Chủ Nhật | 17/03/2013 08:46

Câu chuyện về sắc màu kinh tế Mỹ

Ngay cả những người anh hùng cũng phải chịu nhún nhường bởi tính bất định của nền kinh tế, trong một thế giới không tuân theo những lời giải thích.
Những nhà kinh tế học giỏi là những người kể chuyện tuyệt vời. Họ kể câu chuyện của mình với những đồ thị nguệch ngoạc và biểu đồ chật chội. Như một cuốn tiểu thuyết, một dự báo kinh tế tốt cũng có những tình tiết và nhân vật để cuối cùng, giúp bạn có thêm chút cảm thức tốt đẹp hơn về thế giới. Trừ phi câu chuyện đó viết về những điều tồi tệ. Hãy bắt đầu bằng…

Mảng màu của sự lạc quan

Trước tiên cùng tìm hiểu xem câu chuyện được kể nhiều nhất là gì? Nhớ lại điều mà các nhà dự báo kinh tế đã nói với bạn suốt những năm gần đây, rằng nền kinh tế Mỹ chỉ đang không gặp may, rồi sẽ đến lúc hồi phục tỉ lệ tăng trưởng cao, tạo ra nhiều việc làm và lấy lại những gì đã mất trong thời kì Đại suy thoái.

Thế nhưng, đúng lúc đó những sự kiện xảy ra bên ngoài nước Mỹ lại làm hỏng câu chuyện, đó là khi khủng hoảng đồng euro nổ ra, rồi cơn sóng thần ở Nhật Bản làm hỗn loạn chuỗi cung ứng toàn cầu. Gần đây nhất, các biện pháp tăng thuế và cắt giảm mạnh chi tiêu ngân sách là thủ phạm đẩy nền kinh tế Mỹ đối mặt với “bờ vực tài khóa”.

Tất cả những điều đó khiến cho nền kinh tế Mỹ gặp vận đen, như một quả bóng trong tay cầu thủ ném bóng trong môn bóng chày, bị kìm hãm bởi chấn thương cánh tay quái gở, không bao giờ chạm đến đỉnh cao nhất của năng lực mà anh ta có.

Giờ thì bỏ lại sau lưng câu chuyện về vận đen đó. Sẽ ra sao nếu như nền kinh tế không phải là không may mắn? Nếu như về cơ bản nó đang làm những gì chúng ta nên mong đợi? Nếu như điều gì đó đã thay đổi, là vì hậu quả của suy thoái kinh tế, hoặc một chuỗi những sự lựa chọn chính sách kém, hoặc thậm chí… cả hai, và tăng trưởng đang chuyển sang “số chậm”? Nếu như sự phát triển chậm chạp và mong manh này tốt trong chừng mực có thể?

Đây là một câu chuyện mà các nhà kinh tế thuộc trường phái tư tưởng khác đã bắt đầu khám phá. Nếu nó đúng, chắc chắn sẽ gây tác động lớn đối với các chính sách kinh tế.

Trước tiên, hãy nhìn lại một số thực tế. Nền kinh tế Mỹ tăng trưởng 2,2% trong năm ngoái, 1,8% năm 2011 và 2,4% trong năm 2010. Tốc độ tăng trưởng như vậy không đủ để làm giảm tỷ lệ thất nghiệp một cách nhanh chóng, đó là lý do tại sao ba năm rưỡi sau khi cuộc suy thoái đi qua, 12 triệu người Mỹ vẫn đang vất vả tìm kiếm việc làm.

Tăng trưởng cũng thấp hơn so với kì vọng của các dự báo. Vào cuối năm 2009, các nhà kinh tế của Fed dự đoán ​​nền kinh tế sẽ tăng trưởng từ 2,5% đến 3,5% trong năm 2010. Năm 2011, họ cho biết tăng trưởng sẽ đạt 3,4 đến 4,5%, trong năm 2012 là 3,5 đến 4,8%.

Mỗi năm, tốc độ tăng trưởng thực tế còn thấp hơn. Sai lầm không chỉ mình đội ngũ của Chủ tịch Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) Ben Bernanke mắc phải, mà tương tự, các nhà kinh tế của Văn phòng Ngân sách Quốc hội (CBO) và một lớn bộ phận lớn nghiên cứu tại phố Wall cũng đã tỏ ra lạc quan một cách thái quá.

Các dự báo trên đều sai lầm vì câu chuyện của chúng ta đã bắt đầu những ngã rẽ.
Dưới đây là lời giải thích của David Altig, phó chủ tịch điều hành và giám đốc nghiên cứu tại Ngân hàng dự trữ Liên bang Atlanta. Altig cho rằng nền kinh tế đã phát triển nhanh hơn nếu một loạt các vấn đề bất ngờ không xảy ra, đáng chú ý nhất là cuộc khủng hoảng tài chính châu Âu và tình hình tài chính thường xuyên bị đe dọa bên bờ vực ở Washington.

“Đây vẫn là câu chuyện của những cú sốc bất lợi” và của tăng trưởng cuối cùng cũng sẽ phục hồi để bù lại những gì đã mất, Altig nói thêm: “Chúng ta đang duy trì hy vọng tồn tại bằng những dự báo”.

Mảng màu của nỗi phiền muộn

Tồn tại bên kia của niềm lạc quan là “nỗi phiền muộn mới”.

Để biết bên kia của niềm lạc quan là gì, hãy gặp gỡ Kevin Warsh, cựu thành viên Ban thống đốc của Fed và cố vấn kinh tế cho Tổng thống George Bush. Warsh hiện nay đang thỉnh giảng tại Viện Hoover của Đại học Stanford, nơi ông đã phát triển một lý thuyết bi quan về nền kinh tế. Ông gọi đó là "nỗi phiền muộn mới."

Câu chuyện của Warsh diễn ra như sau. Các nhà hoạch định chính sách của Mỹ đã cố gắng trong nhiều năm thêm dầu vào ngọn lửa của sự tăng trưởng hy vọng việc làm bùng lên một ngọn lửa lớn. Họ đã ném vào đó 800 tỷ USD từ cắt giảm thuế và tăng chi tiêu trong dự luật kích thích kinh tế năm 2009, cũng như các biện pháp bất thường Fed đã thực hiện trong một nỗ lực để thúc đẩy việc làm: giữ lãi suất ngắn hạn gần bằng 0 trong nhiều năm và mua một số lượng chưa từng có các chứng khoán dài hạn như trái phiếu kho bạc để đẩy lãi suất dài hạn xuống thấp. Câu chuyện của Warsh cho rằng những nỗ lực đó không hề hiệu quả, mà chỉ làm cho vấn đề tồi tệ hơn, họ làm nản các triển vọng tăng trưởng của nền kinh tế dài hạn.

“Tư duy thông thường cho rằng nền kinh tế Mỹ đã chịu nhiều tác động do vận đen đến vào thời điểm này, quan điểm của tôi thì đơn giản hơn. Những rạn nứt này xảy ra khi nền kinh tế toàn cầu đang suy yếu và hoạt động kém hiệu quả và thị trường tài chính chịu ảnh hưởng nặng nề của các chính sách và quyết định của chính phủ. Điều đó nuôi dưỡng thêm cho vận đen đeo đẳng” (Kevin Warsh).

Lý do khiến nền kinh tế hoạt động kém hiệu quả, Warsh cho rằng, chính là việc các nhà xây dựng chính sách không thích ứng được với tình hình khủng hoảng tài chính. Họ tập trung vào kích thích tăng trưởng ngắn hạn mà quên đi cái được gọi là đầu tư cơ sở hạ tầng kinh tế cơ bản. Họ không mở ra những thị trường mới cho thương mại quốc tế nhằm mở rộng xuất khẩu, và họ cũng không hợp lí hóa thuế khóa để xúc tiến đầu tư.
Trong khi đó, các nhà lập pháp lại thêm vào những điều chỉnh, quy tắc cho hệ thống tài chính, củng cố thêm cho sự độc quyền trong lĩnh vực ngân hàng, gây hạn chế dòng tín dụng chảy vào các doanh nghiệp nhỏ và các nhà khởi nghiệp. Chính sách nới lỏng tiền tệ của Fed làm giàu cho lợi ích nhóm của tầng lớp thượng lưu, nhưng không một chút dù chỉ là “nhỏ giọt” – xuống những người dân Mỹ có thu nhập trung bình.

Tăng trưởng chậm là hệ quả của những chính sách này. Nhưng điều đáng lo sợ hơn là sự sa sút khả năng phát triển của nền kinh tế khi hiện tượng tăng trưởng chậm kéo dài. Những người thất nghiệp trong thời gian dài sẽ mất đi kĩ năng của mình, điều đó càng khiến họ khó khăn để tìm được một việc làm. Các nhà đầu tư thì mất đi niềm tin vào khả năng phát triển của nền kinh tế và không còn ý định đầu tư. Do vậy, “chúng ra đang trong thời kì phiền muộn mới, trong đó người làm công và các công ty hạ thấp dần kỳ vọng vào những gì kinh tế Mỹ có thể làm được” (Kevin Warsh).

Tình huống đó xảy ra như thể cầu thủ giao bóng của chúng ta đã trải qua ca phẫu thuật cánh tay và thay vì ném bóng với tốc độ 95 dặm/giờ, anh ta mắc kẹt ở 85 dặm/giờ. Warsh nói chính sách tập trung chạy đường dài là cách duy nhất mang tốc độ ban đầu trở lại. Cầu thủ ném bóng kia cần ca phẫu thuật thứ hai chăng?

Warsh thừa nhận rằng, không có nhiều dữ liệu để minh chứng cho tình huống ông đưa ra. Các nhà nghiên cứu đã tìm ra một vài nhưng không nhiều các bằng chứng của việc xói mòn kĩ năng lao động tác động đến tỉ lệ thất nghiệp. Các nhà kinh tế mới chỉ bắt đầu tính toán tác động của suy giảm niềm tin vào tăng trưởng. Về vấn đề này, Warsh thích thú trích dẫn một trong những người thầy của ông, nhà kinh tế thị trường tự do vĩ đại Milton Freidman: “Milton từng nói, mọi điều chúng ta biết về nền kinh tế đã được dạy trong bộ môn Kinh tế học 1 và mọi điều khác chỉ là tô điểm thêm mà thôi”.

Bạn có thể kể một phiên bản khác câu chuyện của Warsh qua những mô hình của một nhà kinh tế nổi tiếng khác-John Maynard Keynes. Câu chuyện đó, giống như của Warsh, cho rằng vấn đề là ở chỗ người ta đã làm không đủ. Tình trạng suy thoái đã quá trầm trọng, tác động của khủng hoảng tài chính quá khốc liệt, đến mức nền kinh tế cần một liều thuốc có sức công phá mạnh cho tài chính và kích thích tiền tệ để lấy lại vị trí đã mất và trở lại với xu hướng tăng trưởng lịch sử.

Do những chính sách kích thích hỗ trợ không đủ lớn, nền kinh tế không thể tăng trưởng nhanh như nó có thể, câu chuyện của trường phái Keynes bắt đầu. Janet Yellen, phó chủ tịch của Fed, góp tiếng nói bằng câu chuyện của mình trong bài diễn văn hồi tháng 2. Bà cho rằng: sau khi kích thích nền kinh tế hồi đầu năm sau cuộc suy thoái, chính sách tài chính “hiện đang đóng vai trò hạn chế sự hồi phục”. Chính quyền cấp trung ương và địa phương cắt giảm chi tiêu, kết hợp tăng thuế trong giai đoạn này để giải quyết tình trạng thâm hụt nguồn thu. Ở cấp độ liên bang, các nhà hoạch định chính sách đã hạn chế mua sắm hàng hóa và dịch vụ, trợ cấp kích thích (liên quan đến chi tiêu) để đẩy mạnh chính sách giảm thâm hụt.”

Kết quả của những chính sách trên, theo đánh giá của bà Yellen, đó là tăng trưởng đã thấp hơn mức có thể, giá như những gói kích thích đã có thể mang tính kích thích hơn nữa. Mối nguy hiểm trong dài hạn cũng tương tự với những gì Warsh dự báo: người lao động và các công ty hạ thấp kì vọng vào tăng trưởng.

Cả hai câu chuyện của Warsh và trường phái Keynes đều dẫn kết luận tỉ lệ tăng trưởng thấp. Không ai kì vọng Quốc hội và Tổng thống Obama sớm thông qua các gói kích thích tài chính. Những thay đổi được Warsh ủng hộ - bao gồm những hiệp ước thương mại mới, cải cách đơn giản hóa luật thuế khóa và một dự luật mở cửa cho làn sóng người nhập cư - không tỏ ra là có thể thực hiện.

Và nếu tỉ lệ tăng trưởng thấp kéo dài thực sự làm cho hàng triệu người làm công có khả năng thất nghiệp và dần mất đi các kĩ năng thì các nhà hoạch định chính sách nên lo lắng nhiều hơn về việc hoạch định các chương trình đào tạo kĩ năng mới, tốt hơn nhiều những gì đang có.

Giữa hai mảng màu ấy…

Nằm đâu đó giữa lạc quan và phiền muộn, là nơi câu chuyện thứ ba được tìm thấy. Có nhiều thứ đã thay đổi trong nền kinh tế, tỉ lệ tăng trưởng đã rớt xuống một chút, nhưng không đủ để phủ một bóng mây u ám lên tất cả những hy vọng về một sự phục hồi sẽ sớm xảy ra. Có hai tư tưởng trung tâm trong câu chuyện này.

Thứ nhất, suy thoái không phải chỉ đào một cái hố lớn cho nền kinh tế phải thoát ra, nó cũng đi kèm với cái thang. Đây là lý thuyết cơ bản của 2 nhà kinh tế Carmen Reinhart và Kenneth Rogoff trong cuốn sách “This Time is Different”: khủng hoảng tài chính làm suy yếu hệ thống tài chính, làm chậm lại tốc độ tăng trưởng nhiều năm, cho đến khi hệ thống phục hồi.

Thứ hai, sự mọc lên quá nhanh của các toà nhà vào giữa những năm 2000 cho người ta suy nghĩ rằng nền kinh tế có trần tăng trưởng cao hơn mức nó hiện có. Bong bóng bất động sản đối với nền kinh tế trong giai đoạn này, giống như hoóc-môn steroids đối với vận động viên ném bóng. “Nếu bạn tin rằng chúng ta đang ở trong bong bóng bất động sản, và rằng sự xây dựng này đang diễn ra nhanh quá mức so với cái chúng ta nên có, thì quan điểm cho rằng chúng ta đang ở trên mức tiềm năng không phải xa vời”, Micheal T.Owyang - nhà kinh tế học tại Ngân hàng dự trữ Liên bang St.Louis.

Điều đó phù hợp với phát hiện trong nghiên cứu mới đây của hai nhà kinh tế tại Ngân hàng dự trữ Liên bang Cleverland, Margaret Jacobson và Filippo Occhino. Họ cho rằng sự sụt giảm đầu tư là lí do lớn tiềm năng của nền kinh tế có vẻ đang đi xuống, “đó là dư chấn của việc xây dựng quá mức nhà để ở và không để ở trước khủng hoảng”.

Vẫn còn nhiều nhà kinh tế học, ngay cả những người kể câu chuyện về vận đen của nền kinh tế (những người lạc quan nhất) cũng đồng ý rằng vài điều đã thay đổi trong nền kinh tế sau khi phục hồi và cầu thủ ném bóng của chúng ta, dù đã được phẫu thuật thành công, có vẻ như đã mất đi một phần tốc độ giao bóng của mình, vĩnh viễn.

Cách dễ dàng nhất để nhìn ra là thông qua giá cả. Nếu như vẫn còn một “khoảng trống” lớn của cầu trong nền kinh tế, Altig của Fed Atlanta nói, người ta sẽ thấy giá cả sụt giảm rất nhiều. Giá cả không tăng quá nhanh, dù cho chính sách tiền tệ được nới lỏng. Vì thực tế là khoảng trống cầu - tiềm năng chưa khai thác của nền kinh tế - không lớn như các nhà dự báo từng nghĩ.

Điều này đã làm nảy ra vài điều thú vị và nó cũng sinh ra câu chuyện mới mà bạn từng nghe từ các nhà kinh tế: có nhiều điều chúng ta không biết về nền kinh tế. Tất cả những kiểu thay đổi đang phá vỡ những mô hình dự báo truyền thống. Những người thuộc thế hệ Baby boomers (những người sinh ra trong những năm 1946-1964) đang rời thị trường lao động; công nghệ mới đang thay đổi cách chúng ta nghĩ về công việc. Một câu chuyện lớn của vài năm tới sẽ là bao nhiêu trong số những dự đoán này về nền kinh tế sẽ thay đổi.

Nếu dự báo nhầm lẫn là khó tránh khỏi, càng khó hơn vì những điều ta chưa biết về nền kinh tế, vì những điều không thể lường trước (cú sốc bất ngờ), thì cần đối mặt với sự nhầm lẫn đó thế nào? Altig có câu trả lời của riêng mình: “Khi bạn dự báo nhầm lẫn một cách thường xuyên, dễ dàng khiến chúng ta nghĩ rằng cần xem xét lại mọi thứ mình đã biết.”

Nhưng ông nói thêm, “bạn có thể nhầm lẫn trong suốt một khoảng thời gian dài và vẫn giữ ý nghĩ cơ bản về câu chuyện của nền kinh tế. Không hẳn bạn phải vứt bỏ đi cách bạn nghĩ về những vấn đề này, bạn chỉ phải giữ sự nhún nhường mà bạn thường có... Ngay cả những người anh hùng cũng phải chịu nhún nhường bởi tính bất định (của nền kinh tế), trong một thế giới không tuân theo những lời giải thích.”

Nguồn Khampha


Sự kiện