Thứ Tư | 09/01/2013 11:55

Cải cách tài chính Trung Quốc: Sông không có đá, biết dò cái chi?

Trung Quốc luôn cải cách kiểu “dò đá qua sông”, lần này liệu họ có “dò đá” để qua được dòng sông cải cách tài chính?
Các nhà đầu tư cả tin có thể dễ dàng bị mất trắng tiền tiết kiệm trong khi Trung Quốc đang cố tuyên truyền cho những con người cả tin này ngay cả ở trên phố.

Các bức tường dàn đầy tranh cổ động minh họa nguy cơ của kế hoạch Ponzi dùng tiền của người đến sau để trả cho người đến trước. Ví dụ như có một bức họa vẽ một kẻ lừa đảo cầm một bình lớn đầy tiền, ngồi trên đỉnh một kim tự tháp người, tương trưng cho nguyên lý của một kế hoạch Ponzi.

1

Theo một bài báo trên tờ China Daily, nguyên lý Ponzi thậm chí còn bén rễ vào một số ngân hàng tại Trung Quốc. Bài báo này gây tiếng vang vì tác giả của nó là chủ tịch của một "tứ đại gia" ngân hàng Trung Quốc và nhiều khả năng sẽ lên nắm Ngân hàng nhân dân Trung Quốc (PBOC) vào cuối năm 2013, ông Tiêu Cương.

Ông Tiêu lo lắng trước sự nổi lên của các sản phẩm quản lý tài sản có kỳ hạn cố định (WMP), thường ít hơn 6 tháng, và lấy tiền thu về để đầu tư vào nhiều loại tài sản tài chính, từ tín phiếu ngắn hạn tới các dự án bất động sản dài hạn.

Một số sản phẩm do ngân hàng phát hành. Số khác chỉ được phân phối qua ngân hàng.

Ông Tiêu cho rằng các sản phẩm ngắn hạn dùng để tài trợ cho các dự án dài hạn sẽ tạo ra hiện tượng kỳ hạn không tương xứng. Ông lo một số dự án kém thực ra chỉ trả được nợ ngân hàng nhờ huy động vốn mới qua WMP, tức đây chỉ là một hình thức huy động vốn kiểu Ponzi.

Rất khó đo đếm, hay thậm chí đưa ra định nghĩa, về WMP. Theo bà Charlene Chu từ Fitch Ratings, cho đến cuối năm 2012, có thể chúng đã huy động được 12.000 tỷ nhân dân tệ (1,9 tỷ USD), tương đương với khoảng 16% tiền gửi từ ngân hàng thương mại. Nhưng số liệu trên chỉ tính các sản phẩm do ngân hàng phát hành, thường chỉ có lãi suất thấp khoảng 4%.

Còn những thứ như sản phẩm trị giá 160 triệu nhân dân tệ của Trung tâm đầu tư tài sản Trọng Đinh với lợi tức hứa hẹn 11-13% nhờ đầu tư vào đại lý xe hơi, công ty sản xuất tivi và hiệu cầm đồ thì chưa tính tới.

Sản phẩm tai tiếng này được một nhân viên ngân hàng Hoa Hạ tại Thượng Hải bán cho khách của ngân hàng này. Nhưng phía ngân hàng không cho rằng mình phải chịu trách nhiệm khi hàng trăm nhà đầu tư thất thần vì Trọng Đinh vỡ nợ hồi cuối tháng 11.

Trước vụ việc đó, cơ quan giám sát ngân hàng Trung Quốc đã yêu cầu phía Hoa Hạ khẩn trương kiểm tra lại tất cả các sản phẩm của bên thứ ba mà họ đang phân phối.

Trung Quốc vừa dư thừa tiết kiệm (gần một nửa GDP năm 2012), vừa thiếu các kênh đầu tư phù hợp cho tiết kiệm. Thị trường trái phiếu manh mún, đặc biệt là với nhà đầu tư nhỏ lẻ, còn thị trường cổ phiếu lại đáng ngờ do kiểm toán “có vấn đề” vào giao dịch nội gián phổ biến.

Bất động sản vẫn được chuộng nhưng chính phủ lại đang ngăn chặn tình trạng đầu cơ nhà đất. Với nhiều người, gửi tiền tiết kiệm là chuyện mặc nhiên nhưng lãi suất rất thấp do chính phủ quy định mức trần.

Trong bối cảnh ấy, thật dễ hiểu vì sao nhà đầu tư đổ xô mua WMP. Cái khó hiểu là ở chỗ tại sao chính phủ lại làm ngơ. Vì sao có trần lãi suất tiền gửi mà lợi suất cho một thứ gần tương tự lại được thả nổi? Vì sao không có hành lang pháp lý cho các ngân hàng hoạt động?
Có vẻ thật nghịch lý nhưng biện pháp cải cách tài chính này thực ra lại chính là cách Trung Quốc tiến hành mọi cải cách kinh tế. Nước này cải cách từng chút một, hay “dò đá qua sông” như lời cựu lãnh tụ Đặng Tiểu Bình.

Ví dụ như sau năm 1978, nước này vẫn giữ nguyên rất nhiều chỉ tiêu kế hoạch hóa tập trung. Nhưng nông dân và doanh nghiệp được phép bán số sản phẩm sản xuất vượt chỉ tiêu theo giá thị trường.

Thay vì dẹp bỏ kế hoạch hóa, Trung Quốc thoát khỏi nó theo kiểu “xé rào”, như lời ông Barry Naughton từ ĐH California tại San Diego nói.

Một số nhà phân tích cho rằng WMP vừa là cách các ngân hàng Trung Quốc “xé rào”, vừa buộc họ cạnh tranh tích cực để huy động vốn, nếu không nhà đầu tư sẽ bỏ sang các ngân hàng khác chào mời hấp dẫn hơn.

Nhờ WMP, nhà đầu tư sẽ hưởng lợi trong một thị trường ngân hàng cạnh tranh hơn, tương tự như nông dân và doanh nghiệp hưởng lợi nhờ kinh tế thị trường trong những năm 1980 trong khi vẫn hoàn thành các nghĩa vụ của kế hoạch kinh tế.

Nhưng biện pháp này chỉ hiệu quả nếu chính phủ có khả năng kiểm soát giá. Với ngành ngân hàng, đây là chuyện rất khó. Chính phủ có thể kiểm soát giá tiền gửi tiết kiệm nhưng không thể kiểm soát “lượng” mà doanh nghiệp và hộ tiêu dùng cung ứng.

WMP tăng trưởng mạnh cho thấy người gửi tiền đang chuyển dần sang loại sản phẩm này. “Tiền gửi đang mất dần tính hấp dẫn của mình,” bà Chu viết.

Vấn đề là nhà nước có thể vẫn phải đứng ra can thiệp nếu mọi chuyện đổ bể.

Mặc dù chỉ 15-20% số WMP do ngân hàng phát hành được công khai bảo đảm thanh toán, thực tế các ngân hàng luôn đứng sau sản phẩm của mình. (Sản phẩm của bên thứ ba phân phối qua ngân hàng lại là chuyện khác).

Khi phát hành WMP, ngân hàng đang kinh doanh trên uy tín của chính mình. Nhưng uy tín họ bán lại không phải của họ. Uy tín này là vay từ nhà nước.

Trong 15 năm qua, chính phủ Trung Quốc mới chỉ đóng cửa có duy nhất một ngân hàng. Và tiền gửi nhận được sự bảo đảm ngầm của chính phủ.

Mới gần đây thôi, ngân hàng Trung Quốc còn được nhà nước bảo vệ với điều kiện phải bị can thiệp vào hoạt động. WMP ra đời cho phép ngân hàng có thêm tự do mà không mất đi lớp bảo vệ kể trên.

Vì bảo hiểm tiền gửi từ phía nhà nước không được công khai nên giới hạn bảo hiểm cũng không giới hạn. Nhiều người mua WMP sẽ thở phào nhẹ nhõm trước thông tin này. Họ có thể nghĩ lại nếu Trung Quốc chính thức cho ra đời hệ thống bảo hiểm tiền gửi, giới hạn số tiền được bảo hiểm và lấy nguồn tiền bồi thường từ chính các ngân hàng.

Trong khi ấy, các sản phẩm của bên thứ ba như tại ngân hàng Hoa Hạ phải bị để im cho phá sản. Thua lỗ ấy sẽ là minh họa cho rủi ro của đầu cơ tài chính sống động hơn nhiều so với mấy bức tranh cổ động vẫn treo ngoài đường.

Nguồn CafeF


Sự kiện