Canh bạc 73 tỷ USD của các hãng bảo hiểm Trung Quốc
Thông tin này được đưa ra trong báo cáo hôm thứ Tư 25/11 của hãng dịch vụ bất động sản DTZ/Cushman & Wakefield.
Báo cáo cũng cho biết, những biến động gần đây trên thị trường chứng khoán toàn cầu sẽ khiến các hãng bảo hiểm Trung Quốc đẩy nhanh chiến lược đầu tư vào bất động sản, đa dạng hóa danh mục đầu tư không chỉ tại thị trường bất động sản nội địa.
Tập đoàn Bảo hiểm Anbang đã mua lại khách sạn Waldorf-Astoria ở New York với giá 1,95 tỷ USD hồi tháng 10/2014. |
Các thành phố cửa ngõ quan trọng sẽ là tâm điểm của chiến lược này. Các khoản đầu tư hiện nay vào London và New York đã phần nào làm rõ động thái hiện nay của các hãng bảo hiểm Trung Quốc. Thị trường bất động sản tại các thành phố hàng đầu khác trên thế giới cũng sẽ chứng kiến các khoản giao dịch trị giá trên 100 triệu USD, Cristine Lai, nhà phân tích tại Bộ phận dự báo châu Á-Thái Bình Dương ở DTZ/Cushman & Wakefield, cho biết.
Các thành phố lớn gồm Singapore, Sydney và Tokyo tại châu Á-Thái Bình Dương. Hoạt động đầu tư vào bất động sản sẽ mở rộng sang Berlin, Frankfurt, Munich và Paris. Thị trường Bắc Mỹ gồm Chicago, Los Angeles, San Francisco, Toronton và Washington cũng sẽ thu hút đầu tư lớn từ Trung Quốc.
Năm 2014, báo cáo cho biết, đầu tư vào bất động sản chiếm 0,8%, tương đương 13,4 tỷ USD, tài sản của ngành bảo hiểm Trung Quốc - vẫn thấp hơn mức phân bổ được phép là 30% - và chưa đến ½ số đó được đầu tư vào bất động sản ở nước ngoài.
Đối với 5 hãng bảo hiểm lớn nhất Trung Quốc, mức phân bổ cho đầu tư bất động sản vẫn thấp, chưa đến 2%, thậm chí dưới 1% đối với một số hãng, giám đốc phụ trách nghiên cứu thị trường vốn Nigel Almond của DTZ/Cushman & Wakefield cho hay.
Tập đoàn Bảo hiểm Nhân thọ Trung Quốc (China Life Insurance) đã đồng ý mua tòa nhà văn phòng cùng với không gian bán lẻ tại Hung Hom, Hong Kong, với giá 5,85 tỷ đôla Hong Kong. |
Trong vòng 5 năm tới, báo cáo của DTZ/Cushman & Wakefield dự báo, mức phân bổ cho đầu tư bất động sản sẽ tăng từ mức hiện tại lên gần 5%, tức là sẽ có thêm 73 tỷ USD được rót vào bất động sản ở nước ngoài, đưa tổng vốn đầu tư vào bất động sản nước ngoài từ 6 tỷ USD năm 2014 lên 79 tỷ USD vào năm 2019 và 154 tỷ USD vào năm 2024.
Báo cáo của DTZ/Cushman & Wakefield được đưa ra 2 tuần sau khi Tập đoàn Bảo hiểm Nhân thọ Trung Quốc (China Life Insurance) đồng ý mua tòa nhà văn phòng cùng với không gian bán lẻ tại Hung Hom, quận Cửu Long, Hong Kong, từ Wheelock & Co với giá 5,85 tỷ đôla Hong Kong.
Việc bành trướng của các hãng bảo hiểm Trung Quốc trong lĩnh vực bất động sản nước ngoài diễn ra sau khi Ủy ban Quản lý Bảo hiểm Trung Quốc (China Insurance Regulatory Commission) cho phép phân bổ đến 30% tổng tài sản của các hãng bảo hiểm vào bất động sản, ½ số đó vào bất động sản nước ngoài, kể từ tháng 10/2009.
Nhật Trường
Nguồn SCMP