Ảnh: Asia.nikkei.com

 
Kim Ngân Thứ Hai | 07/10/2019 16:15

Cạnh tranh với Việt Nam, Brazil tăng sản lượng cà phê Robusta

Người dân châu Á ngày càng yêu thích cà phê Robusta khiến Brazil bắt đầu cuộc đua tăng sản lượng để cạnh tranh với Việt Nam, thủ phủ của cà phê Robusta.

Nikkei Asian Review trích dự báo của bộ Nông nghiệp Mỹ cho biết, sản lượng cà phê Robusta của Việt Nam sẽ tăng 0,3% lên 29,1 triệu bao (60kg/bao) trong niên vụ 2019-2020. Con số này đã tăng 10% so với 5 năm trước đó.

Sản lượng cà phê Robusta tại Ấn Độ được dự đoán sẽ tăng 8,1% lên 4 triệu bao, tăng 4,9% so với năm năm trước. Trong khi đó,  Brazil, nhà sản xuất và phê Robusta lớn thứ hai thế giới dự kiến sản xuất 18,3 triệu bao Robusta trong niên vụ này, tăng 10% so với năm trước. Với sản lượng này, Brazil sẽ chiếm 25% sản lượng cà phê Robusta toàn cầu, trong khi đó, tỷ lệ này của Việt Nam là 40%.

Giới kinh doanh cà phê cho biết, cà phê Robusta của Brazil đang rất được quan tâm. Ông Nobuaki Abe, Chủ tịch công ty Ecom Asia, một công ty thương mại cà phê có trụ sở tại Singapore cho biết, "Brazil là nước cung cấp cà phê Robusta rẻ nhất thế giới”.

Theo ông Nobuaki Abe, gần đây công ty ông đã nhận được nhiều đơn hàng cà phê từ Brazil.

Thực tế, xuất khẩu cà phê Robusta của Brazil đã tăng lên. Theo hiệp hội các nhà xuất khẩu cà phê của Brazil, tính đến tháng 8/2019, nước này đã xuất khẩu 2,7 triệu bao, tăng khoảng 10% so với toàn bộ năm 2018. Mức tăng này là do nhu cầu trên toàn cầu tăng lên cùng với việc đồng real giảm giá xuống mức thấp nhất trong hơn 1 năm qua.

Cà phê robusta rất được yêu chuộng ở châu Á. Giờ đây, loại cà phê này ngày càng được yêu thích ở Brazil. Cây cà phê robusta có thể chống chịu sâu bệnh tốt và phát triển tốt ở các vùng đất có độ cao thấp ở Việt Nam và Indonesia.

Hiện Việt nam là nước có sản lượng cà phê Robusta lớn nhất thế giới. Ảnh://asia.nikkei.com
Hiện, Việt Nam là nước có sản lượng cà phê Robusta lớn nhất thế giới. Ảnh:asia.nikkei.com

Một trong những lý do khiến Brazil đẩy mạnh sản lượng cà phê robusta là mức tiêu thụ trong nước tăng vọt. Bộ Nông nghiệp Mỹ dự báo mức tiêu thụ cà phê ở Brazil trong niên vụ 2019-2020 sẽ tăng lên mức 25,53 triệu bao, cao hơn 15% so với cách đây năm năm. Dân số tăng cộng với mức thu nhập tăng ở Brazil giúp thúc đẩy mức tiêu thụ cà phê ở nước này.

Trong khi đó, biến đổi khí hậu khiến các vùng trồng cà phê arabica trên thế giới có nguy cơ bị thu hẹp 50%. Khi nhiệt độ trái đất tăng lên, dẫn đến các vụ hạn hán gay gắt xảy ra thường xuyên hơn, cà phê arabica sẽ trở nên khó trồng hơn.

Theo một số dự báo, một nửa “vành đai cà phê”, nơi cà phê chất lượng cao arabica được trồng, có thể không còn khả năng sản xuất vào năm 2050. Do đó, cà phê robusta có thể trở thành loại cà phê được tiêu thụ phổ biến nhất thế giới trong tương lai.

“Trong 36 năm qua, thị phần của cà phê robusta trên toàn cầu đã tăng từ 20% lên  40%, trong khi đó, thị phần toàn cầu của cà phê arabica giảm từ 80% xuống còn 60%”,  Shiro Ozawa, nhà tư vấn ở Công ty kinh doanh cà phê đặc sản Wataru & Co ở Tokyo, cho biết.

►Trà sữa hết ngọt vì cạnh tranh khốc liệt

►Khẩu vị của người Việt: Trà hay cà phê?

Nguồn Nikkei Asian Review