Ảnh: Bloomberg

 
Vũ Hạo Thứ Tư | 11/03/2020 10:58

Cạn tiền, hơn 100 công ty xây dựng tại Trung Quốc phá sản

Cuộc khủng hoảng tiền mặt đẩy các nhà phát triển bất động sản vào tình cảnh ngặt nghèo.

Dịch virus corona chủng mới đang đẩy nhanh sự thay đổi trong lĩnh vực bất động sản của Trung Quốc khi cuộc khủng hoảng tiền mặt đẩy các nhà phát triển bất động sản vào tình cảnh ngặt nghèo.

Khi tình trạng đóng cửa tại nhiều nơi tại quốc gia đông dân nhất châu Á bước sang tháng thứ 3, các công ty xây dựng quy mô nhỏ bị đẩy tới bờ vực vỡ nợ vì không có đủ tiền để trang trải chi phí.

* Liệu kinh tế Trung Quốc có thể chống chọi với virus corona?

Trong 2 tháng đầu năm, khoảng 105 công ty bất động sản đã nộp đơn phá sản, nối tiếp làn sóng vỡ nợ của năm 2019 với gần 500 trường hợp, dữ liệu từ Bloomberg cho thấy.

“Hàng loạt nhà phát triển bất động sản vừa và nhỏ sẽ đối mặt với lựa chọn đau lòng – bán tài sản và bắt đầu lại một doanh nghiệp khác hoặc bị mua lại”, ông Huang Yu, Giám đốc nghiên cứu tại China Index Holdings, cho hay. “Mọi thứ chỉ mới bắt đầu”.

Thậm chí trước khi bùng phát virus corona, thị trường nhà ở Trung Quốc đã hứng chịu rất nhiều áp lực. Giá nhà ở tháng 1/2020 tăng trưởng chậm nhất trong gần 2 năm và một vài nhà phát triển bất động sản – vốn đang chật vật xử lý nợ nần – bắt đầu giảm bớt quy mô xây dựng.

Trong một lưu ý công bố vào ngày thứ Ba (10/03), S&P Global Ratings cho biết, khi dịch Covid-19 lan rộng, nhóm ngân hàng và bất động sản sẽ cảm nhận nỗi đau lớn nhất.

Kết quả là các thương vụ mua bán và sáp nhập (M&A) trong gần 100.000 doanh nghiệp bất động sản tại Trung Quốc sẽ được đẩy nhanh một lần nữa trong năm 2020, ông Yu cho biết, nhưng từ chối đưa ra dự báo cụ thể về giá trị thỏa thuận.

Giá trị M&A giữa các nhà phát triển bất động sản Trung Quốc. Nguồn: Bloomberg
Giá trị M&A giữa các nhà phát triển bất động sản Trung Quốc. Nguồn: Bloomberg

“Doanh thu ngày càng giảm sẽ kéo lùi thanh khoản của các doanh nghiệp bất động sản khi số tiền thu về việc bán nhà ở vẫn là nguồn quan trọng nhất và lớn nhất”, ông Christopher Yip, nhà phân tích tín dụng tại S&P, cho biết, đồng thời lưu ý, trong bối cảnh hoạt động xây dựng đều chững lại, lịch giao nhà và ghi nhận doanh thu sẽ bị lùi lại. “Một vài công ty đã nằm trong hạng CCC hoặc có xếp hạng thấp với triển vọng tiêu cực có thể đối mặt với vấn đề thanh khoản”.

Avenue Capital Group – một công ty bán nợ xấu và đầu tư trong những tình huống đặc biệt – cho biết thị trường nhà ở bất ổn tại Trung Quốc đang mang lại cơ hội mua béo bở. Họ đang xem xét việc mua lại nợ của những công ty bất động sản và mua lại các dự án bất động sản đang gặp rắc rối với giá chiết khấu.

“Sẽ có thêm nhiều món hời xuất hiện trên thị trường”, ông Wang Yifeng, người phụ trách khu vực Trung Quốc của Avenue Capital, cho hay. “Nếu bạn thấy một doanh nghiệp nợ nần nằm trong top 100 công ty hàng đầu của Trung Quốc thì cũng đừng ngạc nhiên”.

Xây dựng “bất động”

Theo S&P, trong năm 2020, doanh thu bán nhà ở mới tại Trung Quốc sẽ ghi nhận năm giảm đầu tiên trong 12 năm qua, trong đó giá trị giao dịch có thể giảm tới 15% trong trường hợp dịch Covid-19 đạt đỉnh trong tháng này. Còn nếu dịch đạt đỉnh trong tháng 4/2020, doanh thu có thể giảm khoảng 20%, tương tự với thiệt hại của cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu năm 2008.

Fusheng Group là một trong những công ty phát triển bất động sản quy mô vừa đầu tiên rơi vào cảnh khốn đốn. Công ty đang chìm ngập trong nợ nần này đang trong quá trình đàm phán để bán 70% cổ phần cho một tập đoàn dưới sự dẫn dắt của Shimao Property Holdings, dựa trên nguồn tin thân cận trong tháng 12/2019.

Hồi tháng 1/2020, truyền thông địa phương đưa tin liên doanh mới đã được thành lập, trong đó Fusheng sẽ chuyển các dự án bất động sản gặp rắc rối cho liên doanh mới. Shimao là một trong những nhà phát triển bất động sản lớn nhất Trung Quốc.

Đại diện từ Fusheng không lập tức phản hồi thông tin trên.

Dòng tiền của các công ty nhỏ hơn đang trong xu hướng giảm trong nhiều năm qua và virus corona chỉ làm mọi thứ thêm tồi tệ, ông Wu Rui, Giám đốc điều hành phụ trách nợ xấu tại công ty CDH Investments Fund Management, cho hay. Các công ty quản lý tài sản đang phối hợp với các nhà phát triển bất động sảng hàng đầu và để mắt tới những công ty đang gặp khó khăn, ông nói.

Chỉ riêng tại Hồ Bắc – tâm chấn bùng phát virus corona, có khoảng 4.300 nhà phát triển bất động sản. Vũ Hán – thủ phủ của Hồ Bắc – là một trong những nơi có giá nhà ở tăng nhanh nhất thế giới trong năm 2019, dữ liệu từ  Knight Frank LLC cho thấy.

Đi về phía Bắc, ở tỉnh Hà Nam, tổng giám đốc của một công ty phát triển bất động sản quy mô nhỏ cho biết hồi tháng 2/2020, mục tiêu duy nhất của công ty là trả hết nợ trong vòng 6 tháng tới.

Một nhà quản lý tại một công ty bất động sản khác ở Chiết Giang cho biết công ty chỉ còn 2 tháng nữa là phá sản. 4 dự án đang xây dựng bị đứng lại vì virus corona, ông cho biết.

Trong nguy có cơ

“Dịch bệnh này có thể là một cơ hội mới cho các nhà phát triển bất động sản lớn”, ông Liu Ce, người phụ trách chiến lược tăng trưởng tại Kaisa Group Holdings, chia sẻ. “Chúng tôi có thể sử dụng nhiều chiến lược để giảm bớt căng thẳng về dòng tiền. Khi tồn tại được qua khó khăn, bạn sẽ thấy làn sóng giảm tài sản của những công ty nhỏ là một cơ hội tốt”.

Tại Trung Quốc, Kaisa trở thành nhà phát triển bất động đầu tiên và duy nhất vỡ nợ vào tháng 4/2015. Sau đó, công ty phải trải qua một cuộc tái cấu trúc nợ khổng lồ và mất nhiều năm để xây dựng lại bảng cân đối và xếp hạng tín dụng.

Hiện tại, Kaisa đã khôi phục lại niềm tin của nhà đầu tư. Trong năm 2019, Kaisa đã bán 1,2 tỷ USD trái phiếu và trong tháng 1 vừa qua, công ty đã chi ra 3,5 tỷ HKD (tương đương 451 tỷ USD) để mua một công trình tại Hồng Kông với mục đích tăng thị phần tại khu vực này.

Hàng trăm dự án bất động sản trên toàn quốc nằm trong tay một vài công ty như Kaisa, Shimao và China Evergrande Group có, trong khi phần lớn các nhà phát triển của Trung Quốc là nhỏ và không niêm yết, thậm chí chỉ có ít dự án trong một thành phố.

Những công ty nhỏ này đang bị ép chặt giữa hai gọng kìm virus corona và đà giảm tốc của thị trường.

Các nhà phát triển bất động sản quy mô nhỏ không dựa vào các khoản vay ngân hàng hoặc trái phiếu. Thay vào đó, họ dựa vào dòng vốn từ bán căn hộ và nguồn vốn từ hệ thống ngân hàng ngầm.

Các nhà hoạch định chính sách cho đến nay không muốn tung ra các biện pháp kích thích tiền tệ lớn cho các công ty bất động sản vì sợ điều đó có thể dẫn đến giá nhà tăng đột biến. Hầu hết các hỗ trợ đã đến từ nới lỏng biên của chính quyền địa phương.

Đầu tháng 3/2020, Ngân hàng Trung ương Trung Quốc (PBOC) nhấn mạnh chắc chắn lĩnh vực bất động sản sẽ không được sử dụng để kích thích nền kinh tế.

Theo Xie Yangchun, nhà phân tích của China Real Estate Information Corp, virus corona có thể là yếu tố cuối cùng đẩy các nhà xây dựng nhỏ vào tình cảnh phá sản. Một làn sóng hợp nhất công nghiệp mới đã bắt đầu.

Bạn có thể theo dõi nội dung của bài viết thông qua video của NCĐT:

Có thể bạn cũng quan tâm

* Hậu Covid-19, chuỗi cung ứng toàn cầu sẽ mở rộng ra nhiều quốc gia hơn và vững chãi hơn bao giờ hết?

* Những bài toán nan giải của Trung Quốc vào thời điểm khởi động lại nền kinh tế

Nguồn Bloomberg