BI
Canada tính tấn công công ty của ông Trump để trả đũa thương mại?
Việc Tổng thống Donald Trump liên tục muốn đẩy thế giới vào một cuộc chiến thương mại có thể tạo ra những phản ứng chưa từng có từ các nước trên thế giới và sự phản kháng từ các đồng minh hàng đầu của Mỹ.
Trong ba tháng qua, ông Trump đã tấn công các nước trên thế giới với việc áp các mức thuế 25% đối với thép và 10% đối với xuất khẩu nhôm sang Mỹ. Quyết định này đã dẫn đến một phản ứng nhanh chóng từ các đồng minh của Mỹ, bao gồm cả trả đũa thuế quan và khiến những nhà lãnh đạo nước ngoài nổi tiếng thân thiện trước kia bắt đầu thay đổi - từ Thủ tướng Canada Justin Trudeau tới Tổng thống Pháp Emmanuel Macron.
Nhưng cho đến nay, những biện pháp trên cũng không thể cản bước ông Trump thực hiện chương trình nghị sự thương mại của mình, và có thể Canada sẽ cân nhắc thực hiện phản ứng không có tiền lệ cho một vị tổng thống ngoài khuôn khổ.
Các bài viết quan điểm của Houston Chronicle và Maclean, tạp chí tin tức của Canada đề xuất cách duy nhất để dập tắt những căng thẳng thương mại đang gia tăng là tấn công các doanh nghiệp của Trump. Trong khi đó, một số nước, như Trung Quốc, đã dường như cố gắng tác động Tổng thống Trump thông qua việc đối xử các doanh nghiệp của gia đình ông Trump thuận lợi hơn.
Các quốc gia khác dường như có ít lựa chọn xoay chuyển tình thế ngoài việc cố gắng đàm phán với chính quyền Trump. Một số quốc gia đã nộp đơn khiếu nại chính thức với Tổ chức Thương mại Thế giới về thuế quan, nhưng chắc chắn không thể một sớm một chiều.
Họ có thể làm như vậy được không?
Debbie Shon, một luật sư thương mại quốc tế tại Quinn Emanuel và cựu quan chức tại văn phòng đại diện thương mại Mỹ dưới thời Tổng thống Bill Clinton, cho rằng trực tiếp tác động vào các doanh nghiệp của Trump thông qua các hành động thương mại - dù hợp pháp sẽ rất khó khăn.
"Nhìn vào các doanh nghiệp của Trump, tôi không chắc hàng hóa mà ông ta bán có phải chịu thuế quan hay cách mà bạn có thể sử dụng các hành động thương mại để tấn công các doanh nghiệp của ông ấy trừ khi bạn thực sự thực hiện một số biện pháp nhắm vào các ngành công nghiệp chủ chốt như bất động sản", Shon nói với Business Insider.
Scott Gilmore, một doanh nhân xã hội và cựu quan chức ngoại giao Canada, đã đề xuất trong Maclean rằng Canada nên sử dụng luật chống tham nhũng để gây áp lực cho ông Trump về thương mại. Những tòa nhà chọc trời mang thương hiệu Trump ở Toronto và Vancouver đại diện cho những liên doanh kinh doanh nổi bật nhất của Tổng thống Trump tại Canada.
"Tôi đề xuất rằng thay vì đánh thuế nhập khẩu lên khăn ăn Mỹ, chúng tôi sẽ đánh thuế lên ông Trump", Gilmore nói. "Theo tinh thần của Đạo luật Magnitsky, Canada và các đồng minh phương Tây cùng nhau gây áp lực vào điểm đau duy nhất quan trọng đối với Tổng thống này: gia đình và tài sản của họ."
Đề xuất của Gilmore đã thu hút sự chú ý của các nhà lập pháp Canada. Ngoại trưởng Canada Chrystia Freeland - nhà thương thuyết chính của nước này - đã được hỏi về việc sử dụng Đạo luật Magnitsky của Erin Weir, một thành viên của quốc hội Canada, trong một phiên hỏi đáp.
"Chúng tôi đang trong giai đoạn tham vấn, chúng tôi hoan nghênh ý kiến từ tất cả người dân Canada về những gì nên và những gì không nên làm để trả đũa", Freeland nói.
Brett Bruen, một cựu nhà ngoại giao Mỹ và là chủ tịch của công ty tư vấn Global Situation Room, nói với Business Insider rằng ông không mong đợi "những phản ứng phi truyền thống" đối với các hành động thương mại của Trump "được phổ biến rộng rãi".
Các quốc gia có thể viện dẫn các cuộc điều tra của liên bang và tiểu bang ở Mỹ như một lý do để khởi động các cuộc điều tra riêng của họ về các doanh nghiệp của ông Trump. Các quốc gia khác có thể làm chậm việc phê duyệt đối với nhãn hiệu, giấy phép và các giao dịch kinh doanh khác, ông nói.
"Tôi nghĩ rằng một trong những biện pháp hiệu quả nhất là các quốc gia hạn chế các ngân hàng của mình tài trợ cho các công ty của ông Trump, vốn có rất nhiều vấn đề", Bruen nói. "Điều này chắc chắn sẽ là phương pháp độc đáo. Khi các nhà lãnh đạo tiếp tục tìm kiếm các đối sách hiệu quả cho một cuộc chiến thương mại, họ có thể sẽ phải sử dụng các loại chiến thuật này."
"Một phương sách cuối cùng"
Các chuyên gia luật thương mại cảnh báo các quốc gia sẽ chịu nhiều rủi ro nếu tác đông đến các công ty của ông Trump.
Jesse Goldman, một luật sư thương mại quốc tế tại hãng luật Canada Borden Ladner Gervais, nói với Business Insider rằng mặc dù việc sử dụng luật tham nhũng để kiềm tỏa các doanh nghiệp của ông Trump là "trong phạm vi khả năng", chính phủ Canada cần chứng minh rằng các doanh nghiệp của ông Trump có mối liên hệ với các hoạt đông tham nhũng một cách tích cực.
Một chuyên gia khác ập luận rằng các cuộc điều tra hiện tại của cơ quan thực thi pháp luật Mỹ sẽ là cơ sở pháp lý cho những hành động này, nhưng Goldman không bị thuyết phục bởi lý lẽ này.
Goldman nói: "Nó chắc chắn sẽ có tác động tức thì và sẽ thay đổi cuộc đối thoại [thương mại] rất nhanh". "Tôi cho rằng các quan chức Canada đang xem xét các vấn đề như vậy với thái độ rằng họ sẽ chờ đợi ông Trump xuống thang trước khi cân nhắc các lựa chọn như thế."
Amanda DeBusk, Chủ tịch Tập đoàn luật Dechert, nói với Business Insider rằng việc sử dụng luật Magnitsky để tác động lên các công ty của Trump sẽ là điều vượt ra khỏi khuôn khổ tranh chấp thương mại thông thường. "Đó là một biện pháp phi chính thống", DeBusk nói.
Nhưng DeBusk cho biết một động thái như vậy không hẳn là "hoàn toàn chưa có tiền lệ". Bà đã chỉ ra các biện pháp trừng phạt gần đây của Bộ Tài chính Mỹ đối với các tài phiệt của Nga để biện minh cho tính hợp pháp của bước đi này.
Lee Branstetter, giáo sư Đại học Carnegie Mellon, người đã phục vụ trong Hội đồng Cố vấn Kinh tế của Tổng thống Barack Obama từ năm 2011 đến năm 2012, đã đồng ý với Goldman. Ông nói rằng cách duy nhất một quốc gia có thể thực hiện các biện pháp trừng phạt như vậy đối với Tổ chức của Trump là liệu họ có thể vin vào những hoạt động ngầm của nó như là cơ sở pháp lý để thực hiện hành động đó hay không. "Tôi thấy đó là phương sách cuối cùng", Goldman nói.