Thành công của Meta là chìa khóa và công ty đặt cược lớn vào việc triển khai Threads. Ảnh: Getty Images.
Canh bạc mang tên Threads của tỉ phú Mark Zuckerberg
Chỉ 16 giờ sau khi ra mắt, mạng xã hội mới của Meta, Threads, đã có hơn 30 triệu lượt đăng ký. Ứng dụng này cũng đã giành vị trí đầu bảng Top ứng dụng miễn phí trên App Store của Apple tính đến sáng ngày 6/7.
Ứng dụng “Twitter killer” này, dường như đã thu hút không ít người dùng và nhà quảng cáo “bỏ chạy” kể từ khi tỉ phú Elon Musk mua lại Twitter. Nhưng liệu nó có mang lại cho Meta sự thúc đẩy mà Công ty đang tìm kiếm?.
Một số lựa chọn thay thế Twitter đã xuất hiện trong những tháng gần đây, bao gồm ứng dụng nhắn tin phi tập trung Mastodon và Bluesky, được hỗ trợ bởi người đồng sáng lập Twitter Jack Dorsey. Nhưng không nền tảng nào có thể phù hợp với cơ sở người dùng và mức độ phổ biến của Twitter. Cho đến khi Threads xuất hiện.
Meta đang giới thiệu Threads dưới dạng “ứng dụng hội thoại dựa trên văn bản” của Instagram. Và theo nhiều cách, Threads trông rất giống với Twitter. Người dùng chủ yếu đăng các đoạn văn bản hoặc “chủ đề”, trong mức giới hạn 500 ký tự cho mỗi lần đăng.
Giao diện của ứng dụng Threads. Ảnh: The Guardian. |
Đây chắc chắn không phải là lần đầu tiên Meta mượn các tính năng từ đối thủ cạnh tranh, Công ty đã sao chép Snapchat với tính năng Stories trên Instagram và video dạng ngắn của TikTok với Reels. Nhưng Threads có tiềm năng trở thành nỗ lực thành công nhất của Meta trong việc mô phỏng công nghệ phổ biến hiện có, ông Ari Lightman, Giáo sư truyền thông kỹ thuật số tại Đại học Heinz của Đại học Carnegie Mellon cho biết.
Ông nói: “Nếu Meta đi đúng hướng, kết hợp tất cả các khía cạnh thành công của nền tảng khác và tận dụng một số biến động tại Twitter, thì họ thực sự có thể thành công”.
Canh bạc lớn của Meta
Thành công của Meta là chìa khóa và Công ty đặt cược lớn vào việc triển khai Threads. Khi mà Meta gặp không ít khó khăn trong những năm gần đây, họ đã sa thải hơn 20.000 công nhân trong năm qua. Dự án metaverse những tưởng là bước ngoặt, đã bị vùi dập. Ngoài ra Công ty còn gặp nhiều khó khăn để cạnh tranh với các nền tảng mới hơn vì không nắm bắt được nhân khẩu học của những người dùng trẻ tuổi, yêu thích YouTube và TikTok. Bên cạnh đối mặt với nhiều cuộc điều tra về cáo cuộc quyền riêng tư của người dùng, Meta còn có thể mất hàng tỉ USD do các chính sách đã thay đổi trong cửa hàng Ứng dụng của Apple, nhấn mạnh quyền riêng tư và cắt giảm mô hình kinh doanh chính của Meta, theo dõi hành vi của người dùng để bán quảng cáo.
Với Threads được khởi chạy với ít trục trặc và được chú ý nhờ giao diện mượt mà và trải nghiệm người dùng trực quan, cho thấy một sản phẩm được cân nhắc kỹ lưỡng hơn so với các dự án trước của Meta. 24 giờ sau khi ra mắt, ứng dụng đã có 30 triệu lượt tải xuống, theo Meta, dường như khiến Threads trở thành ứng dụng được tải xuống nhanh nhất từ trước đến nay.
Tỉ phú Zuckerberg tin rằng ứng dụng có thể duy trì động lực đó, trong một bài đăng trên Threads, ông đã hình dung ra một tương lai với hơn 1 tỉ người dùng. Phần lớn thành công đó sẽ phụ thuộc vào việc Threads có thể tìm được vị trí của mình trong văn hóa trực tuyến hiện nay hay không, khi kết nối tính tự do và tập trung vào văn bản của Twitter với thế giới bình dị hơn, tập trung vào hình ảnh của Instagram.
Ông Drew Margolin, trợ lý Giáo sư truyền thông tại Đại học Cornell cho biết: “Sức hấp dẫn của Twitter không nằm ở tính năng mà Threads đang “bắt chước”, mà là mạng lưới và văn hóa. Tôi không chắc làm thế nào Meta có thể tạo lại điều này”.
Meta cũng có thể phải đối mặt với các rào cản tiềm ẩn như luật chống độc quyền và các hành động pháp lý khác. Vào thời điểm mà các ông lớn công nghệ đang phải đương đầu với tình cảnh chưa từng có sau nhiều năm tăng trưởng vượt bậc, việc Meta cố gắng phát triển với một nền tảng mới hoàn toàn là một canh bạc.
Khởi đầu không dễ dàng
Ông Paul Barrett, Phó Giám đốc Trung tâm Kinh doanh và Nhân quyền NYU Stern cho biết: “Có những lo ngại về luật chống độc quyền với Threads, đặc biệt là ở châu Âu, nơi các cơ quan quản lý của EU mạnh tay hơn so với ở Mỹ”.
Có lẽ vì thế mà Meta vẫn chưa ra mắt Threads ở châu Âu, nơi Công ty vẫn đang cố đáp ứng Đạo luật Dịch vụ Kỹ thuật số mới của khu vực, một luật được thông qua vào năm 2022 nhằm vào những công ty lớn trong hệ sinh thái công nghệ. Việc không thể ra mắt tại thị trường đó, nơi Instagram có hơn 280 triệu người dùng, có thể ảnh hưởng lớn đến thành công của Threads trong tương lai.
Trong khi đó, Twitter hôm 6/7 đã đe dọa sẽ kiện Công ty, cáo buộc Meta vi phạm “quyền sở hữu trí tuệ” của Twitter.
Các chuyên gia cho biết thước đo thành công thực sự của Threads là liệu nó có thể kiếm tiền trong tương lai hay không. Cho đến nay, vẫn chưa có quảng cáo nào trên nền tảng này, nhưng ông Zuckerberg cho biết Công ty có kế hoạch khám phá khả năng kiếm tiền sau khi đạt được 1 tỉ người dùng. Các nhà quảng cáo đã chạy khỏi Twitter khi nó rơi vào tình trạng hỗn loạn, với hơn một nửa trong số 1.000 nhà quảng cáo hàng đầu đã rời đi kể từ khi ông Musk tiếp quản. Bà Jasmine Enberg, nhà phân tích chính của công ty nghiên cứu thị trường Insider Intelligence, cho biết nếu Threads có thể được xem là một giải pháp thay thế khả thi, thì Meta có thể có cơ hội thực sự vượt qua Twitter.
Bà Enberg nói: “Một khi Meta đạt đến quy mô đề ra và bắt đầu kiếm tiền, ông Musk sẽ bắt đầu thấm “đau”. Sau nhiều tháng không chi tiêu cho Twitter, nhiều nhà quảng cáo đã nhận ra rằng họ không cần Twitter để đạt được mục tiêu của mình. Quảng cáo Twitter thậm chí sẽ khó bán hơn khi có một ứng dụng thuộc sở hữu của Meta được coi là một giải pháp thay thế”.
Có thể bạn quan tâm:
Nỗi ám ảnh của người dân thành thị Nhật Bản
Nguồn The Guardian