Campuchia - "Thỏi nam châm" mới thu hút đầu tư của châu Á
Chi phí tiền lương tăng với tốc độ 2 con số cùng tình trạng thiếu hụt nguồn cung lao động cho các công việc chân tay đã hối thúc nhiều công ty chuyển dây chuyền sản xuất đến các nước có chi phí rẻ hơn như Việt Nam, Bangladesh, Indonesia hay Lào.
Theo Angie Lau, CEO của hãng sản xuất nội y Clover, công ty của bà nhận thấy hoạt động ở Campuchia dễ dàng hơn nhiều so với ở Ấn Độ - nơi Clover cũng đặt nhà máy. Hơn nữa, năng suất của các lao động Campuchia đang tăng lên nhanh chóng, ngang ngửa với tốc độ đã từng có ở Trung Quốc.
Campuchia, đất nước chỉ có 15 triệu dân, đang chứng kiến nền kinh tế chuyển biến mạnh mẽ với các nhà máy hiện đại “mọc lên như nấm” tại thủ đô Phnom Penh và các vùng biên giới gần Thái Lan. Dòng vốn đầu tư cũng đang chuyển dịch từ Thái Lan sang nước này.
Năm ngoái, vốn đầu tư đột ngột tăng mạnh bởi các công ty Hong Kong và Nhật Bản đẩy mạnh tìm kiếm lao động giá rẻ. Theo ước tính của Peter Brimble, chuyên gia kinh tế cao cấp tại Ngân hàng phát triển châu Á (ADB), lượng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài đổ vào Campuchia sẽ tăng từ mức 850 triệu của năm 2011 lên tới 1,51 tỷ USD trong năm 2012. Các lĩnh vực thu hút được nhiều đầu tư nhất bao gồm công nghiệp, nông nghiệp và tài chính.
Hiện nay, lương tại các nhà máy ở Campuchia cũng tăng từ mức 85 – 100 USD/tháng của 3 năm trước lên 110 – 130 USD/tháng. Tuy nhiên, đây vẫn là mức thấp hơn nhiều so với con số 400 USD/tháng tại các nhà máy Trung Quốc.
Thêm vào đó, tranh chấp biển đảo càng thúc đẩy các nhà đầu tư Nhật Bản quyết định đổ vốn vào Campuchia, đặc biệt là vùng biên giới với Thái Lan. Hồi đầu tháng trước, thủ tướng Campuchia Hun Sen đã có mặt tại lễ động thổ công trình trung tâm thương mại tại Phnom Penh với chủ đầu tư là hãng bán lẻ Aeon của Nhật Bản.
Đường phố Campuchia cũng đang thay đổi nhanh chóng với những chiếc xe thể thao được lái bởi các doanh nhân Trung Quốc. Nhiều cửa hàng phục vụ đồ ăn Trung Hoa chật ních thực khách là giám đốc của các công ty Trung Quốc.
Các nhà đầu tư nước ngoài rất hài lòng với thái độ đón tiếp nhiệt tình và rất ấn tượng với lực lượng lao động trẻ tuổi được đào tạo khá bài bản của Campuchia. Ông chủ của 1 nhà máy sản xuất xe máy quy mô nhỏ vừa bắt đầu hoạt động ở Campuchia hồi năm ngoái cho biết nhà máy này đạt tới 80% công suất so với nhà máy ở Trung Quốc. “Campuchia sắp bắt kịp Trung Quốc”, ông nói.
Tuy nhiên, không phải tất cả những tác động mà dòng vốn mang lại đều là tích cực. Các nhà máy cần đất đai để mở rộng hoạt động và điều này dẫn đến nhiều vụ mâu thuẫn tranh chấp đến nỗi trong năm 2011, Ngân hàng Thế giới đã phải ngừng giải ngân cho Campuchia. Hồi tháng 11 năm ngoái, khi tổng thống Mỹ Barack Obama có chuyến thăm tới Campuchia, đại sứ quán Mỹ đã bị vây quanh bởi người biểu tình.
Theo ông Brimble, tham nhũng không phải là vấn đề lớn khi đầu tư vào Campuchia bởi đất nước này phải đối mặt với những khó khăn khác như thiếu hụt tầng lớp chuyên gia có trình độ cao hay vấn đề giá điện ở Campuchia quá cao trong khi mạng lưới điện lại không ổn định.
Nguồn CafeF