Cảnh báo nguy cơ khủng hoảng kinh tế toàn cầu hậu QE
Fed liên tục nhấn mạnh rằng mình vô tội – giữ vững quan điểm kể từ sau cuộc khủng hoảng năm 2008-2009. Khi đó, Fed cho rằng chính sách cho vay ồ ạt của mình tạo ra các bong bóng tín dụng và bất động sản suýt đẩy kinh tế thế giới xuống vực.
Fed vẫn khăng khăng rằng, không phải do lãi suất bị “chèn ép” xuống mức thấp kỷ lục mà chương trình nới lỏng định lượng gây ra ở các quốc gia phát triển năm 2009 mà các dòng tiền nóng ngắn hạn tràn ngập các nền kinh tế mới nổi nhằm tìm kiếm lợi nhuận từ đầu tư.
Tuy nhiên cũng giống như giữa thập niên trước, lần này không chỉ Fed phải chịu trách nhiệm về các khó khăn hiện tại. Cục dự trữ liên bang Mỹ không “cô đơn” khi theo đuổi và áp dụng chính sách nới lỏng tiền tệ phi truyền thống. Hơn thế nữa, các nền kinh tế đang phát triển đề cập ở trên đều có một điểm chung: thâm hụt tài khoản vãng lai rất lớn.
Theo số liệu của Quỹ tiền tệ quốc tế (IMF) thì thâm hụt tài khoản vãng lai của Ấn Độ nhiều khả năng đạt mức 5% GDP trong năm 2012-2013, gần gấp đôi so với mức 2,8% trong giai đoạn 2008-2011. Tương tự như vậy, thâm hụt tài khoản vãng lai của Indonesia hiện ở mức 3% trong năm 2012-2013 - cho thấy sự xấu đi nghiêm trọng của cán cân tài khoản vãng lai của nước này khi mà trong giai đoạn trước đó tỷ lệ này chỉ 0,7% GDP. Thực trạng tương tự cũng đang xảy ra ở Brazil, Nam Phi và Thổ Nhĩ Kỳ.
Tài khoản vãng lai thâm hụt lớn là dấu hiệu thường thấy của một nền kinh tế tiền khủng hoảng đang sống theo kiểu “vung tay quá trán” - hay còn nói cách khác là nền kinh tế đó đang đầu tư nhiều hơn số mà nó tiết kiệm được. Trước tình hình đó, cách duy nhất mà nền kinh tế đó có thể duy trì tỷ lệ tăng trưởng kinh tế của mình là vay mượn các khoản tiết kiệm thặng dư của nước ngoài.
Đây chính là điều mà gói nới lỏng định lượng hướng đến. Nhờ vào chương trình nới lỏng định lượng đang được thực hiện ở nhiều quốc gia, số lượng vốn khổng lồ của các nhà đầu tư từ các nền kinh tế phát triển đã đổ xô vào các nền kinh tế mới nổi nhằm tìm kiếm lợi nhuận. Theo ước tính của IMF thì tổng cộng số lượng tiền đổ vào các quốc gia mới nổi tính từ đầu chương trình nới lỏng định lượng năm 2009 đã lên mức 4 nghìn tỷ USD. Các nền kinh tế mới nổi này đã bị “mờ mắt” với các lợi ích trước mắt mà QE mang lại cho mình như tăng trưởng kinh tế nhanh và ít tốn công sức hơn, để rồi từ đó ảo tưởng rằng các mất cân đối của mình vẫn bền vững và không cần thiết phải đưa nền kinh tế vào kỷ cương, trật tự.
Đây là đặc điểm chung của nền kinh tế toàn cầu thời kỳ hiện đại. Thay vì dũng cảm nhìn thằng vào sự thật và chấp nhận đối mặt với suy giảm kinh tế - điều mà các khoản thâm hụt tài khoản vãng lai đã dự báo trước – thông qua việc chấp nhận hy sinh tăng trưởng hiện tại để đổi lấy tăng trưởng bền vững trong tương lai, các chính trị gia cũng như các nhà hoạch định chính sách lại chọn theo đuổi canh bạc tăng trưởng cao đầy rủi ro mà cuối cùng sẽ phản tác dụng.
Điều này đặc biệt đúng với cá quốc gia đang phát triển ở châu Á, không chỉ giới hạn trong trường hợp Ấn Độ và Indonesia hiện nay mà ngay cả trong những năm 1990, khi mà các khoản thâm hụt tài khoản vãng lai ngày càng phình to là điềm báo trước cho cuộc khủng hoảng tài chính năm 1997-1998. Tồi tệ hơn, điều này cũng đúng với các nền kinh tế phát triển.
Thâm hụt tài khoản vãng lai ngày càng phình to của Mỹ những năm giữa thập niên trước là dấu hiệu rõ ràng của các méo mó kinh tế do sự chuyển dịch cơ cấu tiết kiệm sang các loại tài sản trong thời kỳ các bong bóng tài sản và tín dụng nguy hiểm đang hình thành. Cuộc khủng hoảng nợ công ở châu Âu là kết quả của sự mất cân đối nghiêm trọng giữa các nền kinh tế nhỏ trong khu vực nhưng có thâm hụt tài khoản vãng lai ngoại cỡ - điển hình là Hy Lạp, Bồ Đào Nha, Tây Ban Nha với các nền kinh tế lớn với thặng dư khổng lồ như Đức.
Các ngân hàng trung ương đã làm hết sức có thể trong phạm vi quyền hạn của mình để xử lý các vấn đề này. Dưới sự lãnh đạo của Ben Bernanke và người tiền nhiệm của ông là Alan Greenspan, Fed đã tiếp tay cho các bong bóng tài sản và tín dụng và xem chúng như là nguồn tăng trưởng mới. Thậm chí vị chủ tịch sắp mãn nhiệm của Fed còn khẳng định rằng các khoản tiền từ chương trình QE thừa sức bù lại các dòng tiền nóng chảy ra và chảy vào các nền kinh tế mới nổi liên tục, gây ra bất ổn. Tuy nhiên, việc chấm dứt chương trình QE và do đó, cắt đứt các dòng tiền này khỏi nền kinh tế Mỹ vốn vẫn đang trong tình trạng trì trệ đã làm lộ rõ “bộ mặt thật” của QE chẳng qua chỉ là dòng tiền tìm kiếm lợi nhuận.
Chiến lược nhằm rút khỏi chương trình QE – nếu Fed có đủ dũng cảm để rút lui – chẳng qua cũng chỉ có tác động điều chuyển hướng dòng tiền từ các nền kinh tế đang phát triển cho lợi nhuận cao về thị trường trong nước.
Hiện nay, hiện tượng đầu cơ nhằm hưởng chênh lệch lợi suất (đã tính đến yếu tố rủi ro) đã bắt đầu gây hại đến thị trường chứng khoán của các thị trường mới nổi. Không có gì ngạc nhiên khi các nền kinh tế có thâm hụt tài khoản vãng lai lớn đang cảm thấy áp lực lớn nhất. Trong chốc lát, các mất cân đối giữa tiết kiệm và đầu tư của các nền kinh tế này trở nên khó xử lý hơn – điều này khiến nội tệ của nhiều quốc gia như Ấn Độ, Indonesia, Brazil và Thổ Nhĩ Kỳ mất giá mạnh.
Không ai biết khi nào thì vòng luẩn quẩn này sẽ kết thúc. Đây là trường hợp đã xảy ra ở châu Á vào cuối những năm 1990 cũng như ở Mỹ năm 2009. Tuy nhiên với việc nền kinh tế thế giới đã hứng chịu hơn 10 cuộc khủng hoảng lớn kể từ đầu những năm 1980, có một sự thật không thể chối cãi rằng: các mất cân đối không hề bền vững, bất chấp việc các ngân hàng trung ương có cố gắng che giấu chúng thế nào đi chăng nữa.
Các nền kinh tế đang phát triển hiện đang chịu tác động của việc Fed chấm dứt nới lỏng định lượng. Các quốc gia này có lỗi với chính mình bởi lẽ họ đã không dám dũng cảm đối diện và thực hiện tái cân bằng lại nền kinh tế trong thời kỳ QE đang được triển khai mạnh mẽ. Fed cũng không thể chối bỏ trách nhiệm vì đã tổ chức và thực hiện chính sách này một cách thất bại.