trung Quốc là đối tác thương mại lớn của hầu hết các nước châu Á, nhưng vẫn là "người lùn" trong lĩnh vực ngân hàng và tập đoàn trong khu vực. Những điều có thể thay đổi hiện thực đó chính là sự nổi lên của đồng nhân dân tệ như một đồng tiền của khu vực và của toàn cầu. Đồng tiền của Trung Quốc hiện đang được sử dụng để thanh toán 18% lưu lượng trao đổi thương mại Trung Quốc và là đồng tiền mạnh thứ 7 trên thế giới dùng trong thanh toán. Dù cho những con số này có thể phóng đại vai trò của nó, song chắc chắn, đồng nhân dân tệ sẽ còn tăng sức ảnh hưởng của mình trong tương lai.
Quá trình này có thể được đẩy nhanh bởi Mỹ đang thắt chặt các quy định liên quan tới thực hiện thanh toán của người nước ngoài qua hệ thống tài chính Mỹ, hoặc thậm chí qua ngân hàng nước ngoài với các doanh nghiệp Mỹ. Để tránh tình trạng quan liêu, các công ty châu Á và các ngân hàng có thể tìm cách tránh giao dịch bằng đồng USD. “Đồng Nhân dân tệ có thể sẽ được sử dụng mạnh mẽ trong hoạt động thanh toán tại châu Á, Trung Đông, châu Phi và đông Âu”, Stuart Gulliever, giám đốc điều hành của ngân hàng HSBC nhận định. Nếu Trung Quốc muốn các nước láng giềng sử dụng đồng tiền của mình, nước này sẽ phải nỗ lực cải thiện mối quan hệ ngoại giao. Mối quan hệ căng thẳng với Mỹ là một trong những lý do vì sao Trung Quốc lo lắng về việc lượng lớn dự trữ ngoại hối của nước này bị trói chặt trong những trái phiếu của Chính phủ Mỹ.
Nguồn GAFIN/Theo DVO/The Economist