Getty Images/CNBC/AFP

 
Thứ Năm | 20/07/2017 12:51

Căng thẳng thương mại Mỹ-Trung sẽ leo thang trong thời gian tới?

Việc không đạt được bước tiến cụ thể để giảm mức thâm hụt thương mại có thể khiến chính quyền Trump chuyển từ hợp tác sang đối đầu với Bắc Kinh.

Các cuộc đàm phán kinh tế cấp cao giữa Mỹ và Trung Quốc đã kết thúc vào thứ Tư mà không có bất kỳ bước tiến nào, dẫn tới bế tắc trong các nỗ lực định hình lại quan hệ thương mại với Trung Quốc của chính quyền Trump.

Sau một ngày tổ chức các hội nghị song phương, phía Mỹ đưa ra một tuyên bố ngắn gọn rằng "Trung Quốc thừa nhận mục tiêu chung của chúng tôi là giảm thâm hụt thương mại, và cả hai nước sẽ hợp tác để đạt được mục tiêu này."

Bản tuyên bố không cung cấp thêm chi tiết về mức độ mà hai bên có thể đồng ý, hoặc khi nào họ sẽ tiếp tục thảo luận về vấn đề này. Các quan chức Trung Quốc không đưa ra bình luận.

Nicholas Consonery, giám đốc cao cấp của công ty tư vấn kinh doanh FTI Consulting nói: "Kết quả hơi đáng thất vọng".

Consonery cho biết ban đầu mọi người kỳ vọng sẽ có các bước tiến nhỏ như khả năng mở cửa thị trường Trung Quốc cho các công ty của Mỹ để thể hiện thiện chí của Bắc Kinh, hoặc 2 bên đồng ý lên lịch 1 năm cho các cuộc đàm phán tiếp theo. Tuy nhiên các cuộc thảo luận kỳ này đã không đạt được những mong muốn đó.

Các quan chức Mỹ và Trung Quốc đã không thể đưa ra một tuyên bố chung và hủy bỏ các cuộc họp báo đã lên lịch trình. Nhiều nhà phân tích coi đây là dấu hiệu của sự bất đồng sâu sắc về các vấn đề thương mại và đầu tư, vốn là trung tâm của cuộc đàm phán.

Trọng tâm của vấn đề là những điểm khác biệt chính giữa những gì Tổng thống Donald Trump muốn và những gì mà Chủ tịch Tập Cận Bình sẵn sàng mang lại.

Washington muốn tăng xuất khẩu hàng hoá từ Mỹ sang Trung Quốc để giảm thâm hụt thương mại. Mỹ cũng muốn tăng khả năng tiếp cận thị trường Trung Quốc cho các công ty Mỹ, trong khi cũng muốn kìm chế việc nhập khẩu thép từ Trung Quốc. Nhà Trắng hiện đang xem xét áp thuế với mặt hàng thép từ Trung Quốc, và ông Trump nói với phóng viên hôm thứ Tư rằng đây là điều "có thể xảy ra."

Tuy nhiên, Bắc Kinh đã có một chiến dịch riêng nhằm giảm tình trạng thừa mứa sản lượng, do đó "nếu ông Tập có thể đáp ứng các yêu cầu của Mỹ về mặt này, thì đó sẽ là một trong những món quà lớn nhất đối với người Mỹ", theo lời bình luận của Christopher Beddor, chuyên gia về châu Á tại hãng tư vấn Eurasia Group.

Tuy nhiên, ông Beddor cũng nói rằng việc đồng ý với các mục tiêu định lượng của Washington trong khi Bắc Kinh đã tạo ra một tiêu chuẩn cho hệ thống của mình sẽ là rất khó khăn (Trung Quốc muốn tăng xuất khẩu thép nhằm giảm tình trạng dư thừa sản lượng, từ đó làm giảm giá thép của thế giới, ảnh hưởng trực tiếp đến các nhà sản xuất thép của Mỹ).

Consonery cho rằng việc Trump luôn tạo sức ép xoay quanh tình trạng dư thừa sản lượng của Trung Quốc sẽ dẫn tới thêm căng thẳng giữa 2 bên trong nửa cuối năm nay.

Do những khác biệt căn bản giữa bên cộng thêm kết quả cuộc họp hôm thứ Tư, các "đòn trừng phạt thương mại ngày càng có xác suất xảy ra nhiều hơn", Beddor nói.

Việc không thực hiện các bước cụ thể để giảm mức thâm hụt thương mại 347 tỷ USD với Trung Quốc đã tạo áp lực lên chính quyền Trump, khiến họ có thể xem xét chuyển từ  hợp tác với Bắc Kinh sang thế đối đầu nhiều hơn.

Mạnh Đức

Nguồn CNBC/Market Watch