Cận cảnh kinh tế Myanmar giai đoạn mở cửa
Miễn thuế, thêm ưu đãi
Myanmar dự kiến sớm thông qua kế hoạch về khoảng thời gian miễn thuế và các ưu đãi khác cho nhà đầu tư nước ngoài trong tuần này, ngay trước thềm bầu cử quốc hội đang được theo dõi sát sao vào 1/4 tới. Đây là cuộc bầu cử đầu tiên bà Suu Kyi, lãnh tụ phong trào dân chủ tham gia ứng cử.
Ngoài những thay đổi chính về luật đầu tư, Myanmar còn có kế hoạch đơn giản hóa chế độ tỷ giá hối đoái, giúp ngân hàng trung ương hoạt động độc lập hơn và mở cửa nền kinh tế chào đón các công ty điện thoại và ngân hàng nước ngoài.
Ban hành luật đầu tư mới là bước đi tiếp theo của chính phủ Myanmar sau những cải cách khiến lãnh đạo và các nhà điều hành kinh doanh Phương Tây nhiệt tình, hăng hái hơn trong những năm vừa qua. Một số hối thúc việc chấm dứt các lệnh cấm vận trong nhiều thập kỷ đối với Myanmar, giúp chuyển quyền lực từ chế độ quân sự sang chính phủ quốc hội vào năm ngoái. Mỹ và một số lãnh đạo phương Tây đưa ra nhận định rằng có thể Myanmar sẽ sớm thay đổi các đạo luật chính yếu nếu như cuộc bầu cử bổ sung vào 01/04 lấp đầy số lượng ít ỏi ghế trống, diễn ra trong tự do và công bằng.
Nhiều tập đoàn toàn cầu đã và đang rất quan tâm đến thị trường đầy tiềm năng này, trong đó có GE Healthcare, thuộc tập đoàn General Electric Co., đã hợp tác với một công ty Myanmar vào cuối tháng 2 vừa qua và Standard Chartered PLC thì đang mong muốn trở lại thị trường này.
Khi có nhiều nhà đầu tư để mắt đến Myanmar hơn, thì những khó khăn trong kinh doanh lại càng hiện rõ. Đạo luật mới có thể cải thiện đáng kể môi trường kinh doanh của Myanmar sau nhiều thập kỷ bị cô lập với thế giới bên ngoài, nhưng chúng không thể bù đắp lại những yếu kém quá lớn về cơ sở hạ tầng, hệ thống luật pháp khó đoán định trước, hệ thống ngân hàng còn non trẻ và khâu xây dựng chính sách còn chưa rõ ràng.
Tăng cường dịch vụ bổ trợ
Theo Paul Wagner, doanh nhân khởi nghiệp xuất nhập khẩu đến từ Colorado, thì các nhà đầu tư như ông, phải đối mặt với nhiều thách thức. Khi dịch vụ điện thoại vẫn còn sơ khai thì việc tìm kiếm, liên lạc đối tác trở nên khó khăn hơn. Việc chuyển tiền ra vào quốc gia này cũng là một vấn đề nan giải, cho dù lệnh cấm vận nhằm hạn chế giao dịch tài chính đã được Mỹ dỡ bỏ.
Pháp luật Myanmar cũng chưa có quy định cho phép người nước ngoài được thiết lập ngân hàng cho vay tại đây. Thẻ tín dụng chưa phổ biến và các thể chế tài chính tại quốc gia này cũng mới chỉ bắt đầu áp dụng công nghệ thúc đẩy giao dịch với các ngân hàng nước ngoài.
"Làm sao tôi có thể trả $100,000 USD cho một ai đó khi tôi phải mang toàn bộ tiền trong một cái va-li?" ông nói. "Tôi không thể mở rộng kinh doanh tại Myanmar khi thiếu các dịch vụ ngân hàng."
Lo ngại khác nữa đang ngày càng gia tăng như việc Myanmar vẫn chưa có chuyên môn kỹ thuật để xử lý các khoản đầu tư không được kiểm soát do thay đổi quyền lãnh đạo mới đây nhất, hay giải quyết nguy cơ doanh nghiệp trong nước bị đẩy lùi bởi các đối tác nước ngoài hoạt động hiệu quả hơn.
Các quốc gia khác trong khu vực, trong đó có Campuchia và Việt Nam, đã trải qua những khó khăn kinh tế sau khi mở cửa đón các nhà đầu tư nước ngoài trong những năm gần đây. Lạm phát ở Campuchia đã tăng vọt lên gần 100% một tháng khi viện trợ nước ngoài tràn vào thời điểm những năm 90. Mặc dù các nhà phân tích không cho rằng Myanamar sẽ trải qua những điều tồi tệ tương tự, nhưng một số đánh giá rằng nếu Myanmar mở cửa cho nhà đầu tư nước ngoài quá nhanh thì quốc gia này sẽ phải đối mặt với các vấn đề riêng của mình như lạm phát, bất ổn xã hội hoặc kinh tế vĩ mô.
"Cải cách diễn ra giống như khi chúng ta chạy đua trong bao tải, chúng ta nhảy lò cò vòng quanh. Chúng tôi không có những quan chức được đào tạo đầy đủ để tiến hành cải cách đúng đắn nhất" Maung Maung Lay, phó chủ tịch Hiệp Hội Thương Mại và Công Nghiệp Myanmar, đại diện cho bộ phận doanh nghiệp Myanmar chia sẻ.
"Có thể chúng tôi sẽ bị lấn áp," ông nói. "Chúng tôi không có vốn, công nghệ và nguồn lực để cạnh tranh" với doanh nghiệp nước ngoài.
Thả nổi tiền tệ
Các nhà phân tích cũng chú ý đến kế hoạch thả nổi một phần tiền tệ Myanmar, đồng kyat vào tháng tới. Mặc dù vẫn chưa có thông tin chi tiết, ý tưởng này nhằm loại bỏ hệ thống phức tạp với tỷ giá chính thức là khoảng 6 kyat một USD, trong khi tỷ giá giao dịch trên thực tế vào khoảng 800 kyat một USD. Việc thống nhất tỷ gía hối đoái sẽ giúp các công ty nước ngoài hoạt động dễ dàng hơn ở Myanmar.
Theo một quan chức thuộc Bộ Kế hoạch và Phát triển Kinh tế Quốc gia thì đạo luật đầu tư nước ngoài mới sẽ miễn giảm thuế cho nhà đầu tư nước ngoài trong thời gian lên tới 5 năm và mở rộng quyền phân phối sản phẩm tại quốc gia này.
Luật mới cũng sẽ trao cho nhà đầu tư nước ngoài quyền thuê đất tư nhân và cho phép chuyển 100% lợi nhuận về nước cũng như nhập khẩu lượng lớn lao động có tay nghề, mà hiện tại không được phép tại Myanmar, theo lời Aung Naing Oo, Phó tổng giám đốc, Ban giám đốc Đầu tư và Quản lý doanh nghiệp, Bộ phát triển kinh tế Myanmar. Bộ luật đã được Nội Các thông qua và có thể được quốc hội phê duyệt lần cuối trong tuần này, ông nói.
Với đạo luật mới "chắc chắn các khoản đầu tư sẽ tăng lên," Nay Zin Latt, cố vấn cho Tổng thống Myanmar Thein Sein khẳng định. Đạo luật mới cũng sẽ thu hút nhiều chuyên gia quản lý, giúp giải quyết các lo ngại về khả năng xử lý quá nhiều tiền đầu tư. Myanmar đang được Quỹ Tiền Tệ Quốc Tế IMF hỗ trợ tư vấn về kỹ thuật.
Ông nói chính phủ cũng sẽ thiết lập hệ thống tương tự ở Myanmar nhằm ưu tiên một số doanh nghiệp trong nước, đảm bảo các doanh nghiệp này vẫn có chỗ đứng trong một số lĩnh vực sản xuất, kinh doanh.
Một số thay đổi khác được khởi xướng trong những tuần qua có thể sẽ mất nhiều thời gian hơn để thực hiện. Luật viễn thông, kỳ vọng sẽ cấp phép cho 4 mạng viễn thông mới cho người nước ngoài, vẫn chưa được trình lên quốc hội. Luật ngân hàng được kỳ vọng sẽ giúp ngân hàng trung ương độc lập hơn trong việc xác định lãi suất, có thể giúp ổn định kinh tế vĩ mô.
Cho đến 2015 thì các ngân hàng nước ngoài vẫn chưa được phép hoạt động tại Myanmar, U Than Lwin, phó chủ tịch Ngân hàng KBZ, ngân hàng thương mại lớn nhất Myanmar khẳng định.
Các công ty quốc tế tiếp tục vây quanh quốc gia này. Nếu các doanh nghiệp Phương Tây không nhanh chân, thì chúng tôi sẽ phải theo sau nhặt mảnh vụn mà Nhật bản và Hàn Quốc để lại, David Peck, giám đốc điều hành Arrow Technologies Pte., nói.
Nguồn VEF