Chủ Nhật | 19/08/2012 08:09

Cận cảnh những thành phố ma ở Trung Quốc

Vào thời điểm kinh tế bùng nổ, nhiều thị trấn cùng trung tâm mua sắm ồ ạt mọc lên ở Trung Quốc, song giờ đây chúng lại bị bỏ hoang.
Khi tăng trưởng chậm lại, những khoản đầu tư khổng lồ của Trung Quốc vào cơ sở hạ tầng trở nên khó duy trì hơn. Kết quả là một chuỗi các dự án đầy tham vọng như thị trấn, trung tâm mua sắm và thậm chí là cả những công viên, đã trở nên trống rỗng và tuyệt vọng.

Nhà quản lý cấp cao quỹ đầu tư tại Brown Shipley, ông Kevin Doran cho biết: "Mọi người không ít lần nhắc tới những thị trấn ma ở Ireland và Tây Ban Nha, nhưng Trung Quốc còn sở hữu nhiều thị trấn ma còn hơn vả Ireland và Tây Ban Nha.

Đầu tư vào cơ sở hạ tầng chiếm phần lớn trong tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của Trung Quốc. Nhưng khi tăng trưởng chậm lại và cung vượt quá cầu, Trung Quốc rất khó hãm phanh nền kinh tế do sở hữu lực lượng lao động quá lớn.

"Nếu sở hữu từ 7 tới 8 triệu người trong lực lượng lao động như Trung Quốc mỗi năm, phải cho họ làm việc để duy trì tính hợp pháp của chính phủ", ông Doran nói.

"Có thể ở thời điểm 15 năm trước, Trung Quốc đã làm những việc mang lại nhiều ý nghĩa - như xây dựng đường xá, đường sắt, điện... Nhưng ở thời điểm hiện tại, những khoản đầu tư của Trung Quốc chỉ vì mục đích duy nhất là tạo việc làm cho người lao động", ông Doran nhận định.

1. Thành phố Thành Công, Vân Nam

s

Nhà phân tích Holly Krambeck của Ngân hàng thế giới (World Bank) từng nhận xét: "Thành Công có tới 100.000 căn hộ mới khống có người ở".

Được thiết kế như một điểm định cư mới cho những người dân gần Côn Minh, thành phố với dân số lên tới gần 6,5 triệu người, thành phố Thành Công bắt đầu được hình thành từ năm 2003.

Các căn hộ cao cấp mọc lên như nấm sau mưa, song cho đến ngày nay phần lớn trong số chúng vẫn bị bỏ hoang sau khi các cơ quan chức năng thất bại trong nỗ lực thu hút cư dân mới.

Matteo Damiani, một nhà báo Italia từng làm việc 7 năm tại Côn Minh, từng tới thăm Thành Công vài lần và chụp ảnh về những tòa nhà cao tầng trống rỗng cùng những quảng trường vắng bóng người tại nơi đây. Ông tìm thấy một nhóm nhỏ các sinh viên, công nhân và nhân viên bảo vệ, song tuyệt nhiên không thấy bóng cư dân.

Ông Damiani còn cho biết Chenggong còn có một khu biệt thự vô cùng sang trọng nhưng cũng bị bỏ hoang.

Chenggong cũng được coi là một trong những thành phố ma lớn nhất Trung Quốc.

2. Khu mua sắm mới phía Nam Trung Quốc, Đông Quan, Quảng Đông

a

Danh hiệu trung tâm mua sắm bị bỏ hoang lớn nhất chắc hẳn phải thuộc về khu phức hợp khổng lồ, tọa lạc trên cùng ngoại ô của Đông Quan, thành phố với 10 triệu dân thuộc Quảng Đông, Trung Quốc.

Với quy mô dân số khổng lồ như vậy, nhiều người nghĩ một trung tâm mua sắm mọc lên chắc hẳn sẽ thu về không ít lợi nhuận. Tuy nhiên, trên thực tế, kể từ khi được hoàn thiện vào năm 2005, phần lớn trong số 1.500 gian hàng của trung tâm này bị bỏ hoang cho đến ngày nay.

Theo các nhà phân tích, nguyên nhân chủ yếu của tình trạng trên là do Đông Quan có cơ sở hạ tầng giao thông quá yếu kém. Một blogger từng nhận xét: "Khu trung tâm mua sắm thành phố Đông Quan quá kém may mắn khi bị xây dựng ở giữa một chốn đồng không mông quạnh".

Thậm chí, khi đài truyền hình SBS của Australia tới thăm khu mua sắm này, họ chỉ nhìn thấy một cửa hàng bán đồ chơi mở cửa và người bán hàng cho biết họ đã ngồi cả ngày trời mà không bán được bất cứ món đồ nào.

Tuy nhiên, điều đó không có nghĩa các nhà phát triển khu mua sắm không cố gắng thu hút người bán. Họ đã cho xây dựng một kênh đào, cối xay do, thậm chí còn xây dựng khu mua sắm phỏng theo mô hình của Venice hay Paris, song mọi nỗ lực đều trở nên vô ích.

Một blogger Hà Lan từng tới thăm nơi này viết: "Ở đây rất ít cửa hàng, nếu có cũng rất ít khách. Điều buồn cười nhất là ở đây treo một số tấm áp phích quảng cáo, trong đó mô tả những đứa trẻ da trắng hạnh phúc khi được tới đây mua sắm".

3. Công viên giải trí Wonderland, thị trấn Nam Khẩu, Trường Bình

a

Khu công viên giải trí, với một lâu đài đậm chất Disney cùng những thành lũy thời trung cổ, tọa lạc trên vùng đất phía Bắc thủ đô Bắc Kinh, được hoàn thành cách đây gần 20 năm. Nhưng kể từ đó, khu công viên này gần như đã bị lãng quên. Những người duy nhất tới ghé thăm nơi đây là những người nông dân, họ tới để chăm sóc những vườn rau được trồng trong các tòa nhà bị bỏ hoang.

Trong thập niên 1990, các nhà phát triển từng hứa hẹ sẽ xây dựng một khu công viên giải trí lớn nhất châu Á, song dự án đó đã dừng giữa chừng do những tranh chấp xoay quanh quyền sử dụng đất.

Bên cạnh đó, khu công viên này cũng không thu hút được khách thăm quan, giới truyền thông Trung Quốc cho biết.

4. Thị trấn sông Thames, Thượng Hải

a

Khu ngoại ô Thượng Hải này sở hữu một quảng trường lớn, một lâu đài, một nhà thờ theo kiểu Gothic, những con đường rải sỏi, một quán rượu cùng những tòa nhà kiểu Georgia, những bước tượng nổi tiếng của người Anh như Winston Churchill, James Bond hay Harry Porter.

Thị trấn sông Thames của Thượng Hải từng kỳ vọng trở thành trung tâm của ngành công nghiệp tổ chức đám cưới, song kết quả lại không như vậy.

Một bài báo từ trang Business Insider từng nhận xét: "Đây thực chất là một thành phố ma, các cửa hàng trống rỗng, trong khi những con đường đều vắng bóng người đi lại".

Mặc dù vậy, mọi thứ chưa hẳn đều tồi tệ, các căn hộ vẫn được rao bán cho những ai muốn đầu tư hoặc muốn sở hữu một nơi nghỉ dưỡng.

Mới đây, có thông tin cho rằng các nhà phát triển chuẩn bị xây dựng một thị trấn khác theo kiểu Anh ở gần Bắc Kinh. Trong khi đó, một quan chức Trung Quốc cho biết chính quyền Thượng Hải đang có kế hoạch làm sạch con sông chảy qua thị trấn, đồng thời sẽ cho tu sửa cảnh quan và biến nơi đây thành danh lam thắng cảnh theo mô hình miền quê nước Anh kiểu mẫu.

5. Khu kinh doanh mới, Yujiapu, Thiên Tân.

a

Nếu các nhà phát triển Trung Quốc đi đúng hướng, chắc hẳn Yujiapu có thể được gắn liền với cái mác khu tài chính quốc tế từ một thập kỷ trước. Bắc Kinh hùng hồn tuyên bố họ đang đặt nền móng cho việc phát triển một khu tài chính lớn nhất thế giới tại thành phố cảng phía Bắc Thiên Tân.

Tuy nhiên, tham vọng đó đã phải bị định hình lại, và giờ đây giới chức Trung Quốc chỉ dám hy vọng Yujiapu sẽ trở thành một "Thượng Hải thứ hai".

Thiên Tân giờ đây đang chuyển mình thành một thành phố dành riêng cho hoạt động góp vốn tư nhân của Trung Quốc, chuyên cung cấp các chính sách giảm thuế để khuyến khích các doanh nghiệp mở cửa hoạt động tại đây.

Trong khi đó, chính quyền thành phố Thiên Tân dự kiến sẽ thiết lập một khu không gian dành riêng cho văn phòng chất lượng cao.

Nguồn BBC/Khampha


Sự kiện