Thứ Hai | 10/06/2013 14:37

Câu chuyện tỷ phú Thái Lan và rủi ro tín dụng châu Á

Ngày càng nhiều doanh nghiệp ở Thái Lan và châu Á sẵn sàng vay hàng núi tiền để thực hiện các thương vụ mua lại, bất chấp rủi ro nợ tăng cao.
Năm 2012, có 2 tỷ phú Thái Lan chấp nhận chi tới 27 tỷ USD để thực hiện các thương vụ mua lại, chủ yếu ở nước ngoài. Số tiền này cũng nhiều hơn tổng chi tiêu ở nước ngoài trong 3 năm của tất cả các doanh nghiệp Thái Lan.

2 ông trùm này, một là tỷ phú gốc Hoa và người còn lại từng bị coi là "kỳ đà cản mũi" thương vụ Heineiken thâu tóm hãng bia Tiger trong năm qua, không ai khác chính là Dhanin Chearavanont 74 tuổi và Charoen Sirivadhanabhakdi 69 tuổi. Cả 2 hiện đang là những tỷ phú giàu nhất nhì Thái Lan.

Chính vì vậy, sẽ không ngoa khi nói Dhanin và Charoen chính là hiện thân của thị trường Thái Lan và xa hơn nữa là thị trường tín dụng "bong bóng" của châu Á.

Một số nhà phân tích khác thì cho rằng bản thân cả 2 tỷ phú Thái Lan cũng chính là hiện thân của những rủi ro tài chính đang dần hình thành ở Thái Lan và đâu đó ở châu Á, đặc biệt trong bối cảnh ngày càng nhiều dấu hiệu cho thấy sự chậm lại của kinh tế khu vực và thị trường cho vay thắt chặt.

Nhà phân tích tại Standard Chartered, ông Nirgunan Tiruchelvam, nhận định để các thương vụ thâu tóm có lời, tăng trưởng tiêu dùng châu Á cũng phải tương ứng tăng trưởng mạnh mẽ.

Chính vì vậy, hiện tại cả Dhanin và Charoen vẫn đều đặn thực hiện các thương vụ mua lại mà không vấp phải bất cứ rắc rối nào, song có không ít lời cảnh báo về mức giá thâu tóm quá cao cùng rủi ro nợ được đưa ra. Theo các nhà phân tích, các khoản vay của 2 ông trùm kinh doanh này có mối liên hệ khá chặt chẽ với thị trường bất động sản và chứng khoán Bangkok. Cả 2 thị trường này có thể lao dốc khi lãi suất cho vay tăng lên hoặc vấp phải những rủi ro khác như khủng hoảng tín dụng hay suy thoái kinh tế.

Khi nhắc tới cuộc khủng hoảng tài chính năm 1997, một cựu giám đốc ngân hàng đầu tư châu Á nhận định: "Thú thực, tôi có đôi chút lo ngại về tình trạng nợ ở Thái Lan. Tôi đã ở châu Á đủ lâu để ghi nhớ Thái Lan đã sai lầm như thế nào trong cuộc khủng hoảng tài chính 1997. Các khoản vay hiện tại khá rẻ với lãi suất thấp. Nhưng sẽ ra sao nếu mọi thứ tốt đẹp đó chấm dứt?"

Tháng 4 vừa qua, công ty bán lẻ CP ALL - một công ty con thuộc tập đoàn CP Group của tỷ phú Thái Lan Dhanin - đã ký hợp đồng mua lại Siam Makr với giá 6,6 tỷ USD. Số tiền này cao gấp 50 lần so với tỷ lệ giá/lợi nhuận mỗi cổ phiếu (P/E) của Siam Makro. Để có được số tiền không lồ cho thương vụ này, Dhanin chủ yếu phải vay mượn từ các ngân hàng. Tuy nhiên, với phương châm "đắt hôm nay, rẻ ngày mai", tỷ phú Dhanin không ngần ngại đi vay một số tiền lớn để thực hiện thương vụ. "Siam Makro là một tài sản tốt", ông nói.

Trong khi đó, công ty Thai Beverage của tỷ phú Charoen cũng chi tới 11 tỷ USD hồi tháng 1 năm nay để mua lại công ty đồ uống Fraser & Neave của Singapore. Số tiền này cũng cao gấp 4 lần so với tỷ lệ nợ trên doanh thu lõi - một chỉ báo quan trọng cho thấy khả năng thanh toán nợ của doanh nghiệp - của Thai Beverage.

Bản thân các công ty xếp hạng như Standard & Poor's cũng tỏ ra vô cùng lo lắng khi chứng kiến thương vụ mua lại của Thai Beverage. Standard & Poor's cho rằng các khoản nợ ngân hàng ngắn hạn của Cheroen sẽ làm tăng gánh nặng nợ cho công ty.

Thông thường ở châu Á, các doanh nghiệp thường sử dụng các khoản vay nóng cho các thương vụ mua bán và sáp nhập (M&A), sau đó sẽ thay thế chúng bằng những khoản vay tài chính lớn hơn và dài hạn hơn. Tuy nhiên, giám đốc Jean Xavier của Standard & Poor's cho rằng: "Khi một doanh nghiệp đang hoạt động với đòn bẩy tài chính thấp trong một thời gian dài, rồi đột nhiên số nợ tăng vọt, thì làm sao họ có thể quản lý được rủi ro?"

Việc Dhanin và Charoen vay hàng núi tiền để thực hiện các thương vụ M&A chính là một ví dụ nổi bật cho châu Á - nơi đang trong tình trạng dư thừa thanh khoản, một phần do các ngân hàng trung ương phương Tây liên tục bơm tiền kích thích kinh tế và một lượng lớn được đổ và các thị trường ở châu Âu, ông Xavier nhận định.

Nguồn Reuters/Dân Việt


Sự kiện