Cải cách đặc khu kinh tế tại Nhật Bản: Bình mới rượu cũ?
Đặc khu kinh tế nổi tiếng nhất và cũng thành công nhất trên thế giới hiện nay là đặc khu Thâm Quyến của Trung Quốc.
Năm 1979, nhà lãnh đạo Trung Quốc - Đặng Tiểu Bình bắt đầu lựa chọn phát triển kinh tế tiểu nông tại thành phố nằm ở phía bắc Hong Kong. Mục tiêu của ông là nhằm kiểm nghiệm mô hình kinh tế thị trường tự do và kết quả là Thâm Quyến, từ một thử nghiệm đã tăng trưởng nhanh chóng để trở thành một thành phố công nghiệp thực sự.
Mặc dù đã chuyển đổi sang mô hình chủ nghĩa tư bản từ lâu, nhưng Nhật Bản đã thất bại trong quá trình thử nghiệm của những ý tưởng quá cấp tiến so với phần còn lại của đất nước.
Bất chấp những thất bại trước đó, một lần nữa thủ tướng Shinzo Abe lại đặt những đặc khu kinh tế vào vị trí trung tâm trong kế hoạch phục hưng kinh tế của mình. Sau nhiều thập kỷ hoạt động kém hiệu quả, liệu lần này Abenomics có giúp Nhật Bản chuyển đổi thành công như Thâm Quyến của Trung Quốc hay không?
Những vị trí đặt các đặc khu kinh tế sẽ sớm được công bố, nhưng gần như các thành phố lớn như Tokyo, Osaka và Nagoya sẽ là những ứng viên hàng đầu.
Đằng sau kế hoạch phát triển đặc khu kinh tế của ông Abe là mục tiêu kép.
Mục tiêu đầu tiên là nhằm tạo ra các trung có thể thu hút nhiều công ty toàn cầu và lao động quốc tế từ London hay New York.
Để đạt được mục tiêu trên, nhiều biện pháp hỗ trợ sẽ được thực hiện, như giảm thuế, đơn giản hóa luật nhập cư. Thậm chí, một ý tưởng mới lạ được nêu lên, đó là cho phép các bác sĩ nước ngoài được hành nghề trong các đặc khu. Ý tưởng độc đáo nhưng chắc chắn sẽ phải đối mặt với sự phản đối của khu vực y tế địa phương.
Ngành công nghiệp Nhật Bản cũng có thể đạt được giải phóng hơn, nhờ những chiếc xe không người lái được cho phép chạy trên con đường rộng rãi và robot cũng được phép kết hợp nhiều hơn cung với hoạt động sản xuất của con người.
Mục tiêu thứ 2 của ông Abe chính là lời khẳng định: đặc khu kinh tế - một điển hình cho việc bãi bỏ những quy định. Mũi tên thứ 3 của ông Abe hướng tới cải cách cấu trúc của nền kinh tế. Nhưng lần công bố mũi tên thứ 3 của ông tỏ ra kém ấn tượng, hồi tháng 6 vừa rồi. Bởi kế hoạch của ông chưa chú trọng giải quyết các vấn đề trọng tâm cần sửa chữa trong nhiều lĩnh vực như dịch vụ y tế, nông nghiệp và thị trường lao động.
Các công ty lớn là một ví dụ. Họ muốn có quyền tự do hơn trong việc sa thải lao động toàn thời gian, điều trước nay hầu như không thể làm ở Nhật Bản.
Dĩ nhiên, điều các chính trị gia như ông Abe lo ngại là tỷ lệ thất nghiệp có thể tăng nhanh và gia tăng sự bất bình đẳng trong xã hội và sẽ kích thích những phản ứng xã hội ngay lập tức.
Nhưng trong khuôn khổ một khu vực nhỏ như đặc khu kinh tế thì thử nghiệm cải cách như vậy sẽ dễ dàng hơn nhiều. Một khi lợi ích từ những thử nghiệm trên trở nên rõ ràng, việc nhân rộng quy mô cải cách sẽ không còn là vấn đề lớn.
Những báo cáo gần đây cho thấy rằng, nhiều cải cách có thể sẽ mang ảnh hưởng sâu rộng, đặc biệt là quy định sa thải lao động và trả tiền lương. Theo ước tính của Nomura-ngân hàng đầu tư tại Nhật Bản, nếu luật lệ mới về lao động được nới lỏng trong 3 thành phố lớn thì một phần tư lực lượng lao động của Nhật Bản, tương đương khoảng 5 triệu người, sẽ bị ảnh hưởng bởi quy định mới.
Một ý tưởng khác là tạo ra một khu vực nông nghiệp khổng lồ trên đảo Hokkaido, nơi các công ty sẽ được phép sở hữu đất nông nghiệp riêng, chứ không phải thuê như trước. Điều này có thể giúp hiện đại hoá nền nông nghiệp Nhật Bản.
Để hiện thực hóa kế hoạch phát triển những đặc khu kinh tế thực sự hiệu quả, thủ tướng Abe sẽ phải đấu tranh với nhiều ý kiến chưa thống nhất trong nội các, cũng như làn sóng phản đối từ tầng lớp người lao động.
Nước Nhật đang có các khu kinh tế rải rác. Nhóm đầu tiên với gần 1000 khu từng được chính phủ Nhật Bản dưới thời Junichiro Koizumi lựa chọn trong giai đoạn 2001-2006. Nhưng phần lớn đã thất bại, nguyên nhân chủ yếu do các quan chức trung ương từ chối nhiều ý kiến cho bãi bỏ quy định vì sợ vi phạm quyền lợi.
Một loạt các khu vực gần đây được lựa chọn bởi Đảng Dân chủ Nhật Bản mới chỉ phát triển chưa đầy 2 năm tuổi. Thành công hiếm hoi trong số đó là Fukuoka, một thành phố trên đảo Kyushu là minh chứng tiêu biểu cho một đặc khu kinh tế "toàn diện" sản xuất và bán các sản phẩm công nghệ thân thiện môi trường cho các nước láng giềng, cũng vừa mới cất cánh.
Trong khi khu vực còn non trẻ mới đang phát triển, điều nhiều người lo ngại là kế hoạch xây dựng đặc khu kinh tế mới của thủ tướng Abe chỉ đơn giản là hút lại những dòng vốn, đầu tư, công nghệ,… từ những khu vực kinh tế cũ, nói ngắn gọn chỉ là “bình mới rượu cũ”.
Lo ngại trên xuất hiện một phần do mũi tên thứ 3 của Abenomics được phóng đi cách đây 2 tháng, nhưng chưa có bất kì một kế hoạch cụ thể nào. Hình hài của chính sách cải cách đầy tham vọng vẫn còn rất sơ khai. Và một điều nữa, nếu quy hoạch chủ yếu tập trung ở những thành phố lớn thì những vấn đề giải quyết khoảng cách chênh lệch giàu nghèo, bất bình đẳng xã hội, ô nhiễm môi trường cũng chưa được Nhật Bản tính đến.
Nguồn Economist/Dân Việt