Thứ Năm | 19/12/2013 12:41

Cắt giảm QE3: Quyết định đúng thời điểm

Dù sớm hay muộn, chương trình QE3 cũng sẽ được cắt giảm nhưng điều quan trọng là vì sao Fed lại chọn thời điểm này?
Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) đã đưa ra một quyết định gây bất ngờ cho phần lớn chuyên gia kinh tế tham gia khảo sát của Reuters. Trong khi hầu hết đều không kỳ vọng quyết định cắt giảm sẽ được đưa ra trước tháng 1 hoặc tháng 3 năm sau thì ngay trong tháng 12 này, Fed đã quyết định giảm 10 tỷ USD trong gói 85 tỷ USD mua trái phiếu chính phủ và tài sản thế chấp hàng tháng.

Câu hỏi đặt ra ngay sau quyết định trên đó là, có những lý do nào khiến cho Fed hành động như vậy vào thời điểm này? Trên thực tế, cơ quan điều hành chính sách tiền tệ của Mỹ có 3 lý do chính để đi đến một quyết định như vậy.

Thứ nhất, lý do quan trọng nhất về tính thời điểm đến từ bối cảnh ngân sách của chính phủ Mỹ đã được cải thiện rõ rệt. Nước Mỹ đã thoát khỏi tình trạng đóng cửa chính phủ hồi tháng 10 với lo sợ kịch bản tương tự tiếp tục lặp lại khi thỏa thuận tạm thời đạt được chỉ trong ngắn hạn. Tuy nhiên, trong cùng ngày 19/12 song song với quyết định trong chính sách tiền tệ, tài khóa của chính phủ Mỹ cũng đạt được bước tiến quan trọng. Với tỷ lệ 64 phiếu thuận và 36 phiếu chống, lưỡng đảng Dân chủ và Cộng hòa tại Thượng viện Mỹ đã chính thức thông qua thỏa thuận ngân sách cho hai năm tài khóa 2014 và 2015 (có hiệu lực đến ngày 30/9/2015), sau khi dự luật trên được Hạ viện thông qua đúng 1 tuần trước đó. Với mức chi tiêu xấp xỉ 1000 tỷ USD/năm cho hai năm tài khóa tới, ước tính thâm hụt ngân sách của chính phủ Mỹ còn có thể giảm 85 tỷ USD trong vòng 10 năm tới.

Mặc dù Fed là cơ quan điều hành chính sách tiền tệ chứ không phải chính sách tài khóa, nhưng bài toán chi tiêu của chính phủ Mỹ lại chính là yếu tố chi phối quyết định đến động thái của Fed trong những tháng cuối năm. Trước đó, vào tháng 10 trong khi kinh tế Mỹ đã phục hồi tương đối vững chắc, Fed đã quyết định tiếp tục giữ nguyên gói QE3 như một tính toán cho toàn cục của nền kinh tế Mỹ sau 16 ngày đóng cửa chính phủ, hơn là một quyết định đơn thuần về mặt tiền tệ.

Do vậy có thể nói, Fed đã hành động hợp lý về mặt thời điểm, để đồng thuận cùng thỏa thuận tài khóa mới được thông qua.

Lý do thứ hai giải thích cho quyết định của Fed là sự cải thiện rõ rệt trên thị trường lao động. Trong thông cáo báo chí phát đi hôm nay, Fed chỉ rõ một trong những nguyên nhân cắt giảm QE là nhờ "những tiến bộ về việc làm và điều kiện lao động". Quả thật, những tín hiệu cải thiện đã bộc lộ rõ ràng với tỷ lệ tham gia thị trường lao động tăng 0,2 điểm phần trăm trong tháng 11, tỷ lệ thất nghiệp đã giảm xuống 7%, mức thấp nhất kể từ 5 năm qua.

Lý do thứ ba thuộc về tâm lý trên thị trường. Trong mùa hè vừa qua, các nhà đầu tư đã có lần hoảng sợ sau tuyên bố hồi tháng 5 của Chủ tịch Fed, ông Ben Bernanke rằng Fed có thể tính toán cắt giảm QE3. Tuy nhiên tâm lý trên đã thay đổi khi nhà đầu tư muốn Fed cắt giảm QE3 trong phiên họp tháng 12 này. Tâm lý được kiểm chứng khi chứng khoán Mỹ đã có phiên tăng cao kỷ lục sau khi quyết định trên được đưa ra. Tuy nhiên, không phải các chỉ số đều mang sắc xanh và Fed không hẳn đã hoàn toàn yên tâm về nền kinh tế Mỹ. Nhất là khi mục tiêu lạm phát 2% vẫn chưa đạt được vì tỷ lệ lạm phát trong tháng 10 chỉ tăng 0,7% và đặc biệt không có sự tăng giá trong lĩnh vực tiêu dùng - nơi chiếm đến 2/3 quy mô tổng sản phẩm quốc nội của nền kinh tế Mỹ.
FED

Lo lắng về lạm phát cũng được thể hiện trong dự báo kinh tế mới được Fed công bố cùng ngày. So với các dự báo đưa ra hồi tháng 6 và tháng 9, tỷ lệ lạm phát theo chỉ số chi tiêu dùng cá nhân (PCE) tiếp tục giảm xuống còn 1,4%-1,6% trong năm 2014 và phải đến năm 2015, chỉ số này mới có thể nhích lên 1,5%-2%. Bên cạnh đó, tăng trưởng GDP (thực) và thất nghiệp đều được dự báo lạc quan hơn so với các tháng trước đó.

Do vậy, các thành viên FOMC đều nhắc lại quan điểm Fed sẽ chưa nâng lãi suất cho đến năm 2015, bên cạnh chương trình kích thích kinh tế bằng nới lỏng định lượng QE3 sẽ vẫn tiếp tục với quy mô nhỏ hơn 75 tỷ USD/tháng. Những hỗ trợ sẽ tiếp tục cho đến khi tỷ lệ thất nghiệp giảm xuống 6,5% và lạm phát lên mức 2%.

Từ lâu kinh tế thế giới thường chứng kiến sự thành công của mô hình ngân hàng trung ương độc lập chính phủ. Tuy nhiên, thực tiễn nhận thấy nhược điểm lớn nhất của mô hình trên là sự xung đột chính sách giữa tài khóa và tiền tệ. Fed - mô hình ngân hàng trung ương độc lập tiêu biểu nhất trên thế giới đã chứng minh nhược điểm trên hoàn toàn có thể khắc phục. Từ sự kiện chính phủ đóng cửa hồi tháng 10 đến nay, có thể thấy Fed không chỉ làm nhiệm vụ đơn thuần của chính sách tiền tệ, mà còn có sự phối hợp chặt chẽ với những thay đổi trong chính sách tài khóa của chính phủ. Chưa thể đánh giá ngay về tính đúng đắn của quyết định này đến nền kinh tế Mỹ hay kinh tế thế giới, nhưng có thể khẳng định rằng, ít nhất trong phiên họp cuối cùng dưới cương vị chủ tịch Fed, ông Ben Bernanke và các thành viên Ủy ban Thị trường mở đã đưa ra một quyết định hợp lý về tính thời điểm.

Nguồn CNBC, Reuters/Dân Việt


Sự kiện