Cao su mất giá, Thái Lan đối mặt với biểu tình lớn nhất kể từ đảo chính
Cuộc biểu tình được cho là sẽ làm gián đoạn hoạt động sản xuất tại các nhà máy cao su ở miền Nam Thái Lan. Cuộc biểu tình sẽ lan rộng tới thủ đô Bangkok khi những người biểu tình muốn gửi lá thư đề nghị lên Bộ trưởng nông nghiệp nước này.
Những cuộc biểu tình kiểu này sẽ vi phạm thiết quân luật mà chính quyền Thái Lan đưa ra kể từ khi đảo chính thành công hồi tháng 5 vừa qua.
Tuy nhiên, một nông dân cho biết: “Hiện giờ chúng tôi chẳng sợ luật nào hết, chúng tôi đã chịu đựng quá lâu mà không được giúp đỡ”. Người này cũng nói thêm, cuộc biểu tình sẽ nhằm vào các nhà máy, nhưng sẽ không chặn các tuyến đường.
Giá cao su trên thị trường thế giới tiếp tục xu hướng giảm mạnh. Hôm 10/9 vừa qua, giá cao su trên sàn Tokyo thậm chí xuống thấp nhất kể từ năm 2009 do lo ngại dư cung trong bối cảnh nhu cầu yếu, đặc biệt là nhu cầu từ Trung Quốc.
Trước tình hình này, hồi tuần trước, Thủ tướng Prayuth từ chối đưa ra giải pháp trợ giá cho nông dân. Một ngày sau khi lên nắm quyền vào ngày 22/5, ông cam kết sẽ trả cho 800.000 nông dân khoản nợ khoảng 92 tỷ baht theo chương trình từ thời chính quyền cũ. Kể từ đó đến nay, ông từ chối đưa thêm hỗ trợ, bác đề xuất bảo lãnh giá cao su ở mức 100 baht/kg.
Phát biểu chính sách hôm 15/9, ông Prayuth nói: “Liệu chúng ta có thể bán cho ai trên Trái đất lúc này. Chúng ta đang dư cung trong khi các đồn điền vẫn không ngừng mở rộng. Chúng ta chỉ có thể bán trên Sao Hỏa”.
Giá cao su xuất khẩu của Thái Lan giảm 39% kể từ đầu năm xuống còn 51 baht/kg, thấp nhất kể từ tháng 12/2008. Giảm 3 năm liên tiếp, hiện giá cao su thấp hơn 74% so với mức kỷ lục năm 2011. Thái Lan là nước sản xuất và xuất khẩu cao su lớn nhất thế giới, chiếm khoảng 34% sản lượng toàn cầu.