Chủ Nhật | 15/07/2012 17:21

California trở thành Hy Lạp của Mỹ?

3 thành phố thuộc bang California gồm Mammoth Lakes, San Bernardin, Stockton đệ đơn xin bảo lãnh phá sản chỉ cách nhau vài tuần.
Thành phố 210.000 dân ở phía đông Los Angeles-San Bernardin, California đã quyết định đệ đơn bảo lãnh phá sản lên tòa án vào ngày 10/7. Động thái này diễn ra chỉ vài tuần sau khi Stockton, thành phố 292.000 dân phía đông San Francisco trở thành thành phố tuyên bố vỡ nợ lớn nhất trong lịch sử nước Mỹ. Mammoth Lakes, California, cũng tìm kiếm "nơi trú ẩn" tương tự vào tháng này.

Ba thành phố thuộc bang California đều gặp khó khăn về tài chính do nguồn thu từ thuế giảm, chi phí tuyển dụng tăng, và các dự án công kém hiệu quả. Trong năm tài khóa này, thâm hụt ngân sách của San Bernardino là 45 triệu USD, của Mammoth Lakes là 43 triệu USD và mức thâm hụt của thành phố Stockton là 26 triệu USD.

Những thành phố này nộp đơn xin bảo lãnh phá sản theo quy định của chương 9 Luật phá sản của Mỹ nhằm tìm kiếm sự chấp thuận của tòa án đối với kế hoạch cân bằng doanh thu và các khoản nợ trong thời gian đình chỉ thanh toán cho các chủ nợ.

Hiệu ứng domino này có thể khiến bang California trở thành phiên bản Hy Lạp thứ 2 của Mỹ, đồng thời cảnh báo nền kinh tế lớn nhất thế giới về các nguy cơ trong lĩnh vực tài chính đối với các thành phố trực thuộc Trung ương.

California nằm ven biển phía tây, với diện tích 410.000 km2 là tiểu bang lớn thứ 3 của Mỹ. California từng là nơi trú ẩn của những người theo chủ nghĩa bảo thủ như cựu Tổng thống Ronald Reagan và giờ đây nhiều thành phố ở bang này đang rơi vào trường hợp Hy Lạp với việc thâm hụt chi tiêu do đầu tư vào các dự án vượt quá mức chi trả.

Giống như nhiều quốc gia đang gặp khó khăn khác, chính quyền ở các thành phố thuộc bang California đang phải đối mặt với nguy cơ vỡ nợ do tình trạng dân số đang già đi kèm theo lương hưu và chi phí chăm sóc sức khỏe cho người nghỉ hưu tăng cao. Trong khi đó, cuộc suy thoái kéo dài nhất lịch sử kể từ những năm 1930 đã làm giảm lợi nhuận thu được từ thuế.

Hơn nữa, sau khi phục hồi từ thời kỳ suy thoái kinh tế cùng với những rủi ro từ khủng hoảng nợ châu Âu, tăng trưởng kinh tế Mỹ hiện đang khá chậm chạp. Việc Cục dự trữ liên bang Mỹ (Fed) chưa sẵn sàng thực hiện vòng mua tài sản tiếp theo bằng cách tung ra gói nới lỏng định lượng lần 3 (QE3) có thể đã khiến nhiều nhà đầu tư thất vọng.

Trên thực tế, nguồn cung tiền này của Mỹ đã thực sự tăng lên rất nhiều trong khi hiệu quả đạt được chỉ tối thiểu. Một số lượng tiền lớn được bơm ra phải có tác dụng kích thích kinh tế bằng cách ảnh hưởng đến sức mua, tạo việc làm, cho vay bất động sản nhằm giúp đất nước thoát khỏi suy thoái.

Tuy nhiên, chính John Williams, Chủ tịch của Fed ngày 12/7 cũng đã nhận định rằng "Fed sẽ không đạt được mục tiêu việc làm, lạm phát trong vài năm". Những nỗ lực nhằm thúc đẩy xa hơn sự thịnh vượng kinh tế mà Fed không đạt được một phần là do Quốc hội đã thất bại trong việc điều hành kinh doanh có hiệu quả trong 3 năm qua.

Bế tắc trong chương trình tăng thuế cắt giảm chi tiêu tự động - hay còn gọi là vách đá tài chính có thể sẽ đẩy Mỹ rơi vào suy thoái "kiểu euro". Và tất cả mọi người dân, đặc biệt là những chủ sở hữu trái phiếu của các thành phố thuộc bang California nên cảnh giác về nguy cơ này.

Nguồn Washington Times/DVT


Sự kiện