Cảnh báo nguy cơ nền kinh tế thế giới tiếp tục trì trệ
Trước đó, Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) cũng đưa ra một đánh giá tương tự khi nói rằng hy vọng nền kinh tế thế giới trở lại sự tăng trưởng như trước khi xảy ra khủng hoảng là "hoàn toàn xa vời."
Theo UNCTAD, kinh tế thế giới vẫn chật vật trên con đường trở lại với đà tăng trưởng mạnh và bền vững trước đây.
Tốc độ tăng trưởng sản lượng của thế giới trong năm 2013 được dự đoán sẽ không khả quan hơn so với năm 2012 vốn chỉ đứng ở mức 2,2%, trong đó, các nước phát triển sẽ rơi vào nhóm trì trệ nhất với tỷ lệ tăng trưởng Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) chỉ ở mức khoảng 1%.
UNCTAD nhận định các nước đang phát triển có triển vọng sáng sủa nhất với tốc độ tăng trưởng dự đoán đạt khoảng 5% và xếp thứ hai là nhóm các nền kinh tế chuyển đổi dự đoán tăng 3% trong năm 2013.
Phân tích về tình trạng trì trệ hiện nay của kinh tế thế giới, UNCTAD cho rằng trước giai đoạn kinh tế thế giới rơi vào khủng hoảng, xuất khẩu từ các nước đang phát triển và các nền kinh tế chuyển đổi tăng mạnh nhờ nhu cầu tiêu dùng bùng nổ tại các nước phát triển, chủ yếu là từ thị trường Mỹ.
Đây chính là yếu tố tạo ra các nền kinh tế tăng trưởng mạnh nhờ vào xuất khẩu.
Tuy nhiên, đây cũng chính là con đường dẫn đến sự sụp đổ của các nền kinh tế vì sự tăng trưởng mạnh lại được xây dựng dựa trên các yếu tố không hề có tính bền vững, đó là nhu cầu tiêu thụ toàn cầu và các mô hình tài chính.
Theo UNCTAD, mặc dù tình trạng lấn lướt của ngành tài chính đối với các hoạt động kinh tế thực tiễn đã kéo dài và thậm chí còn gia tăng trong thời gian 5 năm khủng hoảng, song các chương trình cải cách tài chính ở cấp độ quốc gia lại chỉ có kết quả rất hạn chế.
Thêm vào đó, trên bình diện quốc tế, các nỗ lực để thực thi cải cách tài chính lại hoàn toàn biến mất do các cố vấn tài chính của các quốc gia không tìm được tiếng nói chung. Hậu quả là triển vọng phát triển của kinh tế thế giới tiếp tục bấp bênh.
Sau một loạt các vụ bê bối liên quan đến tài chính, mở màn là vụ phá sản của tập đoàn tài chính Lehman Brothers, đẩy nền kinh tế thế giới rơi vào suy thoái nhiều năm trước, hiện nay, cuộc khủng hoảng xung quanh vấn đề ngân sách chính phủ và trần nợ công tại Mỹ đang là bóng đen tài chính lớn nhất bao trùm lên nền kinh tế thế giới.
Mọi diễn biến trong cuộc chiến này đều được phản ánh ngay lập tức lên các hoạt động của nền kinh tế thế giới.
Giá dầu tại Mỹ đã hồi phục nhẹ ngay sau khi có thông tin cho biết Tổng thống Mỹ Barack Obama sẽ nhóm họp với các lãnh đạo quốc hội vào chiều 14/10, làm các nhà đầu tư dấy lên hy vọng cuộc chiến ngân sách và nợ công của Mỹ sẽ được giải quyết trước thời hạn chót vào ngày 17/10 tới.
Giá dầu thô nhẹ giao trong tháng 11 tăng 39 cent, lên mức 102,41 USD/thùng trong phiên giao dịch ngày 14/10. Tuy nhiên, trong bối cảnh nguy cơ bùng nổ thảm họa kinh tế do cuộc chiến ngân sách tại Mỹ vẫn còn tồn tại, giá đồng USD vẫn ở mức thấp so với nhiều ngoại tệ mạnh trên thế giới.
Tại thị trường New York, đồng euro đã tăng từ mức 1,3553 USD/euro lên mức 1,3573 USD trong phiên giao dịch cuối của ngày 14/10.
Nguồn TTXVN