Thứ Bảy | 25/01/2014 11:12

Cái giá của tăng trưởng quá nóng ở các thị trường châu Á mới nổi

Do năng suất sụt giảm, chính phủ các quốc gia mới nổi đã phải bơm một lượng tiền ngày càng nhiều vào nền kinh tế để thúc đẩy tăng trưởng.
Các nền kinh tế mới nổi ở châu Á đang có tốc độ tăng trưởng nhanh hơn nhiều so với những khu vực khác trên thế giới. Tuy nhiên, để đạt được tốc độ tăng trưởng nhanh, những quốc gia này phải trả một cái giá khá đắt.

Nhu cầu tăng trưởng: Các quốc gia châu Á mới nổi cần một lượng vốn ngày càng lớn để tạo ra tăng trưởng. Hệ số ICOR (hệ số đầu tư tăng trưởng) của Trung Quốc, Ấn Độ, Inđônêxia, Malaysia và Thái Lan.
Nhu cầu tăng trưởng: Các quốc gia châu Á mới nổi cần một lượng vốn ngày càng lớn để tạo ra tăng trưởng. Hệ số ICOR (hệ số đầu tư tăng trưởng) của Trung Quốc, Ấn Độ, Inđônêxia, Malaysia và Thái Lan.

Lượng vốn đầu tư của các quốc gia mới nổi ở châu Á tăng lên nhanh chóng kể từ khi cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu kết thúc.

Do năng suất sụt giảm, chính phủ các quốc gia mới nổi đã phải bơm một lượng tiền ngày càng nhiều vào nền kinh tế để thúc đẩy tăng trưởng trong bối cảnh thiếu hụt các cải cách cơ cấu căn bản.

"Các nhà hoạch định chính sách đã chọn con đường sai lầm. Họ đẩy nhanh tốc độ tăng trưởng nhưng lại khiến cho năng suất sụt giảm", Chetan Ahya, chuyên gia kinh tế của Morgan Stanley cho biết. Điều này sẽ hạn chế khả năng của chính phủ trong việc điều tiết các hoạt động kinh tế (trong tương lai) và tốc độ tăng trưởng kinh tế sẽ chậm lại nếu những cải cách (cơ cấu) không được thực hiện.

Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) đã kêu gọi các nhà hoạch định chính sách tại những quốc gia châu Á mới nổi thực hiện cải cách cơ cấu để nâng cao năng suất thông qua việc giải quyết tình trạng thiếu hụt lao động có tay nghề, nới lỏng các quy định về thị trường lao động và loại bỏ các rào cản đối với đầu tư.

Trung Quốc - nơi chính phủ trung ương khuyến khích chính quyền địa phương đẩy mạnh tăng trưởng tín dụng sau cuộc khủng hoảng toàn cầu 2007-2008 - là một ví dụ điển hình về việc năng suất bị sụt giảm. Kế hoạch cải cách gần đây của Trung Quốc nhằm đưa nhu cầu tiêu dùng nội địa trở thành động lực quan trọng thúc đẩy tăng trưởng kinh tế sẽ giải quyết vấn đề này. Tuy nhiên, sẽ mất nhiều thời gian để chương trình cải cách đạt được kết quả.

Chính phủ Thái Lan khuyến khích các hộ gia đình chi tiêu vượt quá khả năng để thúc đẩy tăng trưởng, thông qua các chương trình như trợ giá cho người dân lần đầu mua xe hơi và nhà ở. Chương trình trợ giá lúa gạo khiến cho quốc gia này mất một thị phần đáng kể trên thị trường lương thực.

Sụt giảm năng suất không phải hoàn toàn do chính sách của chính phủ. Khả năng cạnh tranh của Indonesia trong một số lĩnh vực hàng hóa chủ chốt sụt giảm do đồng rupiah mất giá và giá cả của một số hàng hóa cơ bản trên thị trường toàn cầu giảm mạnh.

Cùng với gánh nặng nợ và năng suất sụt giảm, vấn đề nợ xấu gia đang gia tăng ở Trung Quốc và Ấn Độ khiến cho nhu cầu toàn cầu suy yếu. Số dân ở độ tuổi lao động tại châu Á sụt giảm sẽ khiến cho các chính phủ gặp nhiều khó khăn trong việc duy trì tốc độ tăng trưởng bền vững.

"Các nhà hoạch định chính sách mới chỉ bắt đầu nhận ra những vấn đề trên. Tuy nhiên, tốc độ cải cách diễn ra rất chậm", ông Ahya nói. "Tôi không nghĩ tăng trưởng kinh tế sẽ tăng tốc trong năm 2014."

Nguồn Dân Việt/Wall Street Journal


Sự kiện